Đóng
góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII, nhiều chuyên gia, nhà
khoa học khẳng định, càng ngày chúng ta càng thấy rõ hơn văn hóa là nền
tảng tinh thần, là mục tiêu và là động lực đối với sự phát triển toàn
diện và bền vững của đất nước. Văn hóa có khả năng thúc đẩy sự phát
triển kinh tế - xã hội theo hướng lành mạnh, bền vững, có khả năng làm
giàu thêm các nguồn lực, nhân lên gấp nhiều lần sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Cần có chiến lược về xây dựng ý thức quốc gia về văn hóa
Theo
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo, Đại hội nào
chúng ta vẫn khẳng định là xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản
sắc văn hóa nhưng không có chiến lược trong từng thời kỳ. 70 năm xây
dựng chế độ 30 năm đổi mới mẫu hình con người Việt Nam là gì chúng ta
chưa trả lời được để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Trong dự thảo văn
kiện của Đại hội tới cần có chiến lược về xây dựng ý thức quốc gia về
văn hóa.
“Hiện nay hành vi lệch
lạc quá nhiều. Chúng ta vẫn giáo dục thanh niên qua các phong trào nhưng
đã bao giờ chúng ta nói với thanh niên về lòng nhân từ, kỹ năng của
lòng nhân từ. Để xây dựng một xã hội văn minh hiện đại phải quan tâm đến
những giá trị nền tảng mà hàng đầu là lòng nhân từ”- TS Nguyễn Quốc
Tuấn nhấn mạnh.
GS.TS
Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
cũng cho rằng, hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng
ta cần tạo dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Khát vọng
cống hiến để đưa đất nước sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới phải
là niềm khao khát thường trực của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ
hôm nay.
|
PGS.Vũ Đình Lãm |
PGS.Vũ Đình Lãm, Viện
Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nhận
định, thế hệ trẻ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng trong các giai
đoạn lịch sử của dân. Thế hệ trẻ luôn là lực lượng xung kích, quan trọng
thúc đẩy sự phát triển xã hội và là người chủ tương lai đất nước. Khi
nói đến thế hệ trẻ là nói đến vai trò xung kích, sáng tạo, nói đến ý
chí, nghị lực và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Ở bất kỳ giai đoạn
lịch sử nào cũng vậy, thế hệ trẻ Việt Nam luôn là một lực lượng quan
trọng, hăng hái đi đầu. “Hoài bão lớn” của thế hệ trẻ thể hiện ở tinh
thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trong sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ khoa học và công nghệ phát
triển mạnh mẽ như vũ bão hiện nay, thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn
nhân lực trẻ có trình độ cao, nguồn nhân lực tri thức khoa học công
nghệ đã trở thành động lực quan trọng để góp phần xây dựng đất nước xã
hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế xã hội, phát triển nền khoa học
công nghệ tiên tiến, xây dựng nền công nghiệp hóa và hiện đại hóa cho
đất nước. Để đáp ứng được nhu cầu trên, cần phải phát huy giá trị văn
hóa Việt Nam, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần khát vọng cống hiến của thế
hệ trẻ khoa học công nghệ, thế hệ tri thức trẻ đi đầu trong công cuộc
xây dựng đất nước. Đây là nội dung không thể thiếu trong công tác giáo
dục tư tưởng, văn hóa, truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ nước ta nói chung, thế hệ trẻ khoa học công nghệ nói riêng.
Thế hệ trẻ phải hiểu đúng về văn hóa dân tộc
Theo PGS Vũ Đình Lãm,
trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang ráo riết chống phá
cách mạng nước ta, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, xóa bỏ chế
độ xã hội chủ nghĩa, hướng nước ta đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư
bản. Đầu độc thế hệ trẻ những văn hóa độc hại, làm băng hoại các giá trị
văn hóa bản sắc của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra chúng còn tìm cách “bôi
đen” lịch sử, nói xấu lãnh tụ, mua chuộc đội ngũ cán bộ, lôi kéo thế hệ
trẻ, coi thế hệ trẻ là một lực lượng cần hướng tới, nhằm biến họ thành
những “công cụ tự giác” để thực hiện mưu đồ chính trị. Mặt khác, các giá
trị văn hóa của dân tộc phải đối diện với những thách thức, những tác
động của mặt trái nền kinh tế thị trường. “Do vậy việc chăm lo bồi
dưỡng, giáo dục và nâng cao ý thức phát huy giá trị văn hóa Việt Nam cho
thế hệ trẻ vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự ổn định và phát
triển bền vững của đất nước”.
|
Giáo dục thế hệ trẻ, người đi trước phải làm gương (ảnh minh họa: KT) |
PGS.Vũ
Đình Lãm cũng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần tăng cường
hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ về mục tiêu,
lý tưởng cách mạng của Đảng nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu, lý
tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị. Đồng thời, xây dựng niềm tin và bồi
dưỡng để thế hệ trẻ có kiến thức tổng hợp và chuyên sâu, năng động,
sáng tạo, có khả năng tự lực, tự rèn, thích ứng nhanh với thực tiễn.
Một
nhiệm nhiệm vụ quan trọng nữa là tăng cường bồi dưỡng cho thế hệ trẻ
hiểu đúng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hành động cách mạng;
nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, bản sắc văn hóa dân
tộc từ đó nuôi dưỡng tinh thần, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ xung
kích đi đầu trong xây dựng đất nước.
Theo
PGS.Vũ Đình Lãm, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về tầm quan trọng
của văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc từ đó nuôi dưỡng tinh thần, khát
vọng cống hiến của thế hệ trẻ xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước là nội dung quan trọng, là yêu cầu cao đặt ra đối với an toàn xã hội.
“Bởi chỉ có vậy thì cốt
cách dân tộc, lòng tự tôn dân tộc mới luôn giữ vai trò hạt nhân trong
quá trình phát triển của dân tộc. Mặt khác, một thực tế không thể phủ
nhận là sự phát triển rộng khắp của các phương tiện nghe, nhìn hiện đại
như hiện nay đã khiến các cơ quan chức năng ở một mức độ nào đó khó kiểm
soát được nhiều nội dung mà các phương tiện đó chuyển tải, điều này ít
nhiều đã ảnh hưởng đến việc nhận thức các giá trị văn hóa của dân tộc.
Không ít người đã bị những lợi ích vật chất cám dỗ, làm tha hóa, biến
chất, chạy theo lối sống hưởng thụ, mà hầu như không quan tâm đến truyền
thống văn hóa Việt Nam”- PGS Vũ Đình Lãm trăn trở.
Giáo dục thế hệ trẻ, người đi trước phải làm gương
Theo
PGS Vũ Đình Lãm quan tâm giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ là trách nhiệm
của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Có nhiều phương pháp giáo dục đối với thế hệ trẻ, trong đó có phương
pháp nêu gương. Chính sự gương mẫu trong lời nói, việc làm của đội ngũ
cán bộ, đảng viên, của thế hệ đi trước là sự cảm hóa và có sức thuyết
phục đối với thế hệ trẻ.
“Một khi trong đội ngũ
cán bộ, đảng viên, công chức của Đảng và Nhà nước vẫn còn có người chỉ
nói nhưng không làm hoặc nói nhiều, làm ít, nói hay làm dở, lợi dụng
chức quyền, tham ô, tham nhũng… thì khó có thể trông đợi nhiều hơn ở thế
hệ trẻ những người kế thừa tương lai của đất nước. Vì vậy, các thế hệ
đi trước cần nêu cao trách nhiệm, gương mẫu về mọi mặt, thực sự là gương
sáng cho thế hệ trẻ noi theo” - PGS Vũ Đình Lãm đề xuất.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cũng nhấn mạnh, bên
cạnh phải chú trọng tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, bình
đẳng và nhân văn cho toàn xã hội; đề cao văn hóa gia đình; tạo dựng giá
trị văn hóa cho cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp với nguyên tắc
làm giàu cho cá nhân, doanh nghiệp là làm giàu cho đất nước, không chấp
nhận làm giàu phi pháp, thiếu nhân văn… thì cần tạo dựng một văn hóa
chính trị theo hướng hội nhập.
“Văn hóa chính trị này
không chỉ ở những người tham gia bộ máy công quyền, mà trong mọi tổ chức
chính trị, xã hội khác. Sự gương mẫu, hy sinh, chính trực, công minh,
tử tế... cần phải được tôn vinh. Tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm,
cửa quyền, bè phái, vụ lợi phải được xã hội đồng tình phê phán”, GS.TS
Nguyễn Quang Thuấn nói./.
Theo VOVnews