Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 27/4/2010 20:49'(GMT+7)

Dự án thư viện trường học ở Sóc Sơn - Hà Nội

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Dự án bắt đầu được triển khai ở Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật Sóc Sơn. Đây là ngôi trường dành cho đối tượng trẻ em bị câm điếc và thiểu năng trí tuệ từ 6 đến 20 tuổi. Mặc dù được thành lập đã 10 năm và nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhưng hệ thống thư viện của trường vẫn còn rất chật chội, thiếu thốn. Trong một lần thăm trường tháng 2 /2009, nắm được nhu cầu thực tế của nhà trường và xuất phát từ niềm mong mỏi của cán bộ giáo viên và học sinh, DONXA quyết định đầu tư cải tạo lại căn phòng đọc cũ của nhà trường: Bóc toàn bộ vôi cũ, trát và sơn lại tường, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, mua các trang thiết bị dành phòng thư viện như tủ sách, kệ sách và máy tính. Sau hơn 1 tháng (từ tháng 6 đến tháng 7/2009), dự án thư viện DONXA đã được khánh thành đúng kế hoạch, trước thềm năm học mới 2009- 2010. Đây là một dự án được giáo viên nhà trường và phụ huynh đánh giá rất cao.

Có thư viện, hàng ngày các em học sinh được tìm hiểu những kiến thức mà thông thường với sự khiếm khuyết của bản thân, các em không thể tự tiếp thu như những bạn bình thường. Do đặc thù của đối tượng học sinh, nhà trường đã sắp xếp lịch sử dụng thư viện vào thời khoá biểu. Mỗi tuần các lớp có ít nhất 2 giờ lên thư viện. Dưới sự hướng dẫn cuả các thầy cô giáo, các em được đọc truyện, được nghe cô giáo kể chuyện, được vẽ, học vi tính, xem phim trong thư viện, truy cập những thông tin có liên quan đến bài học trên máy tính. Các em rất hứng thú với việc tới thư viện hàng tuần theo lịch của nhà trường.

Điều đáng lưu ý là khi thư viện được hình thành, không chỉ tạo điều kiện cho học sinh mà các thầy cô giáo cũng được tiếp cận thường xuyên với khối lượng kiến thức phong phú, giúp nâng cao chất lượng dạy học. Trong thư viện được đầu tư rất nhiều sách, đặc biệt là sách chuyên môn phục vụ đối tượng học sinh thiểu năng trí tuệ câm điếc, các đầu sách liên quan đến nghiệp vụ sư phạm dành cho các đối tượng này. Qua nguồn thông tin đó, các giáo viên được nâng cao nghiệp vụ của mình. Mặt khác, qua hệ thống máy tính, giáo viên có thể khai thác được nhiều kênh thông tin phục vụ cho môn học mà mình đảm nhận dạy cho các cháu. Những thông tin này rât bổ ích vì những trường dạy trẻ khuyết tật không nhiều, lại nằm xa nhau về địa lý nên ít có điều kiện trao đổi trực tiếp với nhau về kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.

Cô giáo Lê Thu Hương - giáo viên trường khuyết tật Sóc Sơn cho biết: “Từ khi dự án thư viện trường học được triển khai, cán bộ giáo viên có thêm nhiều điều kiện học tập, mở mang kiến thức và đặc biệt cùng trao đổi để giáo dục các cháu khuyết tật - một đối tượng luôn mặc cảm vì bị thiệt thòi, một đối tượng đòi hỏi phải có những phương pháp giáo dục phù hợp, không như trẻ em bình thường. Chúng tôi đã học thêm được cách làm thế nào để các cháu có thể hoà nhập cộng đồng sớm nhất, để khi ra đời các em không bị bỡ ngỡ… Chúng tôi còn có thể tham khảo các bạn ở nước khác về kinh nghiệm trong công tác giáo dục trẻ em tật nguyền thông qua hệ thống máy tính nối mạng internet”./.

Nguyễn Thị Diệp
Trường THCS Cát Quế B (Hoài Đức- Hà Nội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất