Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 12/5/2010 10:58'(GMT+7)

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Cha ông ta có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đây cũng là một khẩu hiệu, phương châm giáo dục được rất nhiều nhà trường trình bày ở những vị trí trang trọng. Chữ “Lễ” ở đây có thể hiểu rộng ra là đối nhân xử thế, giao tiếp ứng xử giữa thầy và trò, trò và trò, giữa những người trong cùng một môi trường giáo dục. Ngoài ra, nhà trường cũng là nơi giáo dục cho các em kỹ năng sống tự lập, biết cách tự ứng xử trong một số hoàn cảnh cụ thể.

Trong bối cảnh của cơ chế thị trường, người lớn dường như đang mải mê tìm kiếm những cơ hội làm ăn mà phần nào quên dần bổn phận làm bạn trong giáo dục đối với con trẻ. Nhiều người thường nghĩ đơn giản việc quan tâm đến con cái là “đòi gì cho nấy”. Hệ quả của việc chỉ coi trọng đáp ứng nhu cầu vật chất dẫn đến sự thiếu hụt những quan tâm, gần gũi về mặt tinh thần của cha mẹ đối với con cái, thiếu sự chỉ bảo tận tình để biết xử ở những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống... Đó là một sự thiếu hụt kỹ năng sống cho trẻ.

Qua khảo sát về thực trạng và nhu cầu được đào tạo kỹ năng sống cuả một số trẻ vị thành niên tại một số trường học, Viện nghiên cứu môi trường giáo dục và các vấn đề xã hội thu được kết quả sau: Trong 100 em được hỏi thì có tới 82 % học sinh trả lời chưa bao giờ được học kỹ năng sống, 12,2% trả lời là mới được học một lần, chỉ có 5,8% trả lời là được học nhiều lần. Với câu hỏi “Gặp khó khăn trong cuộc sống, các em thường giải quyết như thế nào?” thì có 42,9% trả lời “tự giải quyết”, 52,4% tìm sự giúp đỡ của người khác và 4,7% trả lời rằng “mặc kệ, rồi sự việc sẽ qua”. Những con số và thông tin trên cho thấy sự thiếu hụt, thiếu tự tin trong cuộc sống của các em và nhu cầu cần được học tập về kỹ năng sống. Những con số ấy còn cho ta thấy một thực trạng đáng báo động: có 82% học sinh chưa được học kỹ năng sống, nhưng lại có tới 42,9% tự giải quyết vấn đề, vậy các em căn cứ vào đâu để “tự giải quyết vấn đề” trong cuộc sống?

Còn nhớ, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, khi học sinh Hà Nội và các vùng bị bom đạn địch bắn phá phải đi sơ tán, tuy ở xa gia đình nhưng hầu hết học trò đều được bố mẹ và các thầy cô giáo chỉ bảo tận tình những điều cần tự lo cho bản thân trong cuộc sống như: Khi xuống hầm tránh bom cần phải chú ý gì; sơ cứu thông thường, xử lý khi gặp các tình huống cụ thể ra sao; cảnh giác với người lạ như thế nào; tự chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác khi đau ốm cần phải làm gì? Rồi việc nấu cơm cháo và tự chăm lo cho nhau ở nơi sơ tán khi người lớn đi vắng… Khi đi cắm trại, không có điều kiện tập trung trên xe như bây giờ mà phải theo một tín hiệu mooc đánh dấu ở góc đường cần đến, cứ thế tìm ra địa điểm cần tìm. Trong hội trại, học sinh được hướng dẫn đầy đủ mọi kỹ năng như băng bó cứu thương, buộc dây dựng lều trại, nấu nướng… Vì vậy mà các thế hệ học sinh ở thời đó, hầu như tất cả đều được rèn tính tự lập và kỹ năng sống tối thiểu, có thể xa bố mẹ, gia đình hàng nửa tháng vẫn tự chăm sóc phục vụ được bản thân và có những hành vi ứng xử tương đối chuẩn mực với người già, người lớn và trẻ nhỏ ở nơi sơ tán…

Thế hệ trẻ hiện nay, nhất là con em ở các vùng thành thị, đa số được sống trong sự “bao bọc” quá đầy đủ của bố mẹ, thậm chí có những học sinh cuối cấp 2, cấp 3 vẫn còn được bố mẹ đưa đến trường; không biết tự giặt giũ quần áo, tự chăm sóc bản thân vì đã có người lớn hoặc “ô sin” làm hết. Khá đông các em dần vô cảm với những người xung quanh hoặc bàng quan trước sự kiện trọng đại của dân tộc, xã hội. Điều này cho thấy việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là rất cần thiết, không của riêng ai.

Để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cần có sự kết hợp chặt chẽ cả 3 môi trường giáo dục, đó là: nhà trường, gia đình và xã hội. Ngoài các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rằng: đa phần học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học thường được gia đình và nhà trường giám sát chặt chẽ hơn, tâm sinh lý của trẻ ở tuổi này cũng chưa có gì biến động lớn. Nhưng sang đến cấp THCS (cấp 2) là giai đoạn đặc biệt, quyết định nhiều đến quá trình hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách. Về thể chất: những thay đổi của tuổi dậy thì đã tác động mạnh đến tình trạng mất cân bằng trong tâm lý và tình cảm, đồng thời ảnh hưởng đến hệ thần kinh dẫn đến các em dễ có những cảm xúc mạnh, phản ứng vô cớ. Có em không làm chủ được cảm xúc, gây ra những cử chỉ, động tác “phụ” của tay, chân, đầu, mình mỗi khi có phản ứng nào đó về tâm lý. Nhiều khi những hành vi quá đà gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, giáo dục kỹ năng sống là giúp các em tự làm chủ được bản thân trong những tình huống ấy, tránh được những dại dột không đáng có.

Thực tế tất cả những học sinh cá biệt đa phần rơi vào những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về gia đình như bố mẹ không hoà thuận, hoặc bỏ nhau, hoặc ở với dì ghẻ, cha dượng, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ khi các em còn quá nhỏ tuổi để hình thành kỹ năng sống. Văn hóa ứng xử, kỹ năng sống được hình thành trước hết là từ trong gia đình và luôn chịu sự chi phối của lối sống gia đình.

Nhiều người nghĩ rằng cho trẻ tiếp xúc với tiền sớm là dễ dẫn đến hư. Tuy nhiên, nếu biết cách hướng dẫn và tạo cơ hội một cách phù hợp để trẻ dần hình thành ý thức trong chi tiêu, nhận thức về giá trị của tiền bạc và biết sử dụng đúng mục đích cũng là một trong phương pháp giáo dục kỹ năng sống rất cần thiết (Ví dụ, có thể dặn trước người bán hàng ở gần nhà và giao cho trẻ đi mua giúp một vài thứ lặt vặt. Như vậy, ngoài việc tạo lập cho trẻ ý thức biết giúp đỡ, chia sẻ với gia đình, được tham gia vào những công việc phù hợp với khả năng, cũng sẽ khuyến khích các em biết trân trọng giá trị đồng tiền và biết tiêu tiền đúng lúc...). Từ nhỏ, bố mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ tự tin hơn trong giao tiếp bằng cách nhờ bé bấm máy nói chuyện với ông bà, người thân. Sau đó hướng cho bé cách gọi điện khi bố mẹ vắng nhà, và tập cho bé nhớ một vài số máy cần thiết khi muốn liên lạc. Mặt khác, cha mẹ cũng không nên ngại ngần khi hướng dẫn con làm một vài việc nhỏ, chúng có thể làm đổ vỡ, hỏng ngay lúc đó, nhưng đó là một cách chuẩn bị cho trẻ thành người tự tin, tháo vát năng động sau này. Khi gia đình có việc, nên tập cho trẻ quen với cách cư xử đối với người lớn tuổi, người già. Các bậc cha mẹ đừng ngại khi cho trẻ đến thăm người ốm, nhất là người thân. Vì có như vậy trẻ mới biết được việc đối xử giữa người với người không chỉ là cho ăn, cho mặc mà còn phải quan tâm giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần, hỏi han động viên khi gặp hoạn nạn, đau ốm.

Nhà trường tuy có giáo dục kỹ năng giao tiếp, nhưng nhiều thầy cô giáo còn nặng nề về dạy lý thuyết thiếu sáng tạo mà chưa nghĩ đến việc thu hút học sinh thông qua bài giảng cuả mình. Đặc biệt môn giáo dục công dân và các môn học xã hội, việc giáo dục học sinh kỹ năng sống là rất cần thiết. Có thể liên hệ nhiều đến những tấm gương trong cuộc sống, và đặt ra câu hỏi: ở trường hợp này, em sẽ làm gì? Để cho các em thảo luận theo nhóm tổ, các em sẽ tự tìm ra cách trả lời hay nhất, giáo viên chỉ đóng vai trò gợi mở, thâu tóm những ý của cả lớp để rút ra bài học cho các em.

Có một thực tế không thể không nhắc đến: một số ít giáo viên còn ứng xử với học sinh chưa thân thiện. Đành rằng “yêu cho roi cho vọt” nhưng cũng cần nghĩ phạt học sinh thế nào cho hiệu quả mà vẫn giữ được sự tôn nghiêm. Nhất thiết không nên xưng hô “mày tao”. Có những trường hợp thầy giáo gọi học sinh là “chúng mày” (và lý giải đó là thân mật), liền bị học sinh gọi lại sau lưng là “ông ấy, lão ấy, gã ấy”. Chúng ta cũng cần phản đối những cách xử lý kỷ luật học sinh bằng những hình thực “nhục mạ” như bắt úp mặt vào tường, dọn nhà vệ sinh, quỳ trước lớp để học bài, hoặc tệ hại hơn là cho lớp trưởng tát bạn ngay trước mặt cả lớp...

Các tiết học giáo dục công dân ngoại khoá của một số trường đã để cho các em đóng tiểu phẩm về việc xử lý các tình huống. Trong đó có những bài tập như đưa ra một tình huống giả định và hỏi: bạn A đúng hay sai? Nếu em là A em sẽ làm gì?... Các em sẽ biết tự rút ra bài học cho mình và cách ứng xử chuẩn mực. Đó chính là việc giáo dục kỹ năng sống cho các em khi gặp phải một số trường hợp tương tự.

Bên cạnh việc giáo dục học sinh về nhân cách, người thầy cũng phải tự trau dồi bản thân để trở thành tấm gương lớn về trí tuệ và nhân cách. Trong truyền đạt tri thức, người thầy chỉ nên coi mình là người đi trước cần đối thoại gợi mở để khơi gợi sự sáng tạo tích cực của học sinh, tránh áp đặt. Thầy cũng nên giáo dục nhân cách học sinh bằng chính nhân cách cuả mình. Ngành giáo dục đã có khẩu hiệu “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, và gần đây phong trào thực hiện “Nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là những khẩu hiệu thiết thực trong việc giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Có một thực trạng đáng buồn là học sinh thường phải chịu sức ép của cha mẹ về điểm số, danh hiệu, thành tích. Xin lấy một ví dụ thực tế: một học sinh 10 tuổi được chọn cử tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Tuần nào em cũng mất ngày thứ 7 để đến trường bồi dưỡng. Các ngày khác ngoài việc làm tốt bài vở của trường giao, em lại phải hoàn thành phần bài của đội tuyển... Rồi chính em đã “thốt ra” với người thân: Biết thế này thì hôm làm bài khảo sát chọn đội tuyển, cháu làm sai để khỏi phải đi học bồi dưỡng... Qua ví dụ trên để thấy, rõ ràng, sức ép của cha mẹ, nhà trường đã vô tình tạo cho nhiều em phải tìm cách gian dối để đạt được ý định riêng.

Việc lựa chọn ngành nghề để thi vào đại học, cao đẳng đối với học sinh cấp 3 cũng rất cần có sự quan tâm, giải thích, hướng nghiệp của gia đình, nhà trường trên cơ sở tôn trọng sở thích, khả năng thực tế của mỗi em… điều đó sẽ phần nào giúp các em có một kỹ năng sống trước khi vào đời.

Ngoài ra, việc giáo dục giới tính cho học sinh là điều mà phần lớn chúng ta gần như né tránh, nhất là đối với học sinh bậc THCS ở các khu vực nông thôn. Không nên chỉ coi đây là chuyện của người lớn. Cần tránh tình trạng “dạy qua loa, đối phó” ở những tiết học bắt buộc về bộ môn này. Điều đó giống như một sự “bưng bít thông tin” và hệ luỵ của nó là dễ dẫn đến sự “tò mò” đối với các em, và khi không làm chủ được bản thân sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Gia đình và nhà trường cũng cần chú ý giúp các em có những kiến thức hiểu biết xã hội nhất định. Các em cũng cần được tiếp nhận, quan tâm đến những sự kiện văn hoá-chính trị-xã hội quan trọng đang diễn ra quanh mình để tránh sự bàng quan vô cảm, thậm chí dửng dưng trước những vấn đề lớn, có ý nghĩa của dân tộc, đất nước, quê hương. Có thể cho các em trả lời một số câu hỏi trắc nghiệm nhanh về các ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện văn hoá lịch sử đang diễn ra vào các giờ chào cờ đầu tuần. Đồng thời qua đó hướng các em tới những hoạt động xã hội cụ thể.

Gia đình và nhà trường đóng vai trò lớn và quyết định nhất cho hình thành nhân cách của học sinh, tuy nhiên việc giáo dục không chỉ hoàn toàn là trách nhiệm của hai môi trường này, mà xã hội cũng là một môi trường có sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đến các em. Đôi khi kỹ năng sống của các em nếu không được chuẩn bị kỹ càng ngay từ khi ở trường và ở nhà, và nếu xã hội thiếu trách nhiệm thì các em cũng rất dễ “tự chuyển hoá” “tự nhiễm” những lối sống, phong cách thiếu lành mạnh, cư xử thiếu văn hoá, thiếu lễ độ... Thật đau lòng trước các hiện tượng bạo lực học đường; những hành xử vô cảm, dửng dưng của các em trước tai nạn, khó khăn của người khác; không biết cách ứng cứu, giải quyết trong những hoàn cảnh cụ thể; đáng buồn hơn, cá biệt có những em đã tự kết liễu đời mình mà không dám trao đổi với người thân khi gặp bế tắc...

Giáo dục kỹ năng sống là một đòi hỏi đã được đặt ra từ lâu, tuy không mới nhưng luôn luôn cần thiết trong mọi giai đoạn, bối cảnh cuộc sống. Đây là một vấn đề không hề dễ dàng, đơn giản và cũng rất nhạy cảm. Để giúp học sinh có kỹ năng sống tốt, trách nhiệm không chỉ riêng của nhà trường mà còn phải có sự chung tay góp sức của gia đình, xã hội và cộng đồng. Thiết nghĩ việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học ở các cấp là cần thiết, bởi giáo dục con người toàn diện không chỉ đơn thuần là truyền thụ những kiến thức mà còn giúp các em có được những ứng xử chuẩn mực trong mọi hoàn cảnh, trường hợp cụ thể của cuộc sống./.

NGUYỄN THỊ DIỆP
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cát Quế B (Hoài Đức - Hà Nội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất