Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 17/11/2012 20:52'(GMT+7)

Giáo dục và đào tạo phải trở thành động lực quan trọng cho phát triển

Đẩy mạnh đào tạo nghề tháo gỡ nút thắt về nhân lực.

Đẩy mạnh đào tạo nghề tháo gỡ nút thắt về nhân lực.

Hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Chính phủ đề ra 3 đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng), cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo đó, nền kinh tế phát triển theo chiều sâu; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh; dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), từ mức dưới 25% trong giai đoạn 2006 - 2010, lên mức 31- 32% vào năm 2015 và mức 35% vào năm 2020. Điều này đòi hỏi chuyển đổi sang kinh tế tri thức, trong đó khoa học và công nghệ làm chủ đạo mà giải pháp gốc là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Được Đảng và Nhà nước quan tâm, giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu trên nhiều mặt. Trong đó, nổi bật nhất là quy mô giáo dục gia tăng nhanh chóng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô giáo dục và đào tạo năm học 2011- 2012 tăng đáng kể so với năm học 2005- 2006.

Cụ thể, đạo tạo nghề có mức tăng cao, một mặt là do nhu cầu lao động có tay nghề và mặt khác do chủ trương thay đổi cơ cấu đào tạo của Nhà nước để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Quy mô của bậc cao đẳng, đại học tăng chủ yếu kết quả xã hội hoá, thành lập mới nhiều trường. Riêng bậc học phổ thông lại tăng thấp hơn do tốc độ tăng dân số đã chậm lại.

Điểm tích cực nữa là quy mô đội ngũ giáo viên phát triển khá nhanh. Chưa tính khu vực đào tạo nghề, cả nước hiện có trên 1,1 triệu giáo viên các cấp. Trong đó, số giảng viên cao đẳng, đại học hiện là 84,2 nghìn người, tăng cao nhất so với các bậc học khác (73,3%), đạt tỷ lệ 1giảng viên/26,2 sinh viên. Số giáo viên trung cấp hiện có 19,9 nghìn người nhưng có tốc độ tăng rất cao (40,1%), đạt tỷ lệ 1 giáo viên/31 học sinh.

Sự phát triển của giáo dục và đào tạo còn được thể hiện rõ ở mức độ xã hội hoá. Tỷ lệ trường ngoài công lập tăng khá, chiếm 33% tổng số trường và 45,7% tổng số giáo viên, 25,5% tổng số học sinh ở bậc học trung cấp; chiếm 19,6% tổng số trường, 16,5% tổng số giảng viên, 15,2% tổng số sinh viên ở bậc học cao đẳng và đại học.

Giáo dục và đào tạo thể hiện sự tích cực về cơ cấu giới tính và học sinh dân tộc ít người, thể hiện sự bình đẳng trong giáo dục và đào tạo. Tỷ lệ nữ giáo viên trong bậc học phổ thông đạt 70,9%; bậc trung cấp chuyên nghiệp đạt 41,2%; bậc cao đẳng, đại học đạt 48,9%.

Tỷ lệ nữ học sinh ở bậc phổ thông đạt 49,4%, bậc trung cấp chuyên nghiệp là 53,7%. Tỷ lệ học sinh phổ thông dân tộc ít người đạt 15,7%, tương ứng với tỷ lệ trong tổng dân số cả nước.

Tuy vậy, giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém, nguyên nhân sâu xa của tình trạng chất lượng nhân lực không đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển.

Sự phát triển của giáo dục và đạo tạo thời gian qua chủ yếu về số lượng. Chương trình học tập nặng, phương pháp học tập vẫn chủ yếu là tiếp thu, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành.

Yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là cấp thiết, bao gồm nhiều vấn đề từ tư duy, mục tiêu, hệ thống tổ chức, loại hình, nội dung và phương pháp dạy và học đến cơ chế, quản lý, chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nguồn lực và điều kiện thực hiện. Đổi mới giáo dục và đào tạo phải tổng thể từ cấp mầm non, phổ thông, đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp đến cao đẳng, đại học và sau đại học./.

(Minh Ngọc/VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất