Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 8/5/2012 17:22'(GMT+7)

Gia Lai: công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí đạt hiệu quả thiết thực

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Gia Lai, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của tỉnh 5 năm qua (2007-2011) đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực.

Quán triệt chủ trương của về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thời gian qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh theo quy định. Đồng thời xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống ở các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sâu rộng trong cán bộ và nhân dân, quán triệt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trên báo Gia Lai, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh hàng tháng, tổ chức tập huấn về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cho tất cả cán bộ chủ chốt các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh còn  thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm để phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ tham nhũng.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành triển khai thực hiện công khai, minh bạch ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham những như: tuyển dụng, công tác cán bộ, chính sách đãi ngộ thích hợp để thu hút lao động có chất lượng cao từ nơi khác đến làm việc đều công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Nhà nước. Các bộ thủ tục hành chính đang áp dụng và các văn bản chỉ đạo, điều hành đều được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm túc quy định về chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo thực hiện công khai, tập trung, dân chủ theo quy định. Đến nay, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.202 cán bộ, công chức, viên chức. Hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí đều an tâm công tác, chưa phát hiện trường hợp nào khiếu nại, tố cáo hoặc vi phạm quy định cấm trong thực hiện việc chuyển đổi. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đều triển khai việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp một cách nhiêm túc, cụ thể hóa “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức” gắn với thực hiện Quy chế Văn hóa công sở để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Ngoài ra, việc thực hiện quyền tự chủ về tài chính, biên chế và giao khoán kinh phí hoạt động cho các cơ quan đơn vị cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện 100% cơ quan hành chính Nhà nước và gần 60% các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính, đảm bảo trích đủ 10% tiết kiệm chi thường xuyên theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo rà soát và yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố sử dụng hiệu quả biên chế được giao, những đơn vị sử dụng dưới 90% biên chế được giao, tỉnh sẽ xem xét, cắt giảm chỉ tiêu biên chế. Thực hiện việc chi trả lương cho cán bộ, công chức qua tài khoản ngân hàng được triển khai thực hiện nghiêm túc, trừ một số huyện chưa lắp đặt máy ATM.

Thực hiện minh bạch về tài sản, thu nhập của đảng viên, cán bộ, công chức cũng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai. Hàng năm, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập đối với đảng viên theo quy định, nên đến nay công tác kê khai tài sản, thu nhập đã được nộp lưu trong hồ sơ đảng viên. UBND các cấp, các sở, ban, ngành triển khai thực hiện công khai, minh bạch ở hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động của mình.

Hoàn thiện và thực hiện các quy định về quản lý kinh tế, xã hội phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, công tác cải cách hành chính được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Hàng năm tỉnh đều ban hành Chương trình hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết kịp thời 274 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực, không dể xảy ra điểm nóng. Đến nay có 100% sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND cấp huyện và 194/222 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện cơ chế một cửa (số xã chưa thực hiện là xã vùng 3 do điều kiện khó khăn và chưa có nhu cầu). Triển khai thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông tại 05 cơ quan cấp tỉnh và 16 đơn vị cấp xã của 06 huyện, thị xã đã rút ngắn được thời gian giải quyết công việc, giảm phiền hà cho công dân, tổ chức và hạn chế tình trạng tiêu cực xảy ra tại cơ sở. Bên cạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác thanh tra được tăng cường chỉ đạo, trong đó tập trung vào những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng như: Quản lý, bảo vệ rừng; quản lý, sử dụng đất đai; thu, chi tài chính; đầu tư xây dựng cơ bản; khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến lâm sản trái phép…

Từ công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác thanh tra, các hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Ngành Thanh tra đã triển khai 499 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực: Tài chính ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thuế; chương trình 134, 135; khoa học công nghệ, cổ phần hóa...  tại 3.502 đơn vị và đã phát hiện 1.227 đơn vị sai phạm, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 204 cá nhân vi phạm; phát hiện 09 vụ tham nhũng với số tiền vi phạm hơn 472 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều vụ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây ảnh hưởng đối với người khác... cũng được cơ quan điều tra hai cấp đưa ra xét xử theo đúng pháp luật như: vụ án sập cầu Bung tại huyện Krông Pa (thu hồi 6,8 tỷ đồng tiền khắc phục thiệt hại), vụ án đấu thầu thuốc y tế gây thiệt hại hơn 8 tỷ đồng tại Sở Y tế Gia Lai...

Mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm trong lãnh đạo, sự kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện và sự đồng thuận, tích cực tham gia của toàn xã hội song vẫn còn những hạn chế cần khắc phục đó là: việc thực hiện  các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí chưa được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả còn thấp; tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức khi giải quyết công việc cho công dân, tổ chức chưa được khắc phục; việc phát hiện tham nhũng, lãng phí trong nội bộ các cơ quan, đơn vị còn hạn chế; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng, lãng phí chưa nghiêm; công tác điều tra, truy tố, xét xử còn chậm…

Vấn đề tham nhũng đang là mối quan tâm bức xúc của toàn xã hội. Do đó, để công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, nhân dân gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tạo được sự thống nhất trong nhận thức và quyết tâm trong hành động. Các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được cụ thể hoá và triển khai, thực hiện một cách đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung chỉ đạo thường xuyên nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; khuyến khích việc đưa tin, bài phản ánh về hoạt động phòng chống tham nhũng và các vụ việc tham nhũng, lãng phí; biểu dương kịp thời những điển hình tốt, những tấm gương tiêu biểu trong phòng chống tham nhũng, lên án, kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham những, lãng phí. Đẩy mạnh các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng như: cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, veien chức; thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; công khai hoạt động của cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng, nhất là các vụ việc phức tạp mà dư luận quan tâm. Giải quyết kịp thời các tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; nâng cao vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận, Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động phòng chống tham nhũng, trước hết là giám sát hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để có kiến nghị với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng có hiệu quả…

Ánh Hồng
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Gia Lai
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất