Cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng qua đến gần 1h chiều mới kết thúc. Suốt 5 giờ đồng hồ, Thường trực Chính phủ đã rà soát kịch bản tăng trưởng của từng bộ, ngành để xem xét khả năng hoàn thành và tìm giải pháp cho những vướng mắc đang hiện hữu.
Nỗi lo của Thủ tướng đối với một số lĩnh vực tạm thời lắng xuống khi các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đều cho biết có thể hoàn thành kịch bản tăng trưởng của mình. Ngành nông nghiệp có khả năng đạt tăng trưởng trên 3% cho cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ trên 33 tỷ USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đạt trên 12%. Ngành du lịch cũng khẳng định đạt mức tăng trưởng trên 30%, đón 13 - 15 triệu khách quốc tế. Ngành dệt may cam kết tăng trưởng trên 10% với mục tiêu xuất khẩu hơn 30 tỷ USD.
Không chỉ mang đến niềm tin rằng tăng trưởng GDP năm nay nhiều khả năng sẽ đạt 6,7% một cách ngoạn mục, cuộc họp sáng qua còn giải tỏa phần nào nỗi lo âu về những bất ổn có thể xảy ra khi Chính phủ thực thi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Trong phần phát biểu kết luận, Thủ tướng một lần nữa khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế hiện nay. Thực ra, cam kết đó đã và đang được chuyển hóa vào thực tiễn. Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn như tăng sản lượng khai thác dầu thô, mở rộng đầu tư… Chính phủ đồng thời tập trung triển khai nhiều giải pháp dài hạn khác nhằm hướng đến tăng trưởng sâu và bền vững trong trung và dài hạn. Những giải pháp cơ bản này tiếp tục được nhắc đến trong cuộc họp hôm qua. Đó là, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ các cơ chế quản lý trói buộc sự phát triển; mở rộng xuất khẩu; thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... Trong diễn biến mới nhất, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh.
Một tín hiệu tích cực khác là Chính phủ tỏ ra hết sức thận trọng với những giải pháp kích thích tăng trưởng. Chẳng hạn, trong cuộc họp sáng qua, một mặt Thủ tướng nhất trí với đề xuất tăng tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình (vì tiêu dùng chiếm đến 78% GDP), mặt khác yêu cầu phải có những biện pháp kiểm soát, hạn chế nhập khẩu và nâng cao chất lượng hàng nội địa. Làm được như vậy sẽ tránh được tình trạng tăng nhập khẩu – một hậu quả không mong muốn của biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa.
Cũng hôm qua, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tiết kiệm chi”. Tiết kiệm chi sẽ giảm được thâm hụt ngân sách. Khi đó, Nhà nước sẽ khỏi phải nghĩ ra mọi cách để tận thu, có thể dẫn đến suy kiệt doanh nghiệp, bào mòn sức chịu đựng người dân, từ đó làm suy yếu nền kinh tế. Giảm được bội chi cũng có nghĩa đất nước có thêm “của để dành”, dùng nó cho đầu tư và có thêm những điểm phần trăm GDP thực chất./.
Hồng Loan (Báo ĐBND)