Thứ Ba, 24/12/2024
Khoa học
Thứ Năm, 23/2/2017 0:42'(GMT+7)

Giáo sư Phan Huy Lê: “Nhận thức về lịch sử cần toàn bộ và toàn diện”

GS. Phan Huy Lê (Ảnh: V.Tuân)

GS. Phan Huy Lê (Ảnh: V.Tuân)

GS Phan Huy Lê bày tỏ sự hoan nghênh tinh thần lắng nghe, cởi mở của Ban Tuyên giáo Trung ương và nhấn mạnh việc thông tin là trách nhiệm của những nhà sử học, để đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo nắm bắt được những thành tựu cũng như những vấn đề đang đặt ra trong nghiên cứu khoa học lịch sử.  

Những phát hiện về thời cổ đại đã nâng lịch sử lên một tầm vóc mới

Giới thiệu khái quát một số thành tựu nghiên cứu cụ thể của khoa học lịch sử Việt Nam trong thời gian 2 thập kỷ gần đây, GS. Phan Huy Lê cho biết: Các nhà khoa học đã tìm được những di chỉ của thời cổ đại, những công cụ của giai đoạn sơ kỳ trong thời đại đồ đá cũ xác định thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm. GS. Phan Huy Lê nhấn mạnh, đây là một đột phá lớn, làm thay đổi sâu sắc những hiểu biết về lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam và từ đó, lịch sử đã được nâng lên một tầm vóc mới.  

Đồng thời, những phát hiện về nền văn hóa Ốc Eo đã bổ sung thêm cho thời đại kim khí. Đây là một nền văn hóa cực kỳ lý thú, các học giả trên thế giới đánh giá cao về tính hướng biển và tính chất thương mại sâu sắc của nền văn hóa này. Các di tích lên tới hàng trăm, các di vật lên tới hàng vạn, phân bố rộng, cả miền Trung và Tây Nguyên cho thấy văn hóa tiêu biểu của văn hóa Nam Trung Bộ từ cuối thiên niên kỷ thứ nhất kéo dài đến sau công nguyên là văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Ốc Eo. Như vậy, bên cạnh nền văn hóa Đông Sơn vốn đã được khẳng định, những phát hiện mới về nền văn hóa Ốc Eo, văn hóa Sa Huỳnh đã cho thấy giữa 3 nền văn hóa có sự đan xen lẫn nhau, làm nên tổng hòa văn hóa Việt Nam cổ đại.

Làm rõ thêm những điểm mờ trong lịch sử thời Bắc thuộc

Nói về thời Bắc thuộc, GS.Phan Huy Lê nhận định, thời kỳ này có một “khoảng trống” rất lớn, rất khó lấp đầy bởi rất ít tư liệu. Tuy nhiên, trong 2 thập kỷ qua, có một số phát hiện mới, làm rõ thêm những “điểm mờ lịch sử”. Ví dụ, trước đây tư liệu lịch sử ghi nhận khởi nghĩa Mai Thúc Loan chỉ kéo dài 1 năm (722-722) và chỉ có tính chất là một cuộc khởi nghĩa địa phương. Nhưng phát hiện mới có đủ cơ sở để khẳng định khởi nghĩa Mai Thúc Loan kéo dài 10 năm từ 713 đến 722. Điều đáng chú ý là, đây không chỉ là một cuộc nổi dậy của nhân dân trong nước mà cuộc khởi nghĩa này còn liên kết được với các nước láng giềng phương Nam… tạo nên một sức mạnh quy tụ lớn.

GS.Phan Huy Lê hồi nhớ lại, năm 2008, một hội thảo tầm cỡ quy tụ khoảng 500 nhà khoa học trên cả nước đã tranh luận thẳng thắn, gay gắt xoay quanh nhiều vấn đề và cuối cùng đi tới nhận thức khách quan hơn, xác định lại, đánh giá lại nhiều vấn đề: Đó là, nghiên cứu lại công - tội của nhà Hồ; nhà Mạc trước đây thường bị gạt ra khỏi lịch sử, nay cũng được đánh giá lại là có những điểm hạn chế nhưng cũng có nhiều đóng góp lớn; rồi công và tội của nhà Lê Trung hưng, của chúa Nguyễn… “Nhìn nhận về lịch sử phải hết sức khách quan và cái gì khách quan của lịch sử mới tồn tại lâu dài được. Sứ mạng cao cả nhất của sử học làm thế nào viết nên những trang sử tôn trọng sự thật khách quan, dựa trên những cứ liệu khoa học” – Giáo sư Lê khẳng định.

Đối với chúa Nguyễn, các nhà sử học đều đi đến thống nhất, nhà Nguyễn có hai tội lớn là để mất nước vào tay quân Pháp và quá bảo thủ, duy trì nền Nho học mà lúc đó đã trở nên lỗi thời ở những quốc gia khác, dẫn đến khước từ các đề nghị canh tân đất nước của những nhà trí thức tiến bộ.

Nhưng mặt tích cực bao trùm là có công khai phá, mở mang bờ cõi, xóa bỏ sự chia cắt đất nước đằng Trong, đằng Ngoài; thống nhất toàn bộ lãnh thổ bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Những nghiên cứu đã cung cấp một niên đại rõ ràng là năm 1757, chúa Nguyễn đã định hình về cơ bản lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền cả đằng Trong, đằng Ngoài và bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa. Thời chúa Nguyễn, quân đội triều đình trực tiếp quản lý Hoàng Sa, Trường Sa; vua Gia Long trực tiếp chỉ đạo, duyệt các văn bản liên quan, vì thế mà đã để lại nhiều tư liệu châu bản quý không ai có thể chối cãi. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để ngày nay chúng ta khẳng định toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, từ thời chúa Nguyễn, bộ máy nhà nước tương đối hoàn chỉnh đã được xây dựng, sự phân chia các địa phương dựa trên địa hình và truyền thống văn hóa, phong tục, đến nay vẫn còn cho thấy tính hợp lý và khoa học.

Lịch sử Việt Nam là một “kho tàng kinh nghiệm”

Sau những thông tin về thành tựu nghiên cứu của khoa học lịch sử, GS.Phan Huy Lê đúc kết: Lịch sử của một dân tộc không phải chỉ thuộc về quá khứ mà nó gắn liền với hiện tại, có ý nghĩa với hiện tại. Lịch sử không chỉ để lại truyền thống mà lịch sử còn để lại cả một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú với cả thành công và thất bại, với rất nhiều đối sách trên tất cả các mặt: chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Lịch sử Việt Nam có 3 lần thất bại trong chống ngoại xâm đó là thời An Dương Vương chống Triệu Đà; thời nhà Hồ chống Minh và thời nhà Nguyễn chống Pháp. Và cả ba sự thất bại đó đều để lại những bài học vô cùng quý báu về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

GS. Phan Huy Lê khẳng định: chiến tranh nhân dân có nhiều loại hình, nhiều mức độ khác nhau nhưng không thể phủ nhận đã ra đời từ rất sớm. An Dương Vương thất bại vì quá tin vào thành ốc, quá tin vào vũ khí mà mất hoàn toàn liên hệ với nhân dân. Nhà Hồ thất bại do sai lầm về chiến lược, chiến thuật nhưng đến cùng vẫn là không thống nhất được lòng dân. Nhà Nguyễn thất bại nguyên nhân chủ yếu là mất lòng dân, sợ dân hơn sợ giặc…

Và lịch sử cũng để lại những bài học trong xây dựng đất nước từ thành công rực rỡ của thời Lý – Trần  - Lê, biết gắn liền với nhân dân, dựa vào dân, “khoan thư sức dân” như Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng khẳng định.

Thêm vào đó là bài học về quản lý nhà nước với những kinh nghiệm phong phú để lại từ thời Lê Thánh Tông: không để tập trung quyền lực, xây dựng được Luật Hồng Đức, thể chế hóa thành pháp luật từ tập tục đến văn hóa, xã hội.

Đồng thời, là những bài học về đối ngoại đối với các nước phương Bắc và phương Nam “mềm” thì rất “mềm” nhưng khi cần thì kiên quyết đến cùng bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia.

Còn nhiều “khoảng trống” trong nghiên cứu lịch sử

Tuy nhiên, GS. Phan Huy Lê cũng chỉ ra rằng, nhận thức lịch sử hiện nay chưa thực sự toàn bộ và toàn diện. Nghiên cứu lịch sử về thời phong kiến còn nặng về trình bày lịch sử vương triều, lịch sử nhân dân phản ánh rất mờ nhạt. Một thời gian dài trình bày nặng về lịch sử người Việt mà ít khai phá lịch sử của các dân tộc khác. Giáo sư Phan Huy Lê nhận định, “Người Việt đi đến đâu, lãnh thổ mở ra đến đó. Đến thế kỷ XVII, chúa Nguyễn khai phá Nam bộ, Lịch sử Nam Bộ mới đi vào lịch sử dân tộc. Lịch sử Nam Trung bộ chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ XVI, lịch sử Nam bộ bắt đầu từ thế kỷ XVII". "Vậy trước đó là gì, “khoảng trống lịch sử” đó rất chơi vơi, cần phải được nhận thức thêm”- Giáo sư lưu ý.

Để lấp đầy những “khoảng trống lịch sử”, GS. Phan Huy Lê nhấn mạnh phải tuân thủ nguyên tắc phổ quát, đó là tính toàn vẹn của quốc gia hiện tại, bao gồm lãnh thổ, lãnh hải, cộng đồng dân cư, văn hóa, lịch sử ở trong từng vùng miền, tộc người... Vậy nên, tất cả những gì diễn ra trong lịch sử của các vùng đất, vùng lãnh thổ, dân cư, văn hóa... thuộc đất nước Việt Nam hiện tại đã trải qua quá trình biến thiên lịch sử, hội nhập, tạo thành những bộ phận của lịch sử và văn hóa Việt Nam cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách toàn bộ.

Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, nghiên cứu lịch sử cũng bị nhược điểm thiếu toàn bộ, thiếu toàn diện ảnh hưởng. Chẳng hạn như, nghiên cứu nhiều về cuộc chiến đấu của ta, vùng chiếm đóng của ta, nhưng vùng tạm chiếm như cả trung tâm rộng lớn Sài Gòn thì ít nghiên cứu. Như vậy là chưa toàn diện, vì ở đó, không chỉ có chính quyền của địa phương, mà còn có nhân dân ta, những thực tế lịch sử đã trở thành những bộ phận khách quan của lịch sử và có cả những cơ sở pháp lý đối với chủ quyền Việt Nam hiện tại.

Thời hiện đại thì lại có xu hướng nặng về chống ngoại xâm. Dù rằng, với một dân tộc có độ dài thời gian 12/22 thế kỷ chống ngoại xâm là một thách thức ghê gớm và chống ngoại xâm là lịch sử oai hùng , là yếu tố quan trọng, quyết định nhưng bên cạnh đó, xây dựng đất nước vẫn là khía cạnh nền tảng lại ít được đề cập hoặc nếu có đề cập thì nặng về chính trị, nhẹ về văn hóa – xã hội. Như vậy cũng là không toàn diện.

Trước đây, có những thời điểm lịch sử ưu tiên cho mục tiêu giành độc lập dân tộc, nhưng ngay sau đó, phải trả về cho lịch sử những “không gian bị bỏ rơi”, phải lấp đầy những “khoảng trống” và làm rõ những “điểm mờ”.

GS. Phan Huy Lê cũng chỉ ra “căn bệnh” đang có xu hướng trở nên phổ biến và ảnh hưởng đến khoa học lịch sử là biến huyền thoại và truyền thuyết thành lịch sử. Giáo sư Lê kiên quyết: “Đó là một sai lầm, bởi huyền thoại và truyền thuyết thuộc về văn hóa dân gian, không phải là khoa học lịch sử. Huyền thoại và lịch sử có lúc ở trong nhau, trong huyền thoại có lịch sử và trong lịch sử có huyền thoại nhưng chúng vẫn là hai loại riêng biệt, có đặc điểm riêng, đời sống riêng và phải có ranh giới khi nghiên cứu. Có thể khai thác trong huyền thoại những thông tin có giá trị khoa học, còn đồng nhất là một sai lầm, dẫn đến “hỗn loạn” trong nghiên cứu lịch sử.

“Quốc sử” Việt Nam dài 30 tập

Giáo sư Phan Huy Lê cho biết hiện ông đang là Chủ nhiệm đề án biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam,  kiêm tổng chủ biên. Bộ "quốc sử" gồm 30 tập (25 tập chính và 5 tập biên niên), ghi lại toàn bộ diễn trình lịch sử đất nước Việt Nam, từ khi con người xuất hiện đến hiện nay.

Giáo sư Phan Huy Lê và các ủy viên của ban đề án Nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam khẳng định, bộ "quốc sử" sắp tới sẽ khắc phục những thiếu sót đã nêu để trở thành bộ sử chuẩn mực mà biên soạn lịch sử tiếp theo phải lấy đó làm căn cứ khoa học. GS.Vũ Minh Giang, Phó Chủ nhiệm Đề án cho hay, lần đầu tiên trong biên soạn lịch sử có một bộ lịch sử tích hợp các quan điểm của các nhà nghiên cứu lịch sử, cả nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam và cả những nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam hàng đầu trên thế giới. Bộ sử thể hiện các quan điểm về lịch sử mang tầm vóc quốc gia chứ không phải những quan điểm của cá nhân một vài tác giả.

GS.Phan Huy Lê kể lại, trước đây, Hội Sử học Việt Nam từng đề xuất ý tưởng biên soạn một bộ “quốc sử” có tầm vóc như vậy và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS.Trần Văn Giàu... rất ủng hộ. Cho đến năm 2014, sau khi Hội Sử học Việt Nam trình văn bản, Ban Bí thư đã có Kết luận về tổ chức, biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam, giao cho Bộ Khoa học – Công nghệ chủ trì, Thủ tướng Chính phủ là người trực tiếp chỉ đạo. Về nội dung, nhấn mạnh việc nêu cao phép biện chứng lịch sử, tuân thủ phép biện chứng lịch sử và nhấn mạnh “tôn trọng lịch sử”.

Đánh giá cao những thông tin mà GS. Phan Huy Lê và các nhà sử học cung cấp, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ: Những vấn đề mà các nhà sử học băn khoăn, trăn trở cũng là những vấn đề mà những người làm công tác tuyên giáo đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết. Lịch sử là khoa học tự nhận thức của một dân tộc, lịch sử và chính trị luôn đi liền với nhau và chính trị cần phải luôn nhìn vào lịch sử để nhận lấy những bài học về xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc...

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng bày tỏ “mong muốn Bộ Lịch sử Việt Nam triển khai theo tinh thần kết luận của Ban Bí thư sớm được hoàn thành. Đây không chỉ thể hiện quan điểm nghiên cứu khoa học lịch sử của các nhà sử học mà còn thể hiện quan điểm của Đảng với việc nhìn nhận, đánh giá lịch sử dân tộc, khoa học hóa tri thức lịch sử. Việc trao đổi, phản biện để nhận diện chân lý lịch sử là cần thiết để nói cho rõ, nói cho đúng và nói cho hết. Ban Tuyên giáo Trung ương luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những tri thức khoa học mà các nhà sử học cung cấp”.  

Thu Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất