Thứ Hai, 23/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Tư, 27/3/2019 15:54'(GMT+7)

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với đổi mới tư duy phát triển kinh tế ở tỉnh Cao Bằng

Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc huyện Trùng Khánh lần thứ II - 2018 - Nguồn: thuonghieucongluan.com.vn

Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc huyện Trùng Khánh lần thứ II - 2018 - Nguồn: thuonghieucongluan.com.vn

Thời gian qua, thực hiện việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn đối với đổi mới tư duy phát triển kinh tế ở Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã mang lại nhiều dấu hiệu khởi sắc, đánh dấu bằng những kết quả và giải pháp đột phá.

Phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những vấn đề luôn được Đảng ta coi trọng trong nhận thức lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn. Là đảng cầm quyền, vị trí đó có tính lịch sử khách quan và được Hiến pháp ghi nhận. Đảng phải xác định mục tiêu chung và những mục tiêu cụ thể, vạch ra được đường lối chính trị, các chủ trương, định hướng lớn. Từ đó toàn bộ hoạt động của Đảng là phải biến mục tiêu, đường lối, chủ trương đó thành hiện thực. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong những điều kiện mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quyền làm chủ của nhân dân để thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của phương thức lãnh đạo và yêu cầu phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung, với đổi mới tư duy phát triển kinh tế nói riêng để vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, vừa phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, vừa tránh bao biện làm thay, vừa tránh buông lỏng của các tổ chức đảng, thời gian qua, thực hiện việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn đối với đổi mới tư duy phát triển kinh tế ở Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã mang lại nhiều dấu hiệu khởi sắc, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của toàn Đảng bộ, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Thấm nhuần quan điểm nhất quán của Đảng đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) là “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”; và trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước”. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cùng với công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Để cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các chủ trương của Đảng, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 12 nghị quyết, 24 chỉ thị, 06 chương trình công tác trọng tâm của Tỉnh ủy và nhiều kế hoạch, đề án với những chủ trương, giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh. Đến nay, trong số 17 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, đã có 07 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt Nghị quyết Đại hội, 05 chỉ tiêu đạt trên 70% và có khả năng đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội vào năm 2020.

Giai đoạn 2016 - 2018, Cao Bằng đạt được những kết quả quan trọng, tăng trưởng kinh tế đạt 6,57%/năm (trong đó, nông, lâm, ngư nghiệp tăng 1,75%; công nghiệp, xây dựng tăng 13,1%; dịch vụ tăng 6,2%). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 1.100 USD/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh có bước phát triển ổn định, vượt so với dự toán Trung ương giao (bình quân 27%/năm). Năm 2017, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.543,2 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 802 triệu USD. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên 3%/năm.

Năm 2018, 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương (GRDP) tăng 7%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 37,9% so với dự toán Trung ương giao; 9 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến Cao Bằng đạt 923.730 lượt người, tăng 23,6% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 251 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cùng kỳ. Cao Bằng đã và đang chuẩn bị các điều kiện phấn đấu trở thành trung tâm kết nối với các địa phương trong cả nước, hình thành cực phát triển và kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của khu vực Tây và Tây Nam Trung Quốc.

Từ thực tiễn sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định trọng tâm, trọng điểm từ nay đến cuối nhiệm kỳ, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: 

Các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy 08 tiềm năng, lợi thế của tỉnh: Thứ nhất, Cao Bằng là quê hương giàu truyền thống cách mạng. Thứ hai, con người Cao Bằng giàu lòng yêu nước, trung thành, trung kiên với Đảng, đoàn kết, thông minh, sáng tạo. Thứ ba, Cao Bằng có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có ngôn ngữ, phong tục, tập quán riêng tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa và tinh thần. Thứ tư, Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả nước. Thứ năm, Cao Bằng là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn (hơn 6.700km2) với độ che phủ rừng trên 52%. Thứ sáu, so với các tỉnh thành phố trên cả nước, Cao Bằng có dân số ít, hơn nửa triệu người, vì vậy dễ chăm lo, quản lý, dễ đạt tăng trưởng về kinh tế/đầu người. Thứ bảy, tỉnh có đường biên giới trên bộ dài trên 333km tiếp giáp với thị trường lớn nhất thế giới là nước bạn Trung Quốc. Thứ tám, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và nguồn tài nguyên phong phú để đưa Cao Bằng phát triển nhanh, bền vững.

Song, đối với Cao Bằng hiện còn tồn tại 3 điểm nghẽn lớn nhất cần được tháo gỡ: Một là, điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, biên mậu, du lịch, đặc biệt hạ tầng giao thông. Cao Bằng là tỉnh duy nhất chỉ có đường bộ là kết nối giao thông duy nhất đến các địa phương khác và thị trường lớn Trung Quốc. Xa sân bay, xa cảng biển, thiếu một con đường cao tốc chiến lược kết nối với các hành lang kinh tế. Hai là, điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Cao Bằng đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lao động qua đào tạo và cả lao động phổ thông do quy mô dân số thấp. Ba là, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành với các địa phương trong tỉnh. 

Thời gian tới, tỉnh tập trung tháo gỡ 3 điểm nghẽn nêu trên và huy động mọi nguồn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược: 

Đột phá thứ nhất, khai thác, phát triển mạnh lợi thế du lịch theo hướng bền vững, cơ bản bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc là giá trị cốt lõi, là yếu tố khác biệt để định vị một sản phẩm du lịch mà ít địa phương nào trong nước có được. 

Cao Bằng là địa phương thứ hai trong cả nước (sau tỉnh Hà Giang) được Hội đồng UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng - đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời sử dụng hợp lý tổng thể đa dạng tài nguyên, giá trị di sản.

Bên cạnh đó, Cao Bằng có 5 tuyến du lịch nổi tiếng: 1- Huyện Hà Quảng có: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi vinh dự thay mặt cả nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước trở về lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, nơi đây có hang Cốc Bó, suối Lê-nin, núi Các Mác gắn liền với các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu về nước; có lán Khuổi Nặm - nơi diễn ra Hội nghị Trung ương 8 của Đảng quyết định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc và thành lập tổ chức “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh); có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, có khu di tích Kim Đồng - Người đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc đầu tiên của Việt Nam (Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay); 2- Huyện Nguyên Bình có: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay); Khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với diện tích rừng quốc gia nguyên sinh trên 24.000ha; 3- Huyện Trà Lĩnh có Hồ Thăng Hen - một địa danh đẹp trong 36 hồ ở trên núi của cả nước, có núi thủng Nặm Trá được coi là Mắt thần núi, có cổng trời - nơi trời đất giao hòa; 4- Huyện Trùng Khánh và Hạ Lang có hang động đẹp Ngườm Ngao và thác Bản Giốc - một trong 4 thác nước đẹp nhất thế giới; có chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc; có Hang Dơi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là thắng cảnh Quốc gia; 5- Huyện Thạch An có Di tích địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 - nơi Bác Hồ trực tiếp chỉ huy chiến dịch; có động Ngườm Pục đẹp dài 7km còn hoang sơ nằm giữa huyện Thạch An (Cao Bằng) và huyện Trành Định (Lạng Sơn). Đây là điều kiện thuận lợi để Cao Bằng khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch nhất là du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh và du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng, đồng thời kết nối các tour, tuyến du lịch với các địa phương trong cả nước. 

Đột phá thứ hai, là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, bảo đảm sinh kế bền vững từ nông nghiệp cho người nông dân, thực hiện mô hình kết hợp du lịch xanh - nông nghiệp xanh. Tập trung quy hoạch, định hướng liên kết vùng để tiến từng bước tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu. Quan tâm thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín trong và ngoài tỉnh; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm về chất lượng gắn với quảng bá sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực, trong đó ưu tiên các cây trồng đặc trưng, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao và gắn với du lịch, như lê Đông Khê, quýt Trà Lĩnh, hạt dẻ Trùng Khánh... để Cao Bằng là điểm đến của sự trải nghiệm trong lành, an toàn và thân thiện. Mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ nâng cao giá trị và sự đóng góp của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 4%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 25 triệu đồng (tăng gấp 1,7 lần so với 2015). 

Đột phá thứ ba, với lợi thế có 333km đường biên giới với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với thị trường lớn Trung Quốc và cửa ngõ của các nước ASEAN, vì vậy, sẽ khơi thông động lực phát triển kinh tế biên mậu. Trên tuyến biên giới, Cao Bằng có 1 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia, nhiều cửa khẩu phụ, lối mở và cặp chợ biên giới; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 2,4 tỷ USD, tốc độ tăng bình quân đạt 29,7%/năm. Hiện nay, tỉnh đang tập trung đầu tư, nâng cấp cửa khẩu Trà Lĩnh thành cửa khẩu quốc tế, xúc tiến xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc). Bên cạnh đó, tỉnh đang nỗ lực để thúc đẩy triển khai tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), khi tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối giao thông từ khu vực Tây Nam Trung Quốc qua Bách Sắc (Quảng Tây) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) nối với Lạng Sơn (qua QL4A) - Hà Nội - Hải Phòng hướng ra biển thông qua cảng Hải Phòng và nối với đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Á thông đến các nước ASEAN, khi tuyến đường này hoàn thành sẽ góp phần nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trên 5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng phát triển, bảo đảm nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc, cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đồng thời tranh thủ khai thác các yếu tố, nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển. Khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế.

Song song với định hướng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cả hệ thống chính trị. Chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đội ngũ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của tỉnh. Tiếp tục cải tiến, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, nâng cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. 

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Chỉ đạo xây dựng 4 đề án chung: 1- Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Cao Bằng; 2- Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; 3- Đề án sắp xếp, tổ chức lại tổ chức, bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; 4- Đề án sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đến nay đã có 3/4 đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành để tổ chức thực hiện. Kết quả sau sắp xếp, kiện toàn, sẽ kịp thời khắc phục tình trạng trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; giao chức năng, nhiệm vụ rõ ràng cho từng tổ chức, nhất là tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính. Về tổ chức bộ máy: giảm 7 đầu mối cấp tỉnh (1 đảng bộ và 6 sở, ngành); giảm 169 đầu mối bên trong là các phòng, ban chuyên môn và tương đương thuộc các sở, ngành cấp tỉnh; giảm 166 đơn vị sự nghiệp công lập. Về vị trí lãnh đạo: giảm 5 cấp trưởng và 13 cấp phó sở, ngành, huyện thuộc tỉnh; giảm 244 cấp trưởng, cấp phó các phòng, ban chuyên môn và 498 cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập. Về biên chế, giảm ít nhất 10% biên chế công chức, viên chức. Về kinh phí cả giai đoạn từ 2019 - 2021 giảm khoảng 50 tỷ đồng (trong đó Đề án khối Đảng giảm hơn 12,5 tỷ đồng; Đề án cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện giảm hơn 19,5 tỷ đồng; Đề án đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền giảm hơn 17 tỷ đồng); trung bình mỗi năm giảm hơn 16,3 tỷ đồng. Về đơn vị hành chính: sau sắp xếp, Cao Bằng còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 3 huyện); cấp xã còn 161 xã (giảm 38 xã).

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7, 8 (khóa XII) và các Kế hoạch của Tỉnh ủy. Xây dựng, sắp xếp lại các chức danh, số lượng và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; dự kiến khi thực hiện sẽ giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách là 14.049 người, tiết kiệm được hơn 33 tỷ đồng một năm. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền về cán bộ cho các địa phương, đơn vị gắn với ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết thay thế cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm và không hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều, liên thông. Rà soát, bổ sung quy hoạch, gắn kết chặt chẽ công tác quy hoạch với công tác đào tạo, bồi dưỡng, chủ động giao việc khó cho cán bộ để tìm người tài. Thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ ở nhiều chức danh, nhiều vị trí để thử thách, rèn luyện, chủ động chuẩn bị một bước về nhân sự cho nhiệm kỳ tới.

Với quyết tâm chính trị cao, phát huy truyền thống quê hương cách mạng và kết quả đạt được của nửa nhiệm kỳ, cùng với tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã và đang giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với đổi mới tư duy phát triển kinh tế của tỉnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra, xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh năng động và phát triển./.

Lại Xuân Môn
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Nguồn: TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất