Thứ Bảy, 28/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 28/2/2012 20:43'(GMT+7)

Gia Lai với công tác đào tạo, bỗi dưỡng cán bộ

Lớp bồi dưỡng cán bộ huyện Chư Sê - Gia Lai. Ảnh: AH

Lớp bồi dưỡng cán bộ huyện Chư Sê - Gia Lai. Ảnh: AH

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Gia Lai phát triển ngày càng vững chắc, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, hệ thống chính trị được củng cố, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đạt được kết quả, thành công trên có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) của tỉnh; tinh thần, thái độ trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và trình độ các mặt của đội ngũ CBCC ngày càng được nâng cao, đáp ứng cơ bản được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận CBCC của tỉnh còn nhiều mặt hạn chế, chưa xứng tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới, còn lúng túng, chưa xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn ở cơ sở… Do vậy, nhu cầu đặt ra là cần phải đào tạo, bồi dưỡng để vừa tạo nguồn bổ sung đủ số lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, chuyên nghiệp, đủ năng lực, thực thi công vụ hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn mới.

Hiện nay, cán bộ công chức khối đảng, đoàn thể 1.569 người, công chức khối nhà nước là 3.575 người, cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn cấp xã 3.912 người. Trong đó, tỷ lệ CBCC là nữ, người dân tộc thiểu số tại địa phương, trẻ (độ tuổi dưới 30) còn thấp; tỷ lệ CBCC có trình độ đại học, cao đẳng cao nhưng số người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ còn rất ít, đặc biệt ở khối Đảng, đoàn thể. Đội ngũ CBCC chuyên môn chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nên làm việc theo kinh nghiệm, tập trung vào hoạt động sự vụ, thiếu tính chiến lược, tầm nhìn; Đội ngũ CBCC trẻ thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên kỹ năng hoạt động còn hạn chế, nhất là kỹ năng quản lý hành chính. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức chuyên môn ít người có trình độ cao, chuyên sâu trong các lĩnh vực. Việc đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành chưa được chú trọng. Còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi, nòng cốt trong các ngành, lĩnh vực để thực hiện vai trò của chính quyền trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chất lượng phát triển kinh tế xã hội…

Do đó thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định. Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, ngạch công chức, đúng đối tượng, mục tiêu đào tạo, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn. Năm 2011, tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch và bồi dưỡng các kiến thức bổ trợ cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao của các ngành, lĩnh vực theo Đề án của tỉnh. Trong năm, toàn tỉnh đã cử 71 cán bộ, công chức đi học sau đại học (22 chuyên khoa cấp I, 49 thạc sỹ); thu hút 40 người có trình độ cao về tỉnh công tác (15 thạc sỹ, 25 người tốt nghiệp đại học loại giỏi). Cử 17 cán bộ, công chức đi bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp; 24 người đi bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cho 173 học viên. Phối hợp tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý, lãnh đạo, 01 lớp bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế và kỹ năng quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công cho 150 trưởng phòng cấp sở, cấp huyện. Phối hợp mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho 76 cán bộ đối tượng 2; 302 cán bộ đối tượng 3; 2.326 cán bộ, công chức đối tượng 4 và 6.266 cán bộ, công chức đối tượng 5. Các ngành chức năng đã mở lớp bồi dưỡng tiếng Jrai cho 71 học viên, bồi dưỡng tin học cho 160 học viên và bồi dưỡng tiếng Anh cho 63 học viên.

Đối với cán bộ, công chức cấp cơ sở, tập trung đào tạo chuẩn hóa các mặt kiến thức, nhất là trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Các sở, ngành chức năng phối hợp với các địa phương đã mở 04 lớp trung cấp chuyên môn và 02 lớp đại học cho cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn: Kiến thức quản lý nhà nước cho 332 học viên; bồi dưỡng chức danh chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã cho 71 học viên; bồi dưỡng kiến thức cho 35 sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở cơ sở theo Đề án 03 của Tỉnh ủy. Tiếp tục duy trì đào tạo 10 lớp trung cấp chuyên môn và 02 lớp đại học cho cán bộ, công chức cấp xã mở từ năm 2010 - 2011. Ngoài ra tỉnh đã hỗ trợ 1,7 tỷ đồng cho các địa phương để tổ chức bổ túc văn hóa, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác cho cán bộ, công chức cấp xã và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vẫn còn một số hạn chế như: Một số lớp đào tạo, bồi dưỡng chưa đảm bảo thời gian theo kế hoạch được phê duyệt; kết quả từng khóa học chưa được đánh giá, báo cáo đầy đủ; hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa được đầu tư đúng mức; nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, hiệu quả chưa cao; chất lượng, trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức đạt hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh đã ra Quyết định số 837/QĐ-UBND ngày 16/12/2011 về việc ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2015. Theo đó, các mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cụ thể đến năm 2015 là: đối với cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện thì 100% được đào tạo về trình độ các mặt đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 22/7/2009 của UBND tỉnh (trong đó có trên 90% đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên); 95% CBCC giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên được đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm; 70% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm; 10% CBCC cấp tỉnh và 5% CBCC cấp huyện được đào tạo sau đại học. Đối với cán bộ, công chức cấp xã thì 95% cán bộ chủ chốt cấp ủy Đảng, HĐND, UBND và 100% công chức chuyên môn cấp xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; 100% cán bộ chủ chốt cấp ủy Đảng, HĐND, UBND và công chức chuyên môn cấp xã được bồi dưỡng kiến thức QLNN; 100% CBCC cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; 70% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm; Cử khoảng 50 lượt CBCC đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài; 100% người hoạt động không chuyên trách được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay./.

Ánh Hồng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất