Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2021 tiếp tục tìm kiếm những ý tưởng, việc làm thiết thực đóng góp cho sự phát triển của thành phố, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đóng băng. Song, theo Hội đồng giám khảo, Hà Nội vẫn là cảm hứng đặc biệt cho các ý tưởng, việc làm cũng như sáng tạo của rất nhiều người.
Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng, thì những hành động, ý tưởng hướng về Hà Nội trong mùa dịch là một phần của “mục tiêu kép” bởi văn hóa luôn là động lực để phát triển cho mỗi thành phố.
“Nhìn vào những đề cử, thành viên trong Hội đồng đều có suy nghĩ rằng chúng ta đang được khích lệ để tạm quên sự u ám trong mùa dịch này và hướng tới tương lai. Có thể những đề cử này chưa tương xứng so với công sức bỏ ra của những người yêu Hà Nội nhưng chúng tôi khẳng định đây là một mùa giải có chất lượng, xứng đáng để công chúng cùng nhìn vào và chia sẻ những thành tựu của những tấm lòng hướng về Hà Nội trong năm vừa rồi,” nhà sử học cho hay.
Những tác phẩm chất chứa hoài niệm
Để có thể tìm ra các đề cử cho Giải thưởng, Hội đồng giám khảo đã phải chọn lọc từ hàng chục gương mặt, ý tưởng, việc làm, tác phẩm... gắn với Hà Nội trong năm qua.
Ở đó có những dự án lớn gắn với chủ trương của thành phố, có những dự án gắn với một không gian của Hà Nội, có những người nước ngoài thể hiện tình yêu với Hà Nội từ những sáng tác xuyên suốt hàng chục năm cũng như những công dân Thủ đô luôn lấy Hà Nội làm cảm hứng cho công việc và tác phẩm của mình trong suốt cuộc đời...
Nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt là người nước ngoài duy nhất được đề cử mùa giải lần thứ 14. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.
Cuốn sách và triển lãm ảnh “Hà Nội 1967-1975” của ông đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng về hình ảnh một Hà Nội thời chiến.
Cho đến ngày hôm nay, khi chiến tranh đã mãi lùi xa, Thomas Billhardt vẫn luôn tự giao cho mình một nhiệm vụ đặc biệt: “Nhiệm vụ của tôi là tiếp tục trưng bày những bức ảnh mà tôi chụp để mọi người biết Việt Nam thực sự như thế nào. Tôi hy vọng khi nhìn thấy những bức ảnh tài liệu của tôi, họ sẽ hiểu và yêu Việt Nam như chính tôi là người đã qua Việt Nam nhiều lần, từ đó yêu người nơi đây."
Trong khi đó, bộ sách “Thăng Long Kinh Kì-Kẻ Chợ” của tác giả Nguyễn Huy Thắng-Nguyễn Quốc Tín lại tiếp cận lịch sử gần 350 năm của Thăng Long-Hà Nội.
Bộ sách sử dụng thông tin từ nhiều nguồn, từ sử sách chính thống của các triều đại xưa đến các tác phẩm văn học dân gian, từ ghi chép của các tác giả trong nước đến các tư liệu của người nước ngoài.
Công trình “Thăng Long Kinh Kì-Kẻ Chợ” được viết theo lối đan cài, nhẹ nhàng, vừa có không khí trầm lắng của sử cũ nhưng cũng có sự thân thương của lời kể bình dân, có say sưa, có tiết chế, khách quan và tràn đầy xúc cảm.
Gần gũi hơn với thời đại ngày nay là cuốn sách “Tay chơi” của tác giả Mai Lâm, gồm một truyện dài và các ghi chép nhỏ, tái hiện những ký ức thân thương về một Hà Nội, thấy cả những góc khuất lấm lem của cuộc đời, nhưng trên hết vẫn là những những suy ngẫm nhân văn về cuộc đời, là cách sống ân tình, đậm tinh thần hào sảng.
Nhà văn Đỗ Phấn nhận xét: “Mai Lâm xa Tổ quốc đã 30 năm có lẻ nhưng cảm giác như anh chưa từng vắng mặt ở nơi này. Đây đó vẫn những con đường ký ức, những bạn bè một thưở hàn vi, những món ăn, đồ uống… mà ngay chính người Hà Nội đương thời không phải ai cũng biết. Tất cả hiện lên mồn một như câu chuyện mới chỉ xảy ra hôm qua.”
Xây dựng một Hà Nội đáng sống
Danh sách đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay có nhiều dự án xây dựng, đổi mới đô thị và không gian văn hóa Hà Nội.
Nổi bật là ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh. Hội đồng Giám khảo ghi nhận rằng đây là một giấc mơ đẹp cả về môi trường, cảnh quan lẫn hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch.
Trong khi đó, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hướng tới việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.
Đây là bản quy hoạch giúp Hà Nội “quay mặt ra hướng sông Hồng,” tận dụng nguồn tài nguyên cảnh quan đang bị bỏ phí trong hàng chục năm qua. Điểm nổi bật ở đồ án này là ý tưởng làm trong sạch môi trường đô thị, dành tới 70% diện tích tại khu vực này chỉ để phục vụ cho các công trình trồng cây xanh và tạo không gian công cộng, phục vụ cộng đồng.
Việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến được phê duyệt vào cuối năm 2021 sẽ là cơ sở và cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng khu vực, hình thành diện mạo mới cho Thủ đô.
Cùng nằm trong đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay còn có ý tưởng “Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo” của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” và cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc và một số đơn vị tổ chức.
Hai đề cử này cùng chung cảm hứng cải tạo và tái cấu trúc những không gian cũ đang bị “bỏ quên” hoặc xuống cấp tại Hà Nội, trở thành nơi dành cho các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp, giàu tính văn hóa và phục vụ cộng đồng.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và thành phố vừa nới lỏng giãn cách xã hội. Hội đồng giám khảo đã kịp thời đưa Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội vào Đề cử giải Việc làm-Vì tình yêu Hà Nội.
Chiến dịch "thần tốc" tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% người dân Hà Nội đủ điều kiện tiêm chủng đã về đích đúng tiến độ, tạo cơ sở vững chắc để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô, từng bước nới lỏng giãn cách, dần đưa Hà Nội về trạng thái "bình thường mới" trong điều kiện đại dịch còn diễn biến phức tạp.
“Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội” là giải thưởng thường niên do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) phối hợp cùng gia đình cố danh họa Bùi Xuân Phái tổ chức từ năm 2008 nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Hội đồng giám khảo do nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội làm Chủ tịch; các thành viên gồm nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Ngô Hà Thái, nguyên Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người được mệnh danh là “hiệp sỹ” kiến trúc Hà Nội; nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao-Văn hóa.
Dự kiến, lễ trao Giải thưởng năm nay sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10 tại Hà Nội./.
Danh sách đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 (năm 2021):
Đề cử Giải thưởng lớn-Vì tình yêu Hà Nội: một đề cử, chưa công bố
Đề cử giải Tác phẩm-Vì tình yêu Hà Nội:
1. Cuốn sách và triển lãm ảnh “Hà Nội 1967-1975” của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt
2. Bộ sách “Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ” của Nguyễn Huy Thắng-Nguyễn Quốc Tín (Nhà xuất bản Kim Đồng)
3. Cuốn sách “Tay chơi” của Mai Lâm (Nhà xuất bản Trẻ)
Đề cử giải Ý tưởng-Vì tình yêu Hà Nội:
1. Dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo
2. Ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh
3. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
4. Ý tưởng Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội
Đề cử giải Việc làm-Vì tình yêu Hà Nội:
1. Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội
2. Cuộc thi vẽ "Hà Nội là...” và chuỗi hoạt động của dự án “Hà Nội Rethink”
3. Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch COVID-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch.
Theo Vietnam+