Thứ Ba, 26/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 26/11/2015 14:15'(GMT+7)

Việt-Lào luôn cùng hợp tác giúp đỡ nhau trên tinh thần anh em vô tư trong sáng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong. (Ảnh: TTXVN)

Nhân sự kiện trên, phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavath về những thành tựu của Lào và sự đồng hành của Việt Nam cùng với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào trong suốt 40 năm qua. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin ông cho biết về những thành tựu của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào trong suốt 40 năm qua?


Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavath: Từ ngày nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ra đời ngày 02/12/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đất nước chúng tôi đã trải qua hai giai đoạn: Thứ nhất là giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh và chuẩn bị cơ sở nền tảng để tiến tới sự phát triển thật sự; Giai đoạn hai tính từ năm 1986, chúng tôi đã tiến hành đổi mới toàn diện và có nguyên tắc.

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển trong 40 năm qua, chúng tôi tự hào khẳng định chưa có giai đoạn nào trong lịch sử đất nước có được sự phát triển toàn diện như ngày nay.

Về chính trị, nhân dân các bộ tộc Lào đã đoàn kết một lòng đứng dưới bóng cờ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quang vinh, điều này đã đem lại sự ổn định an ninh, chính trị và có thể nói Lào là một nước trên thế giới có nền chính trị ổn định.

Về kinh tế cũng đã có sự phát triển vượt bậc, năm 1980, GDP bình quân đầu người của Lào chỉ đạt 118 USD/người, năm 2015, con số này đã là trên 1800 USD/người.

Điều này đã góp phần làm giảm mạnh tỷ lệ nghèo trên cả nước, có thể nói chúng tôi đã cơ bản hoàn thành công tác xóa nghèo cho nhân dân Lào, tới nay tỷ lệ này trên cả nước chỉ còn khoảng 7%.

Một thành tựu nữa trong lĩnh vực phát triển kinh tế là ngành điện. Nếu so với thời trước giải phóng thì quả đúng là một trời một vực, ví dụ, trước giải phóng, cả nước Lào chỉ có mỗi đập thủy điện Nặm Ngừm với công suất 30Mw, một đập nhỏ ở Luangprabang với công suất 1 Mw và một đập Xê Lăm Băm ở Nam Lào với công suất 5Mw, tổng cộng chỉ có 36Mw.

Với sản lượng nhỏ nhoi đó, chỉ có một số ít dân thành thị được sử dụng điện, trong khi ngày nay, sản lượng điện hàng năm tại Lào là hơn 6000 MW, và có tới gần 90% dân số Lào hiện đã được sử dụng điện, một sự thay đổi vô cùng lớn lao.

Thành tựu tiếp theo là về giao thông, trước đây việc đi lại giữa thủ đô Vientiane và các tỉnh là vô cùng khó khăn, nếu vào mùa mưa thì còn khổ nữa, đi từ Vientiane tới Thà Khẹc, tỉnh Khammouane, phải mất tới 3 ngày trên quãng đường chưa tới 400km, ngày nay cũng quãng đường đó, nhưng chỉ mất chưa tới 5 tiếng là tới nơi.

Về nông nghiệp, nhờ ứng dụng kĩ thuật khoa học và công nghệ mới vào sản xuất, song song với việc đầu tư phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi, nông nghiệp Lào đã có sự phát triển toàn diện trong 40 năm qua. Nếu trước đây, Lào sản xuất gạo không đủ ăn, phải nhập khẩu từ nước ngoài về thì hiện nay Lào đã sản xuất gạo không những đủ ăn mà còn dư để xuất khẩu.

Về giáo dục, đây có thể nói là một thành tựu nổi bật của Lào trong 40 năm qua. Nếu trước đây, Lào có tới 95% người dân bị mù chữ, hệ thống giáo dục hết sức sơ khai thì nay, hệ thống giáo dục của Lào đã có những bước phát triển toàn diện và mới đây, chúng tôi đã làm lễ tổng kết hoàn thành việc phổ cập giáo dục cấp tiểu học trên toàn quốc.

Hiện một số huyện tại Lào đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở và dự kiến đến năm 2025, chúng tôi sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở trên phạm vi cả nước và tiến tới phổ cập giáo dục cấp trung học. Đây là thành quả của việc đào tạo nguồn nhân lực mà Đảng Nhà nước Lào đã tập trung trong nhiều năm qua.

Trong lĩnh vực ngoại giao, sau khi nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào được thành lập, các nước có quan hệ ngoại giao với Lào trước đó đã công nhận nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, không có quốc gia nào bãi bỏ quan hệ với Lào, điều này đã khẳng định sự tốt đẹp của chế độ mới ở Lào.

Kể từ đó, công tác ngoại giao của Lào đã liên tục phát triển, hiện Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã có quan hệ ngoại giao với hơn 130 quốc gia… Nhìn chung, công tác ngoại giao của Lào đã đạt đươc nhiều thành tựu và điều mà tôi mừng nhất là việc chúng ta đã giữ gìn và phát triển mạnh mẽ quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam trong suốt thời gian qua.

- Trong sự phát triển của mỗi quốc gia, đều có sự đồng hành của những nước bè bạn, ông đánh giá thế nào về sự đồng hành của Việt Nam với Lào trong suốt 40 năm qua?


Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavath:
Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, Lào có biên giới với 5 quốc gia, tuy nhiên, biên giới giáp với Việt Nam là dài nhất, hơn 2000km. Trong lịch sử, Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng tốt của nhau, không có mâu thuẫn tranh chấp gì với nhau. Nhân dân luôn đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau.

Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của hai Đảng chúng ta lãnh đạo, càng giúp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Nhân dân hai nước chúng ta đã cùng sát cánh bên nhau chiến đấu chống lại kẻ thù chung, cùng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Sau khi hòa bình lập lại, hai nước tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để cùng xây dựng đất nước.

Trong 40 năm qua, Việt Nam ngoài việc khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển đất nước, vẫn luôn quan tâm và giúp đỡ Lào. Đặc biệt, sau khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào năm 1977, Việt Nam và Lào đã thực sự hợp tác chặt chẽ với nhau trên mọi lĩnh vực.

Riêng cấp chính phủ thì có Phân ban Hợp tác, đến nay, Cơ quan này đã tiến hành 37 kỳ họp và sắp tới sẽ tiến hành họp lần thứ 38. Tôi thấy, dù mỗi nước có đặc thù riêng, nhưng chúng ta vẫn luôn cùng hợp tác giúp đỡ nhau trên tinh thần anh em vô tư trong sáng, cùng chung bước đi lên, đây là sự hợp tác hiếm có trên thế giới.

Riêng tôi, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban hợp tác giữa hai nước, tôi hiểu rất rõ về vấn đề này, có thể nói, dù còn vô vàn khó khăn, nhưng mỗi khi Lào cần, Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ hết mình. Thành tựu mà Lào có được hôm nay, có phần giúp đỡ và đóng góp không hề nhỏ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Trong thời chiến tranh, sự hợp tác chặt chẽ trong chiến đấu và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước đã quyết định thắng lợi của Việt Nam và Lào. Trong thời đại mới ngày nay, việc duy trì, gìn giữ và vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng chặt chẽ là yếu tố quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của chúng ta hiện nay.

Việc lãnh đạo hai nước thường xuyên thăm viếng và trao đổi với nhau trên tinh thần luôn tin tưởng nhau là cơ sở cho việc hợp tác lâu dài giữa hai nước. Bản thân tôi từng tham gia nhiều nhiều hội nghị giữa hai Đảng và hai nước và thấy rằng sự tin tưởng giữa hai nước ngày càng trở nên sâu rộng và chặt chẽ. Tôi tin rằng, truyền thống tốt đẹp này sẽ mãi mãi bền vững.

Nhân dịp này, tôi xin thay mặt cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, xin chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, mặc dù đất nước còn có nhiều khó khăn, nhưng vẫn luôn chia sẻ giúp đỡ nhân dân Lào, góp phần giúp Lào đạt được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay

Xin chúc nhân dân Việt Nam anh em, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn thành tốt công tác xây dựng và phát triển đất nước theo đường lối mà Đảng đã đề ra; chúc Đại hội Đảng 12 của Việt Nam thành công tốt đẹp./.

Phạm Kiên (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất