Ngày 29- 11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo giới thiệu Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 với các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ triển khai thực hiện và đánh giá hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, đại diện Ban chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã nêu lên những thách thức, cơ hội và giải pháp của việc dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam. Từ trước đến nay, việc dạy và học ngoại ngữ chỉ nhắm đến mục đích thi cử nên chú trọng vào ngữ pháp và dịch; có trang thiết bị nhưng lại không có phần mềm. Mặc dù ngoại ngữ được dạy như một môn học tại các trường phổ thông, cao đẳng và đại học nhưng người học vẫn không thể giao tiếp được bằng ngoại ngữ. Lương của đội ngũ giáo viên quá thấp nên không thu hút người giỏi vào dạy học, người đang làm nghề dạy học cũng không có điều kiện trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ. Việc tự học và học tập suốt đời ở Việt Nam chưa phổ biến và chưa được quan tâm.
Tuy nhiên, triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia cũng có những thuận lợi như: Giáo viên và học sinh đều hiểu rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ; sự phát triển của công nghệ thông tin với việc kết nối internet miễn phí ở tất cả các trường học cùng dự án một triệu máy tính phục vụ giáo dục; các chương trình, phần mềm và học liệu mở ngày càng phổ biến; hợp tác quốc tế về giáo dục ngày càng mạnh mẽ…
Đề án Ngoại ngữ quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam…
Để đạt mục tiêu trên, các giải pháp chính được xác định gồm: Đào tạo giáo viên; Đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Xem xét, sửa đổi chế độ đãi ngộ và chính sách; Tăng cường hợp tác quốc tế; Xây dựng môi trường sử dụng ngoại ngữ.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc giới thiệu Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 với các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm chú ý và hợp tác hỗ trợ triển khai thực hiện. Cái khó trong thực hiện Đề án là thiếu giáo viên chất lượng; việc dạy ngoại ngữ vẫn theo truyền thống là coi trọng ngữ pháp trong khi dạy giao tiếp thì các kỹ năng nghe- nói- đọc- việc đều cần. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng là một khó khăn đáng kể. Tuy nhiên, phương châm triển khai đề án là coi trọng chất lượng, không chạy theo tiến độ mà hạ thấp chất lượng. Những địa phương nào đủ điều kiện thì triển khai, chưa đủ thì tích cực chuẩn bị...
Theo Nhân Dân