Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 14/11/2011 22:11'(GMT+7)

Giao quyền tự chủ dựa vào chất lượng từng trường

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về quyền tự chủ cho các trường ĐH, tăng cường kiểm định các trường ĐH, chất lượng giáo viên.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cho rằng: Dự án Luật Giáo dục ĐH nhận mạnh đến vấn đề tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH, nhưng tự chủ phải xem xét trên cơ sở khoản thu học phí của từng trường, vì trường ĐH công lập thu học phí khác trường dân lập và trường có yếu tố liên kết với nước ngoài. Việc tăng quyền tự chủ phải dựa trên cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, vấn đề này lại được đại biểu Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) phản biện rằng, không nên ồ ạt giao quyền tự chủ cho các trường. Việc giao nên theo khả năng, chất lượng của từng trường và cần thực hiện theo lộ trình. Quyền được giao tự chủ bao nhiêu phải dựa trên sự kiểm định chất lượng giáo dục đã được công khai.

Dự án Luật Giáo dục ĐH cần quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các trường ĐH không vì lợi nhuận. Đó là ý kiến của đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai). Theo đại biểu, các cơ sở giáo dục ĐH không vì lợi nhuận phải được giao quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất nên cũng được giao quyền tự chủ để ổn định môi trường sư phạm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Quyền tự chủ của các trường ĐH phải dựa vào sự kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định giáo dục ĐH độc lập ngoài ngành Giáo dục. Tuy nhiên, nguồn kinh phí thực hiện kiểm định phải lấy từ ngân sách Nhà nước, không nên do tổ chức nước ngoài bảo trợ cho một trường nào đó. Vì như thế sẽ không công bằng, khách quan, phản ánh đúng thực tế giáo dục của cơ sở đào tạo.

Khuyến khích giáo viên tự trau dồi kiến thức

Song song với việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm định chất lượng cho các cơ sở giáo dục ĐH thì việc kiểm định chất lượng trình độ giáo viên, giảng viên của các cơ sở giáo dục cũng rất quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hải (đoàn Nghệ An) cho rằng: Hiện nay, nhiều trường thiếu giáo viên giảng dạy nên dẫn đến một giáo viên phải chạy xô dạy tại nhiều cơ sở. Điều này dẫn đến tình trạng, giáo viên không có thời gian đầu tư chuyên sâu cho bài giảng để có chất lượng tốt.

Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, dự án Luật Giáo dục ĐH nên bổ sung định mức biên chế, chế độ chính sách, lương bổng đối với nhà giáo để họ yên tâm công tác. Việc đánh giá trình độ của giáo viên nên dựa vào năng lực giảng dạy thực tế chứ không hoàn toàn dựa vào bằng cấp.

Việc đánh giá hoạt động của các trường ĐH phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng giảng dạy của giảng viên. Tuy nhiên, hiện nay, ở các trường ĐH, một giáo viên phải phụ trách nhiều lớp, nhiều học sinh nên thời gian bị chi phối rất nhiều.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (đoàn Đồng Tháp) kiến nghị, đi đôi với việc đầu tư về cơ sở vật chất, ký túc xá, các trường ĐH nên tạo điều kiện khuyến khích giáo viên tự trau dồi kiến thức và đầu tư nhiều hơn cho bài giảng.

Cũng trong phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, việc đánh giá chất lượng giáo viên nên được thực hiện hàng năm. Giáo viên dạy ĐH phải có trình độ Thạc sĩ trở lên, dạy Cao đẳng phải có trình độ ĐH trở lên.

*Trước đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 với 82,4% đại biểu tán thành./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất