Thứ Bảy, 27/7/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 28/11/2022 8:41'(GMT+7)

Xu hướng phát triển kỹ năng lao động Việt Nam

Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những  yếu tố quyết định sự phát nhanh, bền vững đất nước. (Ảnh minh họa)

Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát nhanh, bền vững đất nước. (Ảnh minh họa)

Kỹ năng là sự thành thục khi áp dụng tri thức vào thực tiễn nghề nghiệp. Kỹ năng có được khi người lao động lặp lại nhiều lần có hoàn thiện những thao tác, hoạt động nhất định nào đó. Theo tổ chức kỹ năng nghề quốc tế (Worldskills International), kỹ năng được xác định là sự thành thạo cụ thể mà thông thường có được bằng giáo dục, đào tạo và thực hành.

Kỹ năng lao động là kỹ năng quan trọng, bắt buộc, cần thiết mà một cá nhân cần có để được thừa nhận có kỹ năng để thực hiện có hiệu quả và có khả năng lựa chọn nguồn lực hoặc giải pháp thay thế để đạt được những kết quả đầu ra của các nhiệm vụ hay công việc trong bối cảnh, điều kiện cụ thể khi làm việc ở một nghề hoặc một ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Kỹ năng nghề là khả năng thực hiện nhiệm vụ hay công việc nhất định của một nghề trong bối cảnh, điều kiện cụ thể của nghề.

Một số kỹ năng cốt lõi theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xác định cho cuộc sống và công việc trong thế kỷ 21: Là một tập hợp các kỹ năng phi kỹ thuật, chẳng hạn như kỹ năng xã hội và cảm xúc, kỹ năng nhận thức và siêu nhận thức, kỹ năng số căn bản, kỹ năng xanh căn bản... có thể dùng chung giữa các ngành, nghề, cũng như giữa các công việc với mức độ yêu cầu từ thấp đến cấp cao. Cả kỹ năng cốt lõi và các kỹ năng chuyên môn kỹ thuật là yêu cầu cần thiết cho mọi cá nhân người lao động giúp họ tìm được việc làm, duy trì việc làm và phát triển nghề nghiệp trong một thế giới việc làm việc thay đổi nhanh chóng, ứng dụng công nghệ số trong công việc và cuộc sống, đạt được các mục tiêu cuộc sống và đóng góp cho hạnh phúc của chính người lao động và của cộng đồng.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Có thể khái quát bốn đặc trưng chính của CMCN 4.0: (1). Dựa trên nền tảng của sự kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối internet vạn vật sẽ thúc đẩy sự phát triển của máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. (2). Sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất sản phẩm một cách hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ - công nghệ này cũng cho phép con người có thể in ra sản phẩm mới bằng những phương pháp phi truyền thống, bỏ qua các khâu trung gian và giảm chi phí sản xuất nhiều nhất có thể. (3). công nghệ nano và vật liệu mới tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực. (4). Trí tuệ nhân tạo và điều khiển học cho phép con người kiểm soát từ xa, không giới hạn về không gian, thời gian, tương tác nhanh hơn và chính xác hơn.

Những đột phá về mặt công nghệ đã và đang tác động nhanh chóng tới chất lượng cung - cầu và cơ cấu thị trường lao động, tự động hóa xóa nhòa ranh giới giữa các công việc trong thế giới việc làm, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, robot đang dần thay thế vị trí con người. Thị trường lao động toàn cầu đang trong quá trình thay đổi về chất, một quá trình khách quan và không chờ đợi bất kỳ quốc gia nào nếu chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với làn sóng thay đổi của khoa học công nghệ 4.0. Nói cách khách, CMCN 4.0 đang mở ra những cơ hội rộng lớn về việc làm, sự thịnh vượng của mỗi quốc gia và cải thiện cuộc sống công dân toàn cầu. Trái lại, cuộc cách mạng này cũng mang tới nhiều thách thức như sự thiếu hụt kỹ năng của thị trường lao động, sự bất bình đẳng và phân cực trong xã hội ngày một lớn hơn nếu các quốc gia không có sự chuẩn bị tốt nhất để ứng phó. Theo báo cáo tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF 2018), quá trình chuyển đổi của thị trường lao động ở mỗi quốc gia cơ bản dựa trên các xu hướng sau đây:

Thứ nhất, sự xuất hiện các công nghệ mới chưa từng có bao gồm: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dự liệu lớn, điện toán đám mây đã và đang là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2018 - 2022.

Thứ hai, thế giới đang đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, tới năm 2022, ước tính khoảng 85% doanh nghiệp toàn cầu có xu hướng mở rộng ứng dụng công nghệ dữ liêu lớn. Tương tự, có tỷ lệ lớn các doanh nghiệp mở rộng ứng dụng công nghệ như Internet vạn vật, các thị trường hỗ trợ ứng dụng Web, điện toán đám mây, thực tế ảo.

Thứ ba, robot hóa trong công việc đang là xu hướng của doanh nghiệp toàn cầu cho dù trong giai đoạn 2018 – 2022 vẫn còn hạn chế, xong một số mô hình ứng dụng công nghệ Robot đã được thương mại hóa, có khoảng từ 23% tới 37% các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư ứng dụng công nghệ này trong hầu khắp quy mô công nghiệp.

Thứ tư, tự động hóa đang làm thay đổi loại hình công việc trong thế giới việc làm. Khoảng 50% doanh nghiệp cho rằng, tự động hóa sẽ giảm bớt đáng kể nhân lực tại doanh nghiệp. Tuy vậy, 38% doanh nghiệp mong muốn tự động hóa sẽ mở rộng nhân lực theo hướng nâng cao năng suất tại doanh nghiệp và 25% doanh nghiệp kỳ vọng tự động hóa sẽ tạo ra các vị trí việc làm mới tại doanh nghiệp.

Thứ năm, tự động hóa và các công nghệ mới sẽ thu hẹp ranh giới giữa con người và máy móc trong hoạt động của doanh nghiệp. Máy móc có xu hướng dần thay thế con người trong công việc. Theo ước tính, năm 2018 trung bình có 71% số giờ trong 12 lĩnh vực công nghiệp thực hiện bởi con người, 29% số giờ thực hiện bởi máy móc. Kỳ vọng tới năm 2022, tỷ lệ có sự thay đổi với 58% số giờ thực hiện bởi con người, 42% thực hiện bởi máy móc.                                                   

Thứ sáu, với sự tác động của công nghệ mới và tự động hóa, kỹ năng lao động ngày càng có xu hướng kém ổn định, thay đổi nhanh chóng. Xuất hiện yêu cầu về đào tạo lại, đào tạo kỹ năng nghề thiếu hụt cho người lao động. Theo báo cáo, đến năm 2022, trên 54% người lao động tại doanh nghiệp cần phải được đào tạo lại hoặc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong số này, khoảng 35% có nhu cầu tham gia khóa đào tạo bổ sung kỹ năng thiếu hụt kéo dài khoảng 6 tháng, 9% có nhu cầu với khóa đào tạo từ 6 đến 12 tháng, trong khi 10% đỏi hỏi khóa đào tạo có thời gian trên 1 năm. Nhu cầu về kỹ năng tiếp tục tăng mạnh và đạt đỉnh điểm trong năm 2022 với các kỹ năng phản biện, đổi mới sáng tạo, kỹ năng chiến lược học tập tương tác. Vai trò, tầm quan trọng của nhóm kỹ năng thiết kế công nghệ, lập trình sẽ tăng lên trong hầu khắp các lĩnh vực khoa học công nghệ. Tuy nhiên, thành thạo về công nghệ chỉ chiếm 50% về mức độ quan trọng, 50% còn lại dành cho các kỹ năng “con người” như kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giải quyết vấn đề mang tính tích hợp, linh hoạt.

Thứ bảy, các chiến lược giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng người lao động tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đưa ra 3 chiến lược để ứng phó với sự thiếu hụt kỹ năng do sự tác động của công nghệ: Tuyển mới nhân lực có kỹ năng nghề phù hợp với công nghệ mới; tìm kiếm giải pháp tự động hóa hoàn toàn đối với các công việc liên quan; đào tạo lại kỹ năng nghề nghiệp cho lao động tại doanh nghiệp. Tuy vậy, gần 25% số doanh nghiệp không có ý định đào tạo lại kỹ năng nghề cho người lao động tại doanh nghiệp, trong khi đó gần 67% doanh nghiệp mong muốn lao động tại doanh nghiệp có thể bổ sung các kỹ năng thiếu hụt thông qua các khóa đào tạo giúp chuyển đổi nghề nghiệp.

Tại Việt Nam, dự báo trong 10 năm tới, khoảng 70% số việc làm có rủi ro cao, 18% có rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp. Đặc biệt, cuộc CMCN 4.0 không chỉ đe dọa việc làm và an sinh xã hội đối với những lao động trình độ kỹ năng thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới để thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Theo một số chuyên gia, những ngành nghề liên quan đến lao động giản đơn, sử dụng nhiều lao động như: Nông nghiệp, dệt may, lắp ráp, thủ công... sẽ chịu rủi ro nhất từ cuộc CMCN 4.0 trong khi lao động các ngành nghề này chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động (khoảng 68%).

Như vậy, dưới tác động của cách mạng công nghiệp, khả năng dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao trong thị trường lao động là tất yếu sẽ xảy ra. Do đó, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mới để bù đắp những kỹ năng thiếu hụt cho người lao động có nhu cầu rất lớn.

Để có những định hướng đúng đắn, nhằm phát triển kỹ năng nghề cho lực lượng lao động nước ta thích ứng với xu hướng cuộc CMCN 4.0. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng:

1. Luật Việc làm 2013 quy định về hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại Chương IV (Điều 29 đến Điều 35); quy định mục đích của đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm: (i) Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận cấp độ theo trình độ kỹ năng của người lao động và (ii) người lao động được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề  quốc gia để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của bản thân, tìm công việc phù hợp hoặc công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

2. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, theo đó Chỉ thị xác định: “Định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao phải trên cơ sở nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động, lấy tín nhiệm của thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp là tiêu chí để đánh giá uy tín, chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

3. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đặt nhiệm vụ “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững ở mọi lĩnh vực”.

4. Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030. Trong đó đặt mục tiêu tăng đáng kể số lao động có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có việc làm tốt và làm chủ doanh nghiệp đến năm 2025 và 2030 có tỷ lệ lao động qua đào tạo lần lượt là 70%  và 75%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin lần lượt là 80% và 90%.

5. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo đó tại khoản 5, Mục III đã nêu về chính sách phát triển nguồn nhân lực: “Rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển”; “Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số”.

6. Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, theo đó “khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật”.

7. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó mục tiêu đến 2030 “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”.

8. Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 01/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ngày kỹ năng lao động Việt Nam nhằm mục đích: Hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm (ngày 15/7) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2014; đồng thời kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

9. Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030. Theo đó, quy định “đánh giá kỹ năng người lao động trong tương quan với yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đề xuất giải pháp, chính sách nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động”; “Xây dựng các chương trình đào tạo lại cho người lao động để chuyển đổi sang các công việc cần các kỹ năng mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

10. Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, đặt ra giao nhiệm vụ “Thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề”; “Kiện toàn tổ chức, nhân sự và nâng cao hiệu quả của các công cụ giám sát, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia để người lao động được đánh giá và công nhận, phản ánh đúng năng lực làm việc thực tế” nhằm đảm bảo việc hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động.

11. Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030, đặt ra nhiệm vụ đột phá chiến lược “Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hoá và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước” và nhiệm vụ “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”;

12. Bộ luật Lao động 2019 quy định hoạt động giáo dục nghề nghiệp và Phát triển kỹ năng ở Chương IV (từ Điều 59 đến Điều 62); quy định Nhà nước có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động; người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình; Tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động; tham gia hội đồng kỹ năng nghề; dự báo nhu cầu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tổ chức đánh giá và công nhận kỹ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động; Cấm các hành vi sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Có thể khẳng định, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ được coi là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sự xuất hiện công nghệ mới, tự động hóa và một số xu hướng phát triển có ảnh hưởng sâu sắc tới thị trường lao động, làm thay đổi cấu trúc việc làm và yêu cầu mới về kỹ năng lao động. Trình độ kỹ năng người lao động càng cao sẽ thúc đẩy nhanh tốc độ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, giúp doanh nghiệp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh từ đó nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Do vậy, để giữ lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bên cạnh đầu tư công nghệ và vốn thì nguồn nhân lực có kỹ năng động trở thành nhân tố có tính quyết định đối với tăng trưởng bền vững./.

Đỗ Bá Hùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất