Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 24/4/2015 16:34'(GMT+7)

Giải trình về việc hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp

Thời gian qua, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp tăng cao so với số tốt nghiệp và có việc làm. (ảnh: KT)

Thời gian qua, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp tăng cao so với số tốt nghiệp và có việc làm. (ảnh: KT)

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trực tiếp giải trình các nội dung liên quan. 

Phiên giải trình nhằm đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành hữu quan trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao; đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Các đại biểu dự phiên giải trình đã tập trung thảo luận về tiến độ ban hành và chất lượng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học. Công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học kể từ khi Luật có hiệu lực. Hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật của các cơ quan Nhà nước. Quy mô cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong những năm qua. Việc gắn kết đào tạo, việc làm và thực hiện quy hoạch Chiến lược quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay. Việc phối hợp trao đổi thông tin giáo dục, việc làm giữa cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng chất lượng nguồn nhân lực gắn với yêu cầu xã hội; hành lang pháp lý về việc làm và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. 

* Sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan 


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: theo chương trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Giáo dục đại học có tổng số gồm 15 văn bản, trong đó có 6 Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định của Chính phủ, 6 văn bản cấp bộ. Đến ngày 20/4/2015, đã có 10 văn bản được ban hành (4 Nghị định của Chính phủ, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 4 Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo); 3 văn bản chưa ban hành và 2 văn bản không ban hành. Các văn bản được soạn thảo, ban hành bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật có liên quan. Hệ thống văn bản được ban hành đã thể hiện được sự phân cấp mạnh mẽ cho các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, các cơ quan liên quan và việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học… 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải nguyên nhân việc soạn thảo, ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp còn chậm là do trong quá trình soạn thảo văn bản hướng dẫn, một số nội dung cần được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhiều nội dung cần thay đổi để phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Một số văn bản có nội dung mới, phức tạp, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Một số văn bản trong quá trình soạn thảo phải chờ các văn bản khác ban hành mới có căn cứ để soạn thảo văn bản. 

Giải trình về việc chậm ban hành 3 văn bản (Nghị định của Chính phủ quy định phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học; Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng và khung xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; Thông tư ban hành chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: đây là những quy định mới, cập nhật những xu thế mới, cập nhật của thế giới. Bộ Giáo dục và Đào tạo với tinh thần cầu thị, làm việc với các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia của các trường đại học trong nước, quốc tế nhưng các thông tin đều mang tính rời rạc với nhiều kinh nghiệm không đồng nhất. Đó là khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ xem xét quy định tiêu chuẩn phân tầng và khung xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, trong tháng 5/2015 có thể ban hành. Theo chương trình, văn bản quy định về phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học sẽ trình trong tháng 6/2015. 

* Cần thay đổi nhận thức trong giải quyết việc làm 

Về thực trạng đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định: Trong những năm gần đây, quy mô đào tạo trình độ đại học, cao đẳng gần như ổn định và giảm nhẹ. Thống kê cho thấy giai đoạn 2011-2014, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của các trường đại học, cao đẳng đã giảm bình quân 2,5% /năm, hệ vừa học vừa làm giảm bình quân 18%/năm. Số lao động trình độ đại học, cao đẳng có việc làm tăng lên qua các năm. Tỷ lệ lao động có việc làm năm 2014 tăng 38% so với năm 2010. Tuy nhiên, số lao động trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm; số lao động trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp năm 2014 so với năm 2010 tăng 103%. 

Nêu các giải pháp để giải quyết tình trạng sinh viên tốt nghiệp thiếu việc làm hiện nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định Chính phủ đã thảo luận rất kỹ về công tác này. Nếu chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tự làm sẽ không thể giải quyết được bởi đây là việc giải quyết những cơ chế của thị trường. Chính phủ cần ban hành các cơ chế để thị trường lao động có thể vận hành bình thường. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của xã hội từ tư duy: tìm kiếm biên chế trong các cơ quan Nhà nước sang nhận thức: việc làm chủ yếu không phải ở các cơ sở nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện biện pháp giảm biên chế; đào tạo tất cả các đối tượng, thành phần kinh tế khác nhau, trong đó không chỉ có thành phần kinh tế trong nước mà cả thành phần kinh tế ngoài nước, xuất khẩu lao động... 

Tham gia giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nêu rõ: Với trách nhiệm quản lý Nhà nước về việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất với Chính phủ những chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý để thị trường lao động vận hành tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Muốn có việc làm bền vững, việc làm tốt hơn cần qua công tác giáo dục đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ tham mưu, đề xuất các chính sách việc làm riêng cho các đối tượng yếu thế. Việt Nam hiện có Quỹ Quốc gia về hỗ trợ việc làm. Hằng năm, thông qua nguồn quỹ này đã giải quyết việc làm cho hơn 200 nghìn lao động yếu thế. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thông tin, dự báo thị trường lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ quan dự báo về thị trường lao động. Tuy nhiên, cơ quan này mới chỉ dự báo ngắn hạn chưa dự báo dài hạn. Tới đây sẽ phải làm tốt hơn công tác này. Đồng tình với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho rằng đội ngũ cử nhân, kỹ sư mới ra trường là những người có trình độ cao có thể tự nghiên cứu, tự tạo việc làm cho mình và cho người khác chứ không thể chỉ trông chờ ở Nhà nước. 

Các thành viên Chính phủ cũng giải đáp các nội dung liên quan đến việc nâng cao năng lực của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; đổi mới phương pháp phân bổ kinh phí cho các cơ sở đào tạo và dạy nghề; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và việc làm... 

* Làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành 

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đánh giá trả lời của các thành viên Chính phủ đã đi thẳng vào vấn đề với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, nhận rõ trách nhiệm về lĩnh vực ngành phụ trách. Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội và nội dung giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm... theo thẩm quyền; chỉnh sửa khung trình độ phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, rà soát lại quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, vùng miền và trong từng lĩnh vực hoạt động. Chính phủ chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm thông qua các chính sách cho vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, có chính sách phù hợp nhằm ưu đãi thu hút, khuyến khích, thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp trong sử dụng lao động, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ hữu quan xây dựng quy hoạch ngành nghề đào tạo; tăng cường cơ chế giám sát về thông tin cung - cầu lao động của thị trường. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng các giải pháp, đề xuất các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động nói chung, sinh viên mới tốt nghiệp nói riêng. Bộ Tài chính xây dựng cơ chế đổi mới phân bổ kinh phí ngân sách Nhà nước cho các cơ sở đào tạo và dạy nghề theo hướng giao ngân sách gắn với nhiệm vụ và kết quả sản phẩm đầu ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường, thống kê dự báo và nhu cầu thị trường đối với các ngành nghề trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.../. 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất