Chủ Nhật, 27/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 19/11/2015 11:5'(GMT+7)

Kon Tum: Hiệu quả thiết thực từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”

Tại hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, UBMTTQVN tỉnh Kon Tum cho biết: Qua 20 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, đã nhận được sự quan tâm phối hợp thực hiện của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực. Cuộc vận động đã đem lại kết quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

5 nội dung Cuộc vận động được triển khai thực hiện nghiêm túc, đã đem lại nhiều kết quả to lớn, như: Nội dung về Đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh: Đã đạt được những kết quả tích cực như đã giảm mạnh hộ nghèo từ 53,7% năm 1995 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 11,5% năm 2015 (theo tiêu chí mới); đã thành lập trên 1.422 nhóm hộ, tổ hợp tác giúp nhau sản xuất; giải quyết việc làm cho hơn 14 ngàn lao động; vận động người dân hiến đất làm các công trình phúc lợi công cộng hàng ngàn mét vuông; vận động Nhân dân đóng góp công sức và tiền của trị giá hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, làm mới đường bê tông thôn, xóm; vận động Nhân dân đóng góp trên 74 tỷ đồng cho Quỹ vì người nghèo; hỗ trợ và xây dựng gần 03 ngàn căn nhà đại đoàn kết cho các đối tượng xã hội…

Trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình: Đã tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện lối sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, tang, lễ hội, xóa bỏ các hủ tục, mê tín, dị đoan; vận động Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng, bảo vệ các thiết chế văn hóa địa phương. Đến nay, đã có 748/859 thôn, làng, tổ dân phố (đạt trên 87%) có nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; có gần 75 ngàn hộ gia đình/115 ngàn hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; có 683/859 khu dân cư thực hiện không sinh con thứ 3…

Việc xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp, đã tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng và tham gia tích cực vào hoạt động bảo vệ môi trường, thông qua việc làm thiết thực, như đóng góp tiền của, công sức cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước; thu gom, xử lý rác thải; trồng cây xanh; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tham gia quản lý, bảo vệ rừng… Đến nay, toàn tỉnh có 612/859 khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trong việc đoàn kết phát huy dân chủ, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh: UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đã phối hợp tốt với các ngành chức năng, các tổ chức thành viên lồng ghép các hoạt động của mặt trận để tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đã tổ chức 1.125 cuộc họp, với trên 67 ngàn lượt người dân tham dự các cuộc tuyên truyền, vận động; đã có 842/859 khu dân cư xây dựng hương ước, quy ước; thành lập 831 tổ tự quản trật tự an ninh ở khu dân cư; đã cung cấp trên 10 ngàn nguồn tin tố giác tội phạm có giá trị cho các các ngành chức năng xư lý kịp thời. Đến nay, có 557 khu dân cư không phát sinh tội phạm, 729 khu dân cư không phát sinh người nghiện ma túy, 324 khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đã thành lập 842 Tổ hòa giải/ 859 khu dân cư…

Việc đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng; phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”: Được UBMTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên tích cực thực hiện, đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công, các đối tượng xã hội bằng những việc làm thiết thực. Bình quân mỗi năm, Quỹ đền ơn, đáp nghĩa của tỉnh huy động được 01 tỷ đồng và vận động người dân đóng góp trên 80 ngàn ngày công để giúp các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng xã hội sửa chữa nhà cửa, ruộng vườn, chăm sóc nghĩa trang, bia tưởng niệm… Đến nay, đã xây dựng trên 359 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 269 căn nhà hư hỏng, xuống cấp cho các đối tượng chính sách, xã hội có khó khăn về nhà ở; phụng dưỡng 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ 422 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách với tổng số tiền gần 150 triệu đồng; tổ chức thăm, tặng hàng ngàn suất quà nhân các dịp lễ, tết cho các đối tượng chính sách, người có công và các đối tượng xã hội… Hiện có, 85/102 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ. Các hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội đã huy động được số tiền trên 400 tỷ đồng, Quỹ cứu trợ của tỉnh đã vận động gần 105 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng chính sách, người có công và các đối  tượng xã hội, các đối tượng bị ảnh hưởng bão lũ số 9 (năm 2009), qua đó đã giúp hàng trăm gia đình thoát khỏi đói nghèo, xóa được nhà tạm bợ, ổn định cuộc sống.

Qua 20 năm thực hiện Cuộc vận động, mặc dù vẫn còn có những hạn chế nhất định, như còn nhiều khu dân cư chưa triển khai thực hiện nghiêm túc; sự chỉ đạo, hướng dẫn của một số Ban thường trực UBMTTQVN cấp huyện, xã chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả xây dựng mô hình điểm chưa cao, việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình chưa kịp thời; kết quả thực hiện 05 nội dung, các tiêu chí của Cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh còn nhiều lúng túng; sự phối hợp giữa Mặt trận tổ quốc cấp huyện, xã với ngành văn hóa cùng cấp trong việc tổ chức đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” còn chưa thống nhất, hiêu quả còn hạn chế… Tuy nhiên, đánh giá tổng quát, những kết quả đạt được là vô cùng to lớn, đã góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh phát triển, ổn định.

Để có được những kết quả to lớn trên, hội nghị đã rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là:

Thứ nhất, trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động, cần có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, địa bàn khu dân cư; có sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, đây là nhân tố quyết định đến sự thành công của Cuộc vận động. Mặt trận tổ quốc các cấp chủ động phối hợp với chính quyền, tạo sự phối hợp gắn kết giữa Mặt trận các cấp với các tổ chức thành viên, các sở, ban, ngành trong tổ chức thực hiện.

Thứ hai, Mặt trận tổ quốc các cấp cần nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa Cuộc vận động, từ đó chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp tốt với chính quyền và các tổ chức thành viên trong triển khai thực hiện. Đồng thời, Mặt trận phải luôn đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế ở từng địa phương để phát huy hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, Mặt trận tổ quốc phối hợp, thống nhất với chính quyền về các chương trình, các phong trào có cùng mục tiêu, nội dung để lồng ghép vào Cuộc vận động; đồng thời có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng tổ chức thành viên, có sự hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, đây là biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động.

Thứ tư, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Mặt trận tổ quốc phải cụ thể, kịp thời; chú trọng phát huy nhân tố điển hình, cách làm hay, mô hình có hiệu quả để nhân rộng; làm tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn, có sự đôn đốc, nhắc nhở kịp thời đối với cơ sở và khu dân cư trong việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động; có sự biểu dương, khen thưởng kịp thời nhân tố điển hình, gương người tốt việc tốt, mô hình tốt; quan tâm công tác xây dựng, củng cố khu dân cư, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cơ sở.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tập trung tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung, mục đích, ý nghĩa của 2 cuộc vận động. Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong đó, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Cần kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhânđiển hình tiên tiến và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Thực hiện các cuộc vận động hiệu quả, thiết thực, tránh chạy theo thành tích. Đối với Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", cần nghiên cứu hình thức hỗ trợ để phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong các hộ nghèo. Đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Mặt trận các cấp tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động nói chung và Cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" nói riêng nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự vươn lên, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Kon Tum đã trao tặng bằng khen cho 50 tập thể và 82 cá nhân vì đã có thành tích trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC” và Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”.

Lê Văn Châu -  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất