Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 6/2/2010 16:12'(GMT+7)

Những bài học nhân nghĩa từ lớp học tình thương ở rừng U Minh

Cô Lệ bên các em học trò

Cô Lệ bên các em học trò

Lớp học tình thương với học phí 2.000 đồng

Ấp Xẻo Nhàu A (thuộc xã Tân Thạnh, huyện An Minh) là một ấp ở vùng rừng U Minh của tỉnh Kiên Giang. Gần chục năm qua, ấp Xẻo Nhàu A vui tươi hẳn lên, bởi râm ran tiếng trẻ học bài, tiếng cười nói, nô đùa và tiếng hát của các em nhỏ theo học lớp học tình thương của thầy Nhâm và cô Lệ.

Nói là thầy Nhâm và cô Lệ, nhưng phải gọi là ông thầy và bà thầy thì mới đúng, bởi năm nay, thầy Trần Văn Nhâm đã 60 tuổi, còn cô Lê Ngọc Lệ cũng đã ở tuổi 56. Vậy mà hai vợ chồng thầy giáo cao tuổi này vẫn ngày ngày đứng lớp 4 lớp, cả sáng và chiều. Học trò của hai ông bà hiện khoảng 150 em, từ lớp mẫu giáo đến lớp 3.

Lớp học là căn nhà lá được ngăn thành 3 lớp học với khoảng 40 trẻ đang miệt mài ê a, nắn nót trên những bàn ghế cũ kỹ được một số chủ quán nước cho hoặc làm bằng các thân cây dừa. Trong khi các học trò nhỏ miệt mài đọc, viết, làm toán thì bên những chiếc bàn bằng gỗ dừa đã cũ trước hiên nhà, trẻ mẫu giáo hí hoáy tô màu... Các em nhỏ ở đây rất lễ phép và rất chăm ngoan. Các em ríu rít khoe chuyện học ở "Trường thầy Nhâm".

Dạy học từ năm 1976, với 25 năm trong nghề, đứng lớp ở nhiều nơi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn. Khi nghỉ hưu, hai con vào Đại học, ông bà dự định về làm ruộng, phụ thêm lo cho con đi học ở Đại học Cần Thơ. Nhưng khi về quê cũ ở ấp Xẻo Nhàu, thấy con, cháu của học trò mình ngày xưa học lớp 3, lớp 4 mà vẫn không đọc được chữ, ông Nhâm và bà Lệ không đành lòng. Hai vợ chồng thầy giáo già rời Thành phố Rạch Giá, gom góp tài sản cả đời chắt chiu về quê dựng căn nhà đơn sơ trên nền đất mượn tạm.

Lúc đầu chỉ có vài người quen cũ mang con cháu đến gửi. Thấy trẻ theo học thầy Nhâm, cô Lệ một thời gian mà biết đọc, biết viết, lại có thêm lễ phép nên nhiều người trong xóm ùn ùn mang con đến gửi. Tháng 8.2001, 34 hộ dân ấp Xẻo Nhàu A đồng loạt ký đơn xin Phòng Giáo dục huyện An Minh cho phép mở lớp dân lập. Trước yêu cầu chính đáng của bà con, Phòng Giáo dục huyện chấp thuận cho hai giáo viên già được tiếp tục sự nghiệp trồng người dưới sự quản lý của Trường Tiểu học Tân Thạnh 2.

Các bậc phụ huynh học sinh ở đây cho biết: vợ chồng thầy Nhâm dạy con, cháu chúng tôi mau biết chữ mà thương học trò lắm nên chúng tôi gửi con, cháu vào đây. Thầy, vô lại không lấy tiền, chúng tôi chỉ góm 2.000 đồng mua phấn thôi. Nhưng tụi nhỏ vẫn còn phải học ở nhà lá tội nghiệp lắm, mong muốn được nhà nước hỗ trợ bàn ghế cho các cháu học tập..

Lúc mới lập lớp học, gia cảnh thầy Nhâm, cô Lệ rất khó khăn vì phải mua từng lon gạo, đổi từng thùng nước ngọt... nên phụ huynh tự đề ra mức học phí 500 đồng/ngày. Việc này hoàn toàn tự nguyện. Học sinh nào nghèo, không có tiền thì thôi. Từ năm 2002 đến nay, cuộc sống khá hơn, vợ chồng ông quyết định không thu tiền học. Mỗi tháng học sinh nào có điều kiện thì chỉ phải góp 2.000 đồng để mua phấn, viết, trả tiền điện thắp sáng và đổi nước ngọt để uống...

Lò luyện chữ, luyện người

Không có thù lao, nhưng tình yêu thương của ông bà dành cho đám học trò nhỏ thì khó có thể đo đếm: "Ngày nào hai vợ chồng tôi cũng dạy hai buổi. Trưa nghỉ trưa rồi dạy hai lớp chiều. Không có ai giúp. Buổi tối cơm nước xong thì giặt đồ đạc cho buổi tối, chấm bài vở tới khuya, ở đó không có chợ, có gì ăn nấy. Buổi sáng sắp xếp bàn ghế thì học trò tới rồi mình bận với học trò, học trò đông, trường lớp thô sơ nên cực lắm. Học trò ở đó cực khổ lặn lội lắm đi hai ba cây số đường. Buổi sáng hừng đông lầy lội thế mà chúng nó đã tới, chân còn bùn đất sình lầy, chúng tôi còn phải múc nước rửa chân, rửa tay cho các em. Mình thấy học trò cũng như con cháu mình vậy cho nên hai vợ chồng tôi thương từng đứa vậy. Rồi các em và bà con thương mình như trong một gia đình. Nên dù có khó khăn thì mình cũng phải cố gắng để góp ích cho đời"...- Bà Lệ tâm sự.

Có dạo ông Nhâm phải nằm viện mấy tháng trời, những tưởng phải giải tán lớp học, nhưng từ viện trở về, nhìn thấy mấy đứa nhỏ không còn chỗ học thấy tội quá, không cầm lòng được, ông bà lại tiếp tục lao vào công việc dạy học.

"Trường thầy Nhâm" có tiếng là lò luyện chữ tốt. Có những học sinh học ở trường công đến lớp 3 mà vẫn không đọc thông, viết thạo, bố mẹ lại đưa đến lớp học tình thương của hai giáo viên cao tuổi. Vậy là ngoài việc dạy cho các em bình thường, hai ông bà còn phải dành thời gian phụ đạo cho các đối tượng học sinh cá biệt này. Vậy mà em nào cũng tiến bộ, đọc thông, viết thạo và ham học hơn trước. Và theo lời ông Nhâm, còn một điều đặc biệt hơn, đó là lớp học tình thương này còn góp phần "xóa mù" cho chính phụ huynh của các em ở xóm nghèo Xẻo Nhàu A này: Trong khi mà tôi dạy chữ cho các em nhỏ thì phụ huynh cũng dẫn các em đến để cho các em học thì trong khi đó ngồi chờ để rước các em về thì những phụ huynh đó đa số là không biết chữ. Khôngphải là tôi dạy cho phụ huynh, nhưng khi mình dạy cho các cháu thì các phụ huynh cũng lắng nghe và học được. Tôi cùng bất ngờ là một thời gian sau thì những người này biết chữ.

Có lúc lớp học tình thương này bị một số cán bộ địa phương gây "khó dễ", nhưng vợ chồng thầy Nhâm, cô Lệ luôn luôn tâm niệm thực hiện lời dạy của Bác là "diệt giặc ngoại xâm trong thời chiến và diệt giặc đói, giặc dốt trong thời bình", nên quyết tâm duy trì lớp học.

Lớp học tình thương của thầy Nhâm, cô Lệ ngày càng có uy tín. Nhiều thầy cô giáo cũng gửi con vào học ở đây, bởi ngoài được đón nhận sự yêu thương, đùm bọc, sự tận tình của ông bà, các em còn được học lễ nghĩa, trở thành người có ích. Thạc sĩ Ninh Thành Viên- Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Kiên Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thạnh 2 xác nhận là trình độ của ông Nhâm, bà Lệ vượt trội hơn nhiều giáo viên của trường. Chất lượng đào tạo của lớp học tình thương này cũng tốt hơn ở nhiều nơi. Ông Ninh Thành Viên cũng đánh giá cao mô hình lớp học tình thương của thầy Nhâm, cô Lệ trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục: Đây là mô hình xã hội hóa giáo dục nên chúng tôi rất ủng hộ và khuyến khích. Với mô hình này, người dạy gần gũi với các em nên các em tiếp thu nhanh và tiếp nhận kiến thức đầy đủ như ở trường phổ thông. Đây là một mô hình tương đối thành công trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục ở Kiên Giang...

Lớp học tình thương ở ấp Xẻo Nhàu dẫu chỉ lợp bằng mái lá, bàn ghế tuyềnh toàng, nhưng các em nhỏ đã được bù đắp bằng trọn vẹn tình yêu thương mà thầy Nhâm, cô Lệ dành cho. Và tất nhiên, lớp học này không bị nhiễm căn bệnh thành tích, hay sức ép của mặt trái kinh tế thị trường. Dẫu không được hưởng lương, nhưng họ là những NGƯỜI THẦY với tất cả ý nghĩa của mỹ từ này. Rất tự nhiên, các em đã học được ở tấm gương của vợ chồng người thầy giáo cao tuổi này tinh thần tự nguyện, tình yêu thương con người, đóng góp những điều có ích cho xã hội. Niềm vui trong trẻo, những bài học nhân nghĩa học được ở lớp học tình thương này sẽ luôn theo các em suốt những năm tháng sau này, dạy các em luôn luôn biết sống đúng nghĩa trong cuộc đời...

Mai Hồng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất