Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 9/2/2010 20:56'(GMT+7)

Giáo dục pháp luật cho giới trẻ: Nhiều đề án, loãng trọng điểm

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền.

Phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền – Trưởng ban soạn thảo về vấn đề này.


PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng nhận thức pháp luật của thanh niên hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Tôi nghĩ nhận thức của đại đa số thanh niên về pháp luật là tốt, đấy là điều quan trọng phải khẳng định. Tuy nhiên, vẫn có một nhóm thanh niên chưa hiểu biết về pháp luật và trong một số trường hợp kể cả biết luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ nhiều lý do song điều chúng ta cần làm là hướng cho các em hướng đi đúng đắn, theo đúng pháp luật.

PV: Hiện tại có khá nhiều chương trình, đề án tăng cường nhận thức pháp luật cho thanh thiếu niên thời gian qua nhưng hiệu quả còn mờ nhạt. Vậy theo bà, đề án này có cải thiện một cách tương đối tình trạng này hay không khi thời hạn chỉ có hơn một năm?

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Đúng là hiện có nhiều đề án phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên do đó đề án này phải đặt trong mối tương quan tổng thể với các chương trình, đề án nói chung. Hiện chúng tôi đang rà soát để xác định liệu đề án này chọn những nội dung gì là trọng điểm để nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên, đồng thời dự kiến kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện đề án đến 2015. Vì nếu đến 2012 thì thời gian quá ngắn như vậy mục tiêu đặt ra có thể không khả thi.

PV: Đối với nhóm thanh thiếu niên tự do, hoặc sinh sống tại miền núi vùng sâu vùng xa, việc phổ biến giáo dục pháp luật đề án này nên có những biện pháp cụ thể thế nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Việc phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng này đúng là sẽ có nhiều khó khăn vì tính không ổn định về nơi cư trú, khó kiểm soát và cũng như trình độ hạn chế của họ. Do đó, tôi nghĩ để đề án phát huy được hiệu quả cần phải dựa vào cộng đồng dân cư và các tổ chức tại cơ sở, những người có uy tín trong cộng đồng hoặc già làng, trưởng bản để tác động, tuyên truyền cho họ. Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp tập hợp lại để phổ biến tuyên truyền thì rất khó thực thi.

Ngoài ra, hệ thống loa truyền thanh cơ sở cũng đóng vai trò rất quan trọng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Tôi nghĩ, “cực chẳng đã” mới phải dựa vào các biện pháp xử phạt để tác động đến những đối tượng này.

PV: Việc đưa pháp luật vào trong trường học hiện chưa phát huy hết hiệu quả do đa số học sinh chỉ coi đó là môn phụ. Vậy theo bà, giáo dục pháp luật nên được lồng ghép thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Chính phủ và Bộ Giáo dục đào tạo trong thời gian đã rất quan tâm đến vấn đề này và gần đây rất nhất việc triển khai đề án phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học. Trong đề án lần này, từ nay đến 2012 cũng sẽ có nhiều giải pháp, chủ yếu xây dựng giáo trình, tài liệu, lồng ghép trong các nội dung giảng dạy để phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh trên cơ sở phù hợp với độ tuổi, nhận thức. Chứ nếu xây dựng thành một môn pháp luật riêng thì khó cho học sinh. Ngoài ra còn phối hợp các bài học với những phương thức truyền tải mềm hơn như xử lưu động tại các trường, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật để cuốn các em vào một cách thoải mái nhất, để định hướng nhận thức cho các em.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng

Theo số liệu thống kê, năm 2007 cả nước xảy ra 50.878 vụ phạm pháp hình sự và 29.805 đối tượng bị bắt giữ trong đó có 3.234 bị can dưới 18 tuổi (chiếm 10,85%); năm 2007 và ba tháng đầu năm 2009, riêng trẻ em dưới 16 tuổi đã gây ra 7.000 vụ (chiếm 70%).
 
Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên” hướng đến năm nhóm đối tượng thanh thiếu niên (TTN), bao gồm: TTN trong trường học, TTN tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú, thanh niên lao động trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, khối doanh nghiệp, TTN có vi phạm pháp luật, có nguy cơ vi phạm pháp luật, TTN học tập, lao động cư trú tại nước ngoài.

Đề án sẽ tiến hành điều tra, khảo sát để đưa ra nội dung, hình thức phổ biến phù hợp, biên soạn tài liệu, phối hợp lồng ghép chương trình, đánh giá kết quả.

Với kinh phí ước tính 35 tỷ đồng, đề án triển khai thành hai giai đoạn từ 2010-2012, do Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội Vụ, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông … cùng phối hợp triển khai. 


(Theo: Hương Nguyên/ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất