Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 31/1/2010 18:20'(GMT+7)

Quốc hội giám sát chất lượng giáo dục đại học

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại cuộc làm việc

Ngày 30/1, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn.

Giám sát 3 nội dung

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành và đại diện 74 trường đại học, cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh tham dự.

Theo chương trình công tác của UBTV Quốc hội, từ ngày 26 - 29/1, đoàn giám sát của Quốc hội đã chia làm nhiều tổ trực tiếp làm việc với 18 trường đại học lớn ở TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh nhằm đánh giá những ưu điểm  cũng như những mặt hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để UBTV Quốc hội xây dựng bản báo cáo giám sát của Quốc hội về  chất lượng đào tạo giáo dục đại học.

Đợt giám sát lần này xoay quanh 3 nội dung: Giám sát pháp luật về thủ tục thành lập trường đại học, giám sát pháp luật về đầu tư xây dựng trường và giám sát đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc thành lập đoàn giám sát của Quốc hội về công tác giáo dục đại học là rất cần thiết và đúng đắn.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các địa phương, cụ thể là TP. Hồ Chí Minh quan tâm hơn nữa về công tác giao đất và quản lý đất đai đối với các trường đại học đã được cấp phép. Đồng thời quan tâm giám sát về mức đầu tư ở các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, cũng như vấn đề phân cấp quản lý các cơ sở giáo dục, sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với các địa phương.

Việc các trường đại học có yếu tố nước ngoài và việc xác định chủ sở hữu trong quá trình thành lập trường là một vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, cần được quan tâm đúng mức, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, công tác giám sát chất lượng giáo dục đại học là việc quan trọng và hết sức có ý nghĩa đối với xã hội cũng như ngành giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng, hiện chưa thể đặt ra yêu cầu quá cao, đòi hỏi nền giáo dục đại học của Việt Nam phải đạt chất lượng quốc tế vì nguồn lực và năng lực tài chính của chúng ta còn hạn chế.

Vì vậy sẽ phải chọn ra một nhóm các trường để tập trung đầu tư nhằm đạt chất lượng cao chứ không thể dàn trải và chất lượng đồng đều như nhau.

Bên cạnh đó, rất cần sự chia sẻ của toàn xã hội, cũng như đổi mới cách quản lý trong toàn hệ thống giáo dục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Công tác giám sát chất lượng giáo dục đại học là hết sức quan trọng .

Vướng nhất khâu mặt bằng

Ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, qua quá trình giám sát có thể thấy đại đa số các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng các cam kết với Bộ GD-ĐT.

Nhưng nổi lên là khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng để có “đất sạch” xây dựng và mở rộng quy mô nhà trường. Nhiều năm qua, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn chưa khắc phục được điểm nghẽn này.

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã nêu ra một số vướng mắc như Bộ GD-ĐT chưa hướng dẫn cụ thể và chưa giao các Sở GD-ĐT nhiệm vụ giúp UBND địa phương thực hiện quản lý các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Chỉ tiêu đánh giá các trường đại học cũng không được đề cập trong báo cáo KTXH hàng năm của thành phố.

Do vậy, cho đến nay, thành phố chưa quản lý các trường thuộc diện quản lý của các Bộ, ngành Trung ương. Đối với trường thuộc thành phố và Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, UBND TP chỉ quản lý hành chính, không quản lý trực tiếp về mặt chuyên môn.

Ông Nguyễn Thành Tài cũng cho rằng, khâu đất đai và giải phóng mặt bằng ở thành phố chính là điều bất cập, không thể giải quyết được trong thời gian ngắn vì kinh phí giải phóng mặt bằng phụ thuộc nhiều vào những hướng dẫn và quy định của pháp luật./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất