Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị
Trung ương 6, khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị
quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng
cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian
qua, toàn ngành y tế đã tích cực triển khai thực hiện việc kiện toàn,
sắp xếp lại cơ cấu tổ chức xây dựng bộ máy từ Trung ương đến địa phương và bước
đầu thu được một số kết quả quan trọng được Đảng, Chính phủ nghi nhận.
Đến nay, số lượng phòng trong các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế được sắp
xếp, thu gọn từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm 35 phòng và 105 cán bộ
lãnh đạo cấp phòng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thực hiện đúng lộ trình
tinh giản biên chế từ năm 2016, mỗi năm giảm 1,6 đến 2%, đến năm 2021
đạt tỷ lệ giảm 10% biên chế hành chính so với năm 2015...
Đối với hệ thống tổ chức y tế địa phương, hiện nay các tỉnh, thành
phố đang thực hiện mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở
sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng theo Thông tư số 26/2017/TT-
BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của CDC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, việc kiện toàn,
sắp xếp các đơn vị trên địa bàn thuộc thẩm quyền của địa phương, có lộ
trình thực hiện và hoàn thiện mô hình CDC trước ngày 1/1/2021.
Như vậy,
nếu như trước đây, mỗi tỉnh, thành phố có từ năm đến chín đơn vị trung
tâm (nếu tính bình quân mỗi tỉnh có sáu đơn vị, trung tâm) sáp nhập lại
thành một trung tâm, cả nước sẽ giảm 315 đơn vị đối với tuyến tỉnh. Tính
đến tháng 7/2019, đã có 53 tỉnh, thành phố có quyết định thực hiện mô
hình CDC, với số đơn vị tuyến tỉnh sáp nhập là 266 đơn vị. Khi 63 tỉnh,
thành phố hoàn thành việc thực hiện mô hình CDC tuyến tỉnh sẽ giảm được
1.260 vị trí lãnh đạo, ước tính giảm chi ngân sách nhà nước khoảng hơn
90 tỷ đồng/năm.
Nhân lực y tế ở các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh cũng đã được thực
hiện sắp xếp gắn với việc thực hiện tự chủ kinh phí thường xuyên ở các
địa phương. Hiện nay có khoảng 70 đơn vị (chiếm 3,43% số đơn vị sự
nghiệp y tế tuyến tỉnh) với khoảng 35 nghìn biên chế không phải chi
lương từ ngân sách nhà nước, mà đã đưa vào giá dịch vụ, qua đó giảm chi
cho Nhà nước khoảng 2.520 tỷ đồng/năm. Việc thực hiện tự chủ kinh phí
thường xuyên và tự chủ nhân lực y tế tại 51 tỉnh, thành phố trong cả
nước đã giảm chi ngân sách nhà nước gần 15 nghìn tỷ đồng...
Không chỉ tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã cũng được ngành y tế các
địa phương tiến hành kiện toàn, sắp xếp lại. Đến nay 100% số xã trên địa
bàn toàn quốc có trạm y tế xã, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc
sức khỏe ban đầu và các nhiệm vụ y tế cơ sở.
Hiện có 62 tỉnh, thành phố
quy định trạm y tế xã là đơn vị y tế trực thuộc trung tâm y tế huyện,
cho nên các trạm y tế xã không phải là một đơn vị sự nghiệp y tế. Do
không phải là đơn vị sự nghiệp y tế hoàn chỉnh cho nên không cần bố trí
hàng chục nghìn nhân viên để thực hiện các công việc hành chính như: văn
thư, kế toán, tổ chức tại các trạm y tế mà do trung tâm y tế huyện quản
lý toàn diện để luân phiên cán bộ thuận lợi khi có dịch xảy ra, đồng
thời để cán bộ có điều kiện thực hành, nâng cao trình độ...
Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy việc sắp xếp, thu gọn đầu
mối sẽ dôi cán bộ lãnh đạo, quản lý, ảnh hưởng nhiều đến tâm tư của
những cán bộ không còn tiếp tục giữ chức vụ. Như vậy cần có thời gian
sắp xếp, bố trí, phân công để ổn định hoạt động của đơn vị cũng như ổn
định tinh thần của cán bộ.
Tại tuyến huyện, việc sáp nhập trung tâm y tế
và bệnh viện thành trung tâm y tế đa chức năng chưa được cấp ủy, lãnh
đạo một số địa phương thống nhất và quyết tâm triển khai thực hiện. Đáng
chú ý, có địa phương giao trung tâm y tế huyện cho UBND huyện quản lý
đã gây khó khăn cho việc chỉ đạo ngành dọc có tính đặc thù của ngành y
tế, chưa đưa ra phương án thu gọn, giải thể phòng khám đa khoa khu vực
hoạt động kém hiệu quả. Mặt khác, các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn,
quy trình, thủ tục về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ chậm được ban hành,
cho nên ngành y tế chưa có cơ sở ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện
công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ...
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị Trung ương;
nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ Y tế về công
tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục
hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện cơ chế tự chủ, tự
chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, công tác cán bộ theo quy định của
pháp luật và quyết định phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
Phối hợp
chặt chẽ, có hiệu quả với UBND các tỉnh, thành phố và các địa phương về
việc kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức của hệ thống y tế địa phương. Toàn
ngành tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ gắn với đổi mới cơ
chế tài chính, cơ chế quản lý, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách
nhiệm để mỗi cán bộ y tế từ tình trạng phải làm mang tính bắt buộc, sang
trạng thái tự giác thực hiện khi gắn liền với quyền lợi, lợi ích của
tập thể và cá nhân.
Bộ Y tế cũng sẽ sớm hoàn thiện và phê duyệt đề án phát triển nguồn
nhân lực y tế chất lượng cao đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 từ y
tế T.Ư đến y tế cơ sở để triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu tuyển
chọn, tuyển dụng, quản lý, đào tạo, phát triển và duy trì nguồn nhân lực
chất lượng cao ở tất cả các tuyến. Qua đó, tạo ra bước đột phá nhằm
thực hiện tốt chiến lược cán bộ y tế thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế./.