Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu
Thứ Sáu, 22/3/2019 14:49'(GMT+7)

Sốt hay xốt, súp hay xúp? Thắng giải hay đoạt giải? Đại sứ hay sứ giả?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Tại một quán ăn bình dân ở thành phố Vinh (Nghệ An) tôi đã học được về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, khi biển hiệu ở đây viết rất chuẩn tiếng Việt từ “xúp”. Từ khi tiếng Anh phổ biến, rất nhiều người sai chính tả, thấy tiếng Anh viết là “soup” nên cũng “phiên” sang tiếng Việt là “súp”. Như thế là không đúng. Tiếng Anh viết “soup” nhưng đọc phải là “xúp” (thêm âm “p” ở cuối rất nhẹ). Nhiều người không biết rằng “xúp” là một từ tiếng Việt gốc Pháp: soupe (trong tiếng Pháp thì chữ “e” ở cuối câm). “Sinh sau đẻ muộn”, chữ Việt có một lợi thế là gần như viết thế nào thì đọc thế ấy. Nếu các từ ngoại lai/vay mượn trong tiếng gốc phát âm là “xờ” nhẹ, thì chính tả tiếng Việt phải là “x”, tuy rằng trong tiếng gốc ghi bằng chữ cái “s”. Nếu từ ngoại lai trong tiếng gốc phát âm là “sờ” nặng (ghi bằng các cặp chữ “sh”, “ch”), thì chính tả tiếng Việt đẹp mới là “s”. Ví dụ “bị sốc” (từ từ tiếng Pháp “choc”, tiếng Anh là “shock”); “sạc pin” (từ động từ tiếng Pháp “charger”, tiếng Anh là “charge”, phát âm gần giống “trác trơ”/”trác giơ”); “nhà săm” (chambre); “súp lơ” (chou-fleur); “cao su” (caoutchouc)… còn thì là “xúc xích” (saucisse); “xi măng” (ciment); “xì căng đan” (scandale); “xà phòng” (savon); “xúp” (soupe); “nước xốt” (sauce)… Gần đây viết “nước sốt” hay “ăn súp” là sai phiên âm, Anh hóa, chưa hiểu thấu đáo.

2. Nhân sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn của thế giới mà báo chí Việt Nam luôn quan tâm đưa tin, đó là lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscar, xin góp ý về cách dùng từ mà nhiều người vẫn “bê nguyên” ở tiếng Anh sang - do không hiểu kỹ cả tiếng Việt và tiếng Anh - khi dịch “Win a prize” là “thắng giải”.

Trong tiếng Việt, dùng “thắng” + tân ngữ /bổ ngữ trực tiếp (không kèm giới từ) là khi tân/bổ ngữ đó là đối tượng thua/ bị đánh bại: “thắng thực dân”, “thắng U23 Úc”. Tiếng Việt chuẩn và đẹp không dùng giải thưởng hoặc tên gọi giải thưởng làm tân/bổ ngữ cho động từ “thắng”. Trường hợp câu tiếng Anh có động từ “win” làm vị ngữ, và tân/bổ ngữ trực tiếp của nó là giải thưởng hoặc tên gọi giải thưởng, cần dịch là “đoạt [được]”, “giành [được]”. Chỉ khi tân/bổ ngữ trực tiếp là một cuộc chiến/cuộc đấu (war, game…), thì mới có thể dịch là “thắng”.

Nói người dịch chưa kỹ cả tiếng Anh, “bê nguyên” tiếng Anh sang tiếng Việt, khiến tiếng Việt bị lai căng, là vì, trong tiếng Anh, khi nói đến đối tượng bị đánh bại, thì không dùng động từ “win”, mà dùng các động từ “beat” hoặc “defeat”. Hoặc dùng một động từ đi với danh từ “win”, rồi thêm giới từ “over”, lúc đó sẽ tương đương beat/ defeat, là 2 động từ không đòi hỏi giới từ.

Vì thế, “Win an Oscar” thì phải dịch là giành/đoạt giải Oscar (sau khi thắng, đánh bại Trương Nghệ Mưu, Jackie Chan, v.v..). Oscar (giải Oscar), a (sports) title (một danh hiệu thể thao),... là giải thưởng, phần thưởng đạt được, không phải đối thủ bị đánh bại. Vì máy móc trong khi dịch thành ra đã từng xuất hiện quảng cáo “Thắng vé đi Thường Châu xem U23”!

3. Làm gì cũng cần học. Việc học có thể qua việc đọc - đọc những gì người khác viết, để học hỏi. Tiếng Việt rất hay và đẹp, phong phú, biểu cảm. Có những điều tiếng Anh dùng một từ này, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, lại có nhiều hơn một phương án. Nếu chịu khó đọc, sẽ thấy là “ambassador” chỉ nên dịch là “đại sứ” khi nói về chức danh ngoại giao, còn với các ngành nghề, trường hợp sử dụng khác, thì đã mang tính hoán dụ và dịch là “sứ giả”, mới hay và đẹp. Người ta đã dịch rồi, mình không đọc, nên vốn thể hiện tiếng Việt của mình nghèo, không biết dùng “sứ giả thiện chí”, “sứ giả hòa bình”, mà lại cứ dùng “đại sứ thiện chí”, “đại sứ hòa bình”, vì chỉ biết nghĩa đó/phương án tiếng Việt đó, của từ “ambassador” mà thôi.

4. Tiếng Việt biểu cảm nên từ dùng có thể có sắc thái tích cực/tiêu cực rất rõ. Cần biết để phân biệt, không “a la xô” dùng như nhau. “Ambition” chỉ nên dịch là “tham vọng” khi không thể hiện ý tích cực. Khi nói về “ambition” với tính chất tích cực, đẹp đẽ, thì khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, cần dùng là “hoài bão”. Tính từ tương ứng - “ambitious” - nên dịch là “giàu hoài bão”.

Một thái cực khác là có người lại không biết dùng từ đúng với sắc thái trung tính, những chỗ đáng ra chỉ cần dùng “ở đây”, lại cứ dùng “nơi đây”, do không biết rằng “nơi đây” biểu cảm hơn “ở đây”. Rồi tình trạng lạm dụng từ Hán - Việt, dùng tràn lan từ “dự khán” cả với những đối tượng chủ ngữ không cần trang trọng. Người rành về tiếng Việt nghe sẽ thấy buồn cười./.

Tạ Quang Đông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất