Chủ Nhật, 8/12/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 22/11/2022 10:9'(GMT+7)

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

“Ngày hội việc làm” tạo cơ hội cho nhiều thanh niên vùng caotiếp cận các nhà tuyển dụng.

“Ngày hội việc làm” tạo cơ hội cho nhiều thanh niên vùng caotiếp cận các nhà tuyển dụng.

Nông nghiệp, nông dân là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” cho thấy, Nghị quyết hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng của cả hệ thống chính trị.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, ngày 28/10/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Triển khai Chỉ thị 19-CT/TW, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW tới các tổ chức cơ sở Đảng và giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là cơ quan tham mưu, hướng dẫn thực hiện chỉ thị.

1 - Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt Chỉ thị số 19-CT/TW

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chỉ thị, cụ thể: (1). Phối hợp với Bộ Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn trách nhiệm của từng bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, các cơ sở tham gia dạy nghề và trách nhiệm của lao động nông thôn tham gia học nghề; (2) Xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn về xây dựng chương trình, giáo trình, đăng ký hoạt động dạy nghề, biểu mẫu, sổ sách trong quản lý dạy và học, quy chế thi, kiểm tra để hướng dẫn thực hiện. Ban hành Quyết định về một số tiêu chí, giám sát, đánh giá thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (3). Hướng dẫn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ học phí đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; (4) Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật theo các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn tư vấn cho người lao động

Nhìn chung, việc nghiên cứu, quán triệt, học tập Chỉ thị số 19-CT/TW được thực hiện nghiêm túc, giúp cho các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đó tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện các nội dung của Chỉ thị, thúc đẩy, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc. 100% các địa phương đã tổ chức quán triệt Chỉ thị số 19-CT/TW đến cấp chi bộ và từng đảng viên. Chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy cơ sở tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ sở làm căn cứ để chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

2. Công tác tuyên truyền những nội dung của Chỉ thị số 19-CT/TW

Triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm. Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như xây dựng các chuyên mục, phóng sự về đào tạo nghề cho lao động nông thôn như xây dựng chuyên mục tuyên truyền trên Kênh truyền hình Nông nghiệp - Nông thôn (VTC16); phối hợp thực hiện các phóng sự trên kênh truyền hình VTV1; phối hợp với các báo, tạp chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về đào tạo nghề như tạp chí Lao động - Xã hội, Báo Lao động - Xã hội, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Tuổi trẻ, Báo Dân Trí; Thông tấn xã Việt Nam; Báo Đại biểu nhân dân, Truyền hình nhân dân… Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên làm công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 19-CT/TW, thúc đẩy, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc. 100% Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân đã chỉ đạo và tập trung tuyên truyền tới cán bộ chủ chốt các cấp (tỉnh, huyện, xã); tổ chức tập huấn đối với cán bộ cấp huyện, xã nhằm thực hiện thay đổi căn bản nhận thức của cán bộ về mục đích, ý nghĩa về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đặc biệt các cấp ủy đảng ở cấp huyện, xã đã vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền, đổi mới về cách thức, phương pháp thực hiện: chuyển từ tuyên truyền thụ động, chỉ tập trung giới thiệu các chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn sang tổ chức thực hiện theo kế hoạch, xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục riêng trên đài phát thanh, truyền hình, báo đài địa phương.


Nội dung tuyên truyền ngoài chính sách, pháp luật về dạy nghề, chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm còn giới thiệu các mô hình, cá nhân điển hình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn để bà con học tập và nhân rộng. Từ năm 2013, việc tổ chức tuyên truyền, tư vấn học nghề còn mang tính định hướng nghề nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, quy hoạch sản xuất, đặc biệt là quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo Chỉ thị 19-CT/TW. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề được lồng ghép với các hoạt động và phong trào Hội, đoàn thể địa phương, gắn tuyên truyền về đào tạo nghề với các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 19-CT/TW được đẩy mạnh từ Trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp xã, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm. Hầu hết các cấp ủy đảng đã quan tâm nhiều hơn, sâu sát hơn, có hiệu quả hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dạy nghề, phát triển nhân lực trong thôn thôn, thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, việc quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị được thực hiện kịp thời, quyết liệt đã giúp nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và bộ phận lớn cán bộ, đảng viên cũng như người dân về dạy nghề, phát triển nhân lực nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực, người dân đã có sự nhận thức sâu sắc về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để mưu sinh, phát triển sản xuất, học để tìm được việc làm, học theo nhu cầu của xã hội.

Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy nghề hằng năm, rà soát danh mục nghề đào tạo, chỉ đạo thực hiện theo phương châm: chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề trước khi tổ chức dạy nghề. Trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao, tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ngày càng được củng cố, nâng cao.

Năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước được nâng cao, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn. Công tác xây dựng Đảng ở nông thôn có nhiều đổi mới; tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở ở nông thôn ngày càng được củng cố và tăng cường. 

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ở một số nơi còn chưa quyết liệt, chưa sâu sát. Nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động còn hạn chế, chưa đầy đủ. Tâm lý coi trọng bằng cấp còn nặng nề trong xã hội, dẫn đến hiệu quả công tác tuyên truyền chưa thật tốt, chưa tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội.

Nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thật đầy đủ, đúng mức, nên có lúc, có nơi cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền còn thiếu chủ động, trông chờ, ỷ lại, chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện. Một số cơ chế, chính sách cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chậm ban hành, chưa sát thực tiễn, nhiều văn bản chậm sửa đổi, bổ sung./.

Nguyễn Ngọc Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất