(TG) - Luật Giáo dục năm 2019 (Luật số 43/2019/QH14) quy định: Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Trong đó, quy định mục tiêu giáo dục trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.
Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông là kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi trong chương trình giáo dục trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để có thể tiếp tục học trình độ giáo dục nghề nghiệp cao hơn. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.
Học sinh trường nghề phải học 3 môn bắt buộc.
Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/1014/QH13) quy định mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Để bảo đảm thực hiện đầy đủ yêu cầu về khối lượng kiến thức của môn học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi kết thúc môn học theo quy định của Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp, ngày 08/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: môn học và khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo ngành, nghề đào tạo và áp dụng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ trung cấp (gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
1. Theo đó, quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT là những nội dung cơ bản của một số môn học cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với ngành, nghề đào tạo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khối lượng kiến thức của môn học là những nội dung cơ bản được lựa chọn trong chương trình môn học cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với ngành, nghề đào tạo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khối lượng kiến thức văn hóa THPT được giảng dạy cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trình độ trung cấp, học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm giúp học sinh phát triển tốt nhất năng lực nghề nghiệp và những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Sau khi học sinh đã học và thi đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
|
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
2. Để tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm thực hiện đầy đủ yêu cầu về khối lượng kiến thức của môn học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi kết thúc môn học; đồng thời cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có đủ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông để tổ chức giảng dạy các môn học, phù hợp với khối lượng kiến thức của các môn học được tổ chức giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với khối lượng kiến thức của các môn học để tổ chức giảng dạy các môn học theo ngành, nghề đào tạo.
Học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử; các môn học lựa chọn, gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí. Thời lượng giảng dạy của các môn học như sau: Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học; Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học.
|
Đơn giản hóa thủ tục cấp GCN đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Mỗi ngành, nghề đào tạo phải học các môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Lịch sử) và ít nhất 1 môn học lựa chọn (trong số các môn lựa chọn gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí). Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môn học, mỗi lớp học có không quá 45 người học. Mỗi môn học được giảng dạy trong 3 kỳ. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định việc phân chia các kì và xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm thực hiện đầy đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng giảng dạy của môn học. Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: Học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.
3. Việc cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được quy định khi học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 05 (năm) điểm trở lên thì được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo ngành, nghề đó. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy cấp.
4. Để các quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo đó Thông tư số 15/2022 /TT-BGDĐT quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan như sau:
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định tại Thông tư này. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
|
2 hình thức liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.
Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thi kết thúc môn học và cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT. Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch giảng dạy các môn học theo 3 kỳ; quyết định thời điểm tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá định kì cho mỗi kì và thời điểm thi kết thúc môn học phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho người học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy và quản lý việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thi kết thúc môn học và cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội đồng thi kết thúc môn học (thi chính thức và thi lại) bảo đảm việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT. Hằng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chế độ báo cáo theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai, tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT của cơ sở giáo dục nghề nghiệp./.
Nguyễn Thanh Hà