Thứ Năm, 28/11/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 13/3/2016 20:20'(GMT+7)

Gìn giữ giá trị văn hóa làn điệu Sình ca của dân tộc Cao Lan

Đội văn nghệ hát Sình Ca dân tộc Cao Lan ở xã Kim Phú, huyện Yên Sơn. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Đội văn nghệ hát Sình Ca dân tộc Cao Lan ở xã Kim Phú, huyện Yên Sơn. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Gần 10 năm qua, các đội văn nghệ “không chuyên” xã Kim Phú đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị làn điệu Sình ca.

Thôn 15, xã Kim Phú có 93 hộ, 100% là người dân tộc Cao Lan. Khi đội văn nghệ thôn 15 được thành lập cũng chính là lúc việc truyền dạy lại những điệu múa, câu hát Sình ca cho thế hệ trẻ trong thôn được quan tâm thực hiện. 

Bà Vi Thị Sửu, Đội trưởng Đội văn nghệ hát Sình ca thôn 15, xã Kim Phú cho biết: Lúc mới thành lập Đội chỉ có 4 người, đến nay đã thu hút 20 người tham gia. Đội văn nghệ không chỉ phục phụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của thôn, xã mà còn thường xuyên đi lưu diễn ở các huyện trong tỉnh để quảng bá làn điệu Sình ca.

Trong đời sống sinh hoạt của người Cao Lan thì hát Sình ca (còn gọi là Sịnh ca) là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu. Hát Sình ca hay "Sịnh, sềnh" theo tiếng Cao Lan có nghĩa là "thần, chúa" có uy lực ngang với các vị thần sông, thần núi... 

Theo cách gọi dân gian của người Cao Lan, "Sình" tức là "xướng", "ca"có nghĩa là "ca lên, hát lên". Sình ca là lối hát đối đáp giữa nam và nữ. N hững cuộc hát Sình ca kéo dài đến 12 đêm; mỗi đêm hát có chủ đề riêng với các nội dung: tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu trong lao động sản xuất, hát về khát vọng ước mơ hạnh phúc.

Bà Trần Thị Tiến, thành viên Đội văn nghệ hát Sình ca thôn 15 cho biết: Hát Sình ca là một loại hình xướng ca truyền thống của dân tộc Cao Lan và được lưu truyền từ đời này qua đời khác bằng hình thức truyền miệng. 

Hát Sình ca bao giờ cũng đi kèm với những điệu múa uyển chuyển, sinh động, mô phỏng lại cảnh sinh hoạt đời thường của người dân như: đi tra lúa (trong múa Khai đèn), đi xúc tép hay đi nương… Mỗi cảnh sinh hoạt được tái hiện một cách đầy đủ, có hồn, vì thế tạo cho người xem một cảm giác vừa thực tại, gần gũi lại phảng phất những ý nghĩa sâu lắng về tình người, tình đời, tình yêu đôi lứa… trong mỗi câu hát. Sự kết hợp nhuần nhuyễn và ăn khớp trong hát Sình ca đã hấp dẫn người xem.

Bà Tiến cho biết thêm hát Sình ca được chia thành hai loại hình: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Sình ca ban ngày là loại hình có môi trường diễn xướng rộng hơn, được tổ chức trong lễ hội đầu xuân năm mới, trong đám cưới, đám tang, trong lao động sản xuất. Còn Sình ca ban đêm là thể loại phong phú nhất, có tính chất bao trùm của hát Sình ca. 

Môi trường diễn xướng chủ yếu ở trong nhà, h át Sình ca ban đêm thường kéo dài từ 11 đến 12 đêm, tùy theo sự hấp dẫn và thể hiện của từng nhóm...

Ông Hoàng Liên Sơn, Trưởng thôn 15 xã Kim Phú không dấu được tự hào nói: Thôn của chúng tôi toàn là người dân tộc Cao Lan, hát Sình ca được coi là “báu vật” của dân tộc Cao Lan. 

Do nhiều nguyên nhân, làn điệu Sình ca có nguy cơ bị mai một nên chúng tôi đã vận động các cụ già trong thôn biết hát và múa Sình ca thành lập đội văn nghệ để giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, xã Kim Phú đã thành lập được 4 đội văn nghệ hát Sình ca, với 52 thành viên thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Ông Lâm Đại Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Phú cho biết trước việc bản sắc văn hoá các dân tộc ít người đang dần bị mai một, đồng bào dân tộc Cao Lan trong xã thành lập các đội văn nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị hát Sình ca là việc làm rất đáng trân trọng.

Xã Kim Phú khuyến khích đồng bào các dân tộc khác trong xã thành lập đội văn nghệ quần chúng để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất