(TG) - Hội thảo quốc tế "Thích ứng với Già hóa dân số" là dịp để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và nhà khoa học của các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác cùng nhau thảo luận về thực trạng, thách thức của già hóa dân số; chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến hay trong phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc xã hội và chăm sóc y tế trong bối cảnh già hóa dân số.
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức “Hội thảo Quốc tế Thích ứng với Già hóa dân số”.
Hội thảo có khoảng 200 đại biểu tham dự, bao gồm những nhà hoạch định chính sách, quản lý, đầu tư, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu khoa học, doanh nhân, chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, dân số, lao động việc làm, an sinh xã hội. Các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, người cao tuổi (NCT) và nước chủ nhà Việt Nam.
Tổng quan về già hoá dân số ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Bất cứ quốc gia nào cũng đều phải căn cứ vào quy mô và cơ cấu dân số để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, quy mô dân số của Việt Nam đang ở mức trung bình khá, cơ cấu dân số đang trong giai đoạn lý tưởng - dân số vàng - điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển và sử dụng nguồn nhân lực cũng như cải thiện chính sách an sinh xã hội, tăng cường tốc độ tăng trưởng kinh tế và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, nhận định của các chuyên gia về dân số của Việt Nam cũng như các chuyên gia về dân số quốc tế đều cho rằng: Có thể tốc độ già hóa dân số của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Như vậy, mục đích duy trì giai đoạn dân số vàng trong khoảng 25 - 30 năm sẽ bị rút ngắn lại, điều đó sẽ tạo ra rào cản để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng lại phải ưu tiên đầu tư cho chính sách an sinh xã hội nhiều hơn do tỷ lệ người cao tuổi tăng lên.
|
Hiện nay, số người cao tuổi của Việt Nam chiếm 11% dân số. (Ảnh: Chí Cường) |
Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 (60+) tuổi. Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người 60+ tuổi và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050. Thế giới hiện nay có khoảng 901 triệu người cao tuổi (năm 2015), chiếm 12,3% dân số thế giới sẽ tăng lên hơn 2 tỷ người (vào năm 2050), chiếm 22% dân số thế giới. Dân số APEC chiếm 40,5% tổng dân số thế giới nhưng chiếm tới gần 50% tỷ trọng NCT trên thế giới. Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số, trong đó một số nền kinh tế thành viên có số lượng và tỷ trọng NCT rất lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản...
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu NCT, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) thì Việt Nam chỉ mất 15 năm! Sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng...
Hội thảo tập trung vào 5 nội dung chính sau: Dựng lên bức tranh toàn cảnh về già hóa dân số thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình dương; Già hóa dân số với Tăng trưởng kinh tế; Già hóa dân số với An sinh xã hội; Già hóa dân số và Chăm sóc y tế; Các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng.
Hội thảo là dịp để các nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc NCT dựa vào gia đình và cộng đồng. Những khuyến nghị chính sách từ Hội thảo sẽ được bàn thảo trong Đối thoại Chính sách Y tế, trong các cuộc họp của Nhóm Công tác Y tế, cuộc họp cấp cao các Bộ trưởng Y tế APEC thuộc SOM 3 tại TP Hồ Chí Minh./.
Duy Phong