Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 23/7/2009 22:24'(GMT+7)

Giao lưu với các Anh hùng lao động

Lao động, sáng tạo với tinh thần vô tư, đoàn kết

Tại cuộc giao lưu, Anh hùng lao động ngành nông nghiệp Phạm Thị Vách- người đã tham gia xây dựng công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải cách đây nửa thế kỷ và được nhiều lần bầu là chiến sĩ thi đua, kiện tướng thuỷ lợi, đã kể lại những sáng kiến trong lao động như: sáng tạo ra kéo cắt đất, hay việc ráp các tấm ván lại để lao đất cho nhanh... Bà Vách kể rằng lúc đó ai cũng làm việc, cống hiến với tinh thần vô tư, chẳng biết tới chiến sĩ thi đua hay kiện tướng gì cả, mà chỉ nghĩ rằng phải làm thật nhanh, thật tốt, để đưa năng suất lên, gạo lĩnh được nhiều. Có những lúc gấp gáp, những thanh niên xung phong thời ấy còn làm cả đêm, vác đất đến 9, 10 giờ... Cô gái Phạm Thị Vách ở tuổi đôi mươi thời đó giờ đây là đã hơn 70 tuổi, dáng người nhỏ bé, răng nhuộm đen, nhưng như những lời bà chia sẻ, tâm huyết của bà, tình yêu của bà với công việc, với quê hương, đất nước vẫn mãi luôn sâu đậm.

Mục đích lớn nhất là hiệu quả công việc- đó là tâm niệm của Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc- công nhân nhà máy Dệt Nam Định. Luôn lập kỷ lục cao nhất của ngành dệt, lúc cao điểm, một mình bà Thạc đứng từ 1.200 đến 1.400 cọc sợi. Điều bà Thạc tâm niệm đó là cố gắng thi đua làm theo lời Bác dạy: "Sở dĩ mà tôi đứng được nhiều cọc sợi và hoàn thành kế hoạch hàng năm, vì mục đích và động lực chủ yếu là lòng yêu nước. Lúc đó chúng tôi chỉ nghĩ làm sao là sản xuất thật nhiều sợi, nhiều vải để phục vụ nhân dân, xây dựng miền Bắc vững mạnh, góp phần thống nhất đất nước. Chúng tôi chỉ có mục đích là lao động, lao động và lao động và thực hiện lời Bác dạy là: Kế hoạch 1, giải pháp 10 và quyết tâm 20. Và lúc bấy giờ thanh niên lạc quan yêu đời chỉ nghĩ đến hoàn thành kế hoạch và vượt mức kế hoạch,chẳng bao giờ nghĩ mình là lao động tiên tiến, hay chiến sĩ thi đua này nọ".

Bí quyết thành công: tình yêu công việc và tình yêu cuộc sống

"Làm việc gì cũng phải có tình yêu. Đó là động lực để sáng tạo và thành công. Với người thầy thuốc, điều này càng cần thiết và quan trọng"- Đó là tâm niệm của Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Tài Thu- người được mệnh danh có đôi bàn tay kỳ diệu, người làm rạng danh ngành châm cứu Việt Nam trên thế giới. Năm nay đã ở tuổi 80, Giáo sư đã tạo dựng được một bệnh viện bề thế, phát triển hội châm cứu VN với 25 nghìn hội viên, đào tạo hơn 100 cán bộ châm cứu trình độ đại học... Hơn 500 nghìn cháu bé tàn tật được công chữa bệnh miễn phí, gần 10 nghìn người nghiện ma tuý được điều trị cắt cơn thành công nhờ châm cứu. Giáo sư Nguyễn Tài Thu cho rằng ông là người hạnh phúc vì luôn luôn được cống hiến, được yêu thương người bệnh. Và điều ông mong muốn là: "Tôi mong muốn có trường cao đẳng châm cứu. Nếu giải quyết vấn đề đó thì khi nhắm mắt tôi mới yên tâm được. Nếu chỉ một thế hệ ngày nay giỏi thì không có tác dụng lâu dài. Phải có một loạt học trò học kế tục để phát triển ngành châm cứu này".

Người được tôn vinh là người phụ nữ vàng của ngành điện Việt Nam- Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt- kỹ sư Công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh (Hà Nội) đã chia sẻ những suy nghĩ của bà khi tham gia thiết kế chế tạo thành công máy biến áp 110 KV, 220KV và tiến hành nghiên cứu, sửa chữa một số máy biến áp 550 KV thành công: "Khi công ty giao cho mình trọng trách, trong quá trình làm thì rất lo, nhiều lúc lo đến khóc. Lúc ăn, lúc ngủ, đi đường cũng nghĩ đến máy móc, thức trắng đêm vì máy móc cũng là chuyện bình thường. Có những chi tiết nghiên cứu mấy tháng trời. Khi thành công rồi, thì mình như trút đi hàng nghìn áp lực, thấy nhẹ bẫng hẳn đi".

Theo bà Nguyệt, những công trình nghiên cứu của bà không chỉ làm lợi cho nhà nước nhiều chục tỷ đồng, mà quan trọng hơn là nó khẳng định niềm tự hào của người Việt Nam đã vươn lên trong lĩnh vực chế tạo máy biến áp vô cùng phức tạp, mà từ trước đến nay chỉ có những nước như Nga, Đức, Nhật, Mỹ mới làm nổi. Để có được thành công là công sức, là sự đồng lòng của các tập thể.

Là đội trưởng Đội khoan hầm công ty Sông Đà 10- Anh hùng lao động Nguyễn Sĩ Thanh- ở người góp phần làm nên thành công của các công trình: Thuỷ điện Hoà Bình, Thuỷ điện Yaly và Hầm đường bộ Hải Vân cho rằng: trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mỗi người công nhân phải nỗ lực vươn lên để nắm bắt khoa học- kỹ thuật, làm chủ công nghệ tiên tiến để có thể làm chủ những công trình lớn của đất nước. Trong công việc, phải luôn luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn, mọi sự cố bất thường.

Dành mọi tình yêu, tâm huyết cho công việc và mỗi thành công đạt được là sự đồng lòng, đồng sức của cả tập thể. Đó là tâm sự, cũng là những bài học mà các Anh hùng lao động đã chia sẻ với thế hệ trẻ trong chương trình giao lưu.

Dù ở các lĩnh vực khác nhau, ở nhiều thời kỳ khác nhau, nhưng điểm chung của các Anh hùng lao động tham gia buổi giao lưu là sự nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến mọi sức lực và tri thức của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi bạn trẻ đã học hỏi được nhiều bài học quí giá về sự cống hiến, hy sinh và tinh thần phấn đấu, vượt mọi khó khăn vì công việc chung./.


Chiều 22/7, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam khai mạc phòng trưng bày chuyên đề "Công đoàn Việt Nam- 80 năm một chặng đường lịch sử". Với hơn 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, triển lãm phản ánh những nét khái quát nhất về quá trình hình thành và phát triển Công đoàn Việt Nam; về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Công đoàn Việt Nam và giai cấp công nhân, lao động Việt Nam và những hoạt động hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam gia nhập tổ chức Liên hiệp Công đoàn thế giới năm 1949; về vai trò và sự đóng góp của tổ chức Công đoàn các cấp và giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi đã hoà bình, thống nhất...

Triển lãm được chia làm 5 phần: phần 1 “Quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam”, phần 2 “Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với tổ chức Công đoàn Việt Nam”, phần 3 “Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1930-1975)”, phần 4 “Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (1975-2009), phần 5 “Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam”.

Cùng với triển lãm này, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội còn trưng bày triển lãm lưu động tại một số khu chế xuất, khu công nghiệp và đón tiếp các cán bộ công đoàn, công nhân đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ công đoàn và công nhân truyền thống lịch sử vẻ vang của Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam./.


Trường Thành
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất