Thứ Tư, 23/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 30/1/2015 21:11'(GMT+7)

Giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Ngày 30/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Nhân dân, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tọa đàm Khoa học “Những giải pháp triển khai Nghị quyết 33 NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” với sự tham dự của đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của 14 tỉnh, thành phố phía Nam, cùng các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa.

Nghị quyết số 33-NQ/TW được thông qua tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hướng đến mục tiêu chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Hầu hết các đại biểu nhìn nhận sự ra đời của Nghị quyết 33 có những bước đột phá về tư duy và hành động, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của những người làm công tác văn hóa. Tuy nhiên, để triển khai Nghị quyết 33 hiệu quả, yếu tố con người được nhiều đại biểu quan tâm hàng đầu.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Hiện đội ngũ công tác tuyên truyền ở cấp xã, phường, thị trấn, ấp dường như không đủ sức tuyên truyền, thậm chí có nơi đã bố trí cán bộ tuyên giáo thực hiện nhưng không ai muốn làm. Nếu đội ngũ tuyên truyền quá nhợt nhạt, thiếu tâm huyết, làm sao tuyên truyền cho người dân thấm và hiểu được? Vì vậy, cần thiết nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đổi mới công tác tuyên truyền ngay từ cấp cơ sở. Bên cạnh đó, cần triển khai những giải pháp cụ thể, đi sâu vào văn hóa của từng lĩnh vực như giáo dục, y tế, môi trường… thì người dân mới nắm và thực hiện được".

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Lê Văn Hồng bày tỏ: "Hiện các văn bản gửi về cấp cơ sở quá nhiều và nặng nề, nhưng nhân lực tại cấp cơ sở lại yếu và ít. Hệ quả là công việc đề ra không đạt như mong đợi. Để Nghị quyết 33 đi vào đời sống thực tế, để người dân thấm nhuần, hiểu rõ hơn, cần thiết đơn giản hóa, tinh gọn thủ tục; tập trung vào các vấn đề chính, tránh sự chồng chéo và đạt chất lượng hơn số lượng mới có thể dần thay đổi hành vi, nhận thức của con người Việt Nam đồng bộ với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Giảng viên Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Quyên nêu hiện có mâu thuẫn giữa cái cũ và mới, truyền thống và hiện đại đang tồn tại trong mỗi gia đình, vì vậy cần cân bằng giữa cái mới và cái cũ, con người và xã hội mới phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Tạ Văn Thành, Trưởng khoa Du lịch Đại học Hùng Vương đề nghị tại các trường học cần tăng cường giáo dục văn thể mỹ, đặt tình thương yêu là nội dung trọng tâm trên những vị kỷ nhỏ nhen để thế hệ trẻ hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất