Chủ Nhật, 8/9/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Ba, 1/5/2018 16:24'(GMT+7)

Giữ chân người lao động trong các doanh nghiệp: Chuyện không dễ

Tuyển được đã khó, giữ chân người lao động còn khó hơn 

Trước kia, công việc thường ngày của chị Vũ Thị Lê Dung, Trưởng phòng nhân sự, Công ty TNHH may mặc Việt Thiên, huyện Vĩnh Tường là ngồi tại văn phòng để tiếp nhận hồ sơ, tuyển dụng lao động thì 4 năm trở lại đây, chị thường xuyên phải về từng thôn, từng xã và chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên, hội phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận để tuyên truyền, tuyển lao động nhưng số lượng công nhân Công ty tuyển được luôn thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu. 

Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, chị Vũ Thị Lê Dung cho biết: Công ty TNHH may mặc Việt Thiên chuyên gia công may mặc cho các đối tác Nhật Bản và Mỹ, với sản lượng 5 triệu sản phẩm/năm nên nhu cầu sử dụng lao động, nhất là lao động nữ rất lớn. Hiện Công ty đang tạo việc làm ổn định cho 2.800 lao động, với mức lương bình quân từ 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng và tiếp tục cần tuyển hơn 1.000 lao động. Giai đoạn 2006- 2012, công tác tuyển dụng lao động vào làm việc tại Công ty tương đối dễ, thậm chí, doanh nghiệp chỉ tuyển lao động đã biết nghề may do thời điểm đó nguồn lao động dồi dào và trên địa bàn huyện Vĩnh Tường mới có duy nhất Việt Thiên sản xuất may mặc quy mô lớn. Tuy nhiên, từ năm 2014 trở lại đây, sự phát triển nhanh của các khu, cụm công nghiệp, với nhiều nhà đầu tư lớn từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh đã dẫn đến thị trường lao động bão hòa. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, may mặc có sự cạnh tranh lao động, tạo cơ hội cho người lao động có nhiều lựa chọn.  

Cũng theo chị Dung, ngay từ tháng 1, Công ty đã ký được các hợp đồng gia công đến hết năm 2018 và số lượng đơn đặt hàng của các đối tác tiếp tục tăng. Để có nguồn lao động, đáp ứng kịp các đơn hàng, hàng tháng, Phòng nhân sự của Công ty đều trực tiếp đến các thôn, các xã để phát tờ rơi, tuyển dụng lao động; chấp nhận cả lao động chưa biết may, sau đó dạy miễn phí nhưng vẫn trả lương theo mức tối thiểu vùng, cộng thêm các khoản phụ cấp khác và đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, Công ty thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ như tăng phụ cấp chuyên cần, tiền xăng xe, tiền ăn trưa, tiền tăng ca. Riêng phụ nữ có thai, ngoài được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước thì chỉ phải làm việc 7 tiếng/ngày nhưng được tính chế độ làm việc đủ 8 tiếng. “Mặc dù luôn quan tâm, có nhiều chính sách đã ngộ cho người lao động, nhưng mấy năm gần đây, may mặc Việt Thiên luôn trong tình trạng thiếu lao động và rất khó để giữ chân người lao động. Nhiều lao động, sau khi được đào tạo nghề miễn phí lại nhảy việc sang công ty khác hoặc lĩnh vực sản xuất khác. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi tháng, Công ty có từ 50 đến 70 lao động nghỉ việc và số lao động bỏ nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty”- chị Dung chia sẻ.


Công ty TNHH may mặc Việt Thiên – 1 trong những doanh nghiệp 
đang khó khăn trong việc tuyển và giữ chân người lao động

Tương tự như may mặc Việt Thiên, sau 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Việt Nam (TAL), khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên cũng thời xuyên rơi vào tình trạng thiếu lao động. Thậm chí vì quá khó trong việc tuyển và giữ chân người lao động, trong tháng 3/2018, Công ty đã xin có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh để đề nghị tỉnh có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này.  

Chị Nguyễn Thị Ban, Trưởng phòng Hành chính Công ty cho biết: Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Việt Nam là nhà máy thứ 2 của Tập đoàn TAL Group tại Việt Nam, với 24 dây chuyền sản xuất. Hiện TAL Group là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm may mặc chất lượng cao, cung ứng dịch vụ khách hàng hoàn hảo cho các tập đoàn bán lẻ ở Mỹ, châu Âu và châu Á, với các thương hiệu, nhãn hàng thời trang đẳng cấp thế giới như: Burberry, Brooks Brothers, Banana Republic, Tommy Hilfiger…Trung bình mỗi năm, Công ty cung cấp khoảng 260.000 – 300.000 sản phẩm ra thị trường, trong đó 80% là xuất sang Mỹ. Công ty đang tạo việc làm ổn định cho 2.300 lao động, với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. 

Để giữ chân người lao động, 2 năm qua, cùng với thực hiện tốt các chính sách của Việt Nam, Công ty có nhiều chính sách đãi ngộ riêng như: Công ty đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải để thực hiện việc đưa đón lao động ở xa. 100% người lao động được hưởng trợ cấp chuyên cần và được tạo điều kiện tốt nhất phát triển kỹ năng để thăng tiến nội bộ. Tại tất cả các phân xưởng, các bộ phận đều được trang bị điều hòa, đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe, đáp ứng khẩu vị của từng lao động, Công ty đã ký hợp đồng với 3 đơn vị nấu ăn, mỗi ngày đưa ra 9 thực đơn để người lao động lựa chọn, với mức giá 19.000 đồng/suất.

Theo chị Ban, trên thực tế, điều khiến ban lãnh đạo Công ty lo lắng nhất là giữ chân người lao động. Bởi với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và là 1 trong những tập đoàn dệt may lâu đời nhất trên thế giới, TAL Group không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Còn người lao động có xu hướng “đứng núi này trông núi kia” dễ dàng bỏ việc để sang làm việc cho các doanh nghiệp khác. Mặt khác, phần đa người lao động muốn tăng ca nhiều để tăng thu nhập, trong khi đó, Công ty chỉ tăng ca không quá 30 giờ/tháng và được nghỉ thứ 7, chủ nhật nên mức lương chỉ đạt 6 - 7 triệu đồng/người/tháng dẫn đến một số lao động nghỉ việc là điều khó tránh khỏi. 

"Để đạt mục tiêu sản xuất 4 triệu sản phẩm trong năm 2018, Công ty đang cần tuyển gấp hơn 1.000 lao động. Phòng hành chính của Công ty đã phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm,các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh để tuyển dụng lao động. Đồng thời, thành lập các tổ, nhóm đến các địa phương trong và ngoài tỉnh; thực hiện chế độ thưởng 1,6 triệu đồng  cho mỗi công nhân khi giới thiệu thêm được 1 người vào làm việc tại Công ty. “Trước những khó khăn trong việc giữ chân người lao động, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn đầu tháng 3/2018, ông James Phillips, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc Việt Nam đã đề xuất với tỉnh có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho chuyên gia và công nhân. Đồng thời, xây dựng tuyến xe buýt đưa đón công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bá Thiện 2 nói chung, tại Công ty nói riêng và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động”- chị Ban cho biết. 

Cũng luôn “đau đầu” với bài toán tuyển và giữ chân người lao động, ông Nguyễn Khắc Mẫn, Giám đốc Công ty cổ phần may Đáp Cầu, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên cho biết: Công ty đặt ra mục tiêu là từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng, đưa thêm 8 dây chuyền vào sản xuất. Thế nhưng trong bối cảnh thị trường lao động “cung không đủ cầu”, nhất là gần khu vực này, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đang được đầu tư xây dựng thì  mục tiêu này của may Đáp Cầu xem ra rất khó thực hiện. Hơn nữa, với 10 dây chuyền hiện có, Công ty đã rất chật vật và phải tốn nhiều chi phí trong việc tuyển, đào tạo tay nghề và giữ chân người lao động. “Là doanh nghiệp nhỏ, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động gia công không lớn nên nếu cứ thiếu lao động và phải chạy theo để giữ chân người lao động, may Đáp Cầu sẽ rất khó phát triển.”- ông Mẫn lo lắng. 

Cần gỡ “nút thắt” lao động cho các doanh nghiệp 

Theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đến nay, Vĩnh Phúc có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô trên 5.200ha. Trong đó, có 12 dự án phát triển hạ tầng tại 11 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tính đến hết tháng 3/2018, các khu công nghiệp thu hút 246 dự án đầu tư, trong đó, có 46 dự án DDI, tổng vốn đầu tư 13.896 tỷ đồng và 200 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 2.896 triệu USD. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang giải quyết việc làm cho hơn 81.000 lao động. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có hơn 8.600 doanh nghiệp được thành lập, trong đó có hơn 8.330 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm cho trên 63.000 lao động.  

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, những năm qua, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ lao động được đào tạo và giải quyết việc làm liên tục tăng. Điều này cho thấy, vấn đề lao động việc làm trên địa bàn tỉnh tiếp tục những chuyển biến tích cực. Tại các khu công nghiệp: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện I, Bá Thiện 2…đang có hàng chục doanh nghiệp treo biển thông báo tuyển dụng lao động, với số lượng cần tuyển từ 300 đến 500 lao động/doanh nghiệp. Tiền lương và các khoản thu nhập của lao động làm việc ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI sản xuất trong lĩnh vực điện tử, cơ khí và sản phẩm công nghệ cao đều tăng từ 1- 2 triệu đồng/ người so với năm 2016 trở về trước. Hiện mức lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp đạt khoảng 4,9-5,5 triệu đồng/người/tháng…Các doanh nghiệp cũng quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc cho người lao động để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh của các khu, cụm công nghiệp và số doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động ngày càng tăng đã khiến cho thị trường lao động ở Vĩnh Phúc bão hòa. Nhiều lao động có trình độ, tay nghề thấp, thậm chí không có kỹ năng tay nghề…nhưng doanh nghiệp vẫn nhận và chấp nhận đào tạo lại từ đầu vì không tuyển được lao động. 

Điều đáng nói, từ kết quả chỉ số đào tạo lao động trong bảng xếp hạng PCI cho thấy, năm 2017, chỉ số đào tạo lao động của Vĩnh Phúc xếp thứ 20/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 2 bậc so với năm 2016 và không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, các doanh nghiệp phải dành chi phí cho công tác đào tạo lao động tăng 3,36% và chi phí để trả cho công tác tuyển dụng lao động tăng từ 2,1% năm 2016 lên 7,1% năm 2017. Mức độ hài lòng của doanh nghiệp với lao động tại tỉnh giảm 2,06%, trong khi đó, tỷ lệ lao động tốt nghiệp các trường đào tạo nghề/tổng lực lượng lao động tăng, chứng tỏ chất lượng đào tạo lao động của Vĩnh Phúc chưa được cải thiện.  

Để cải thiện được 1 trong 3 chỉ số PCI có trọng số 20% này, tại buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sáng 10/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì yêu cầu Sở tiếp tục rà soát, có giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh về đào tạo lao động. Cùng với đó, rà soát lại các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tham mưu UBND tỉnh có chính sách khuyến khích về lĩnh vực này. Chủ động nắm chắc tình hình hoạt động, xu hướng các ngành nghề xã hội, doanh nghiệp cần để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh và làm tốt công tác đào tạo theo hướng đi trước một bước để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. 

Ông Đường Ngọc Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết: Từ kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp hằng năm và qua ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp thời gian cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động nữ ở các doanh nghiệp gia công may mặc, sản xuất linh kiện điện tử rất lớn. Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH may mặc Việt Thiên, Công ty TNHH may mặc Lợi Tín…chưa tuyển dụng được số lượng lao động theo yêu cầu. Bởi thực tế, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh bão hòa, ổn định nên nhu cầu tìm việc làm của người lao động thấp hơn so với mấy năm trước. Đặc biệt, những năm gần đây, nhờ môi trường đầu tư được cải thiện, các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh phát huy được hiệu quả nên Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực xuất linh kiện điện tử, may mặc có nhu cầu sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng mở rộng quy mô sản xuất và nhiều lao động Vĩnh Phúc lại chọn con đường đi xuất khẩu lao động nên việc thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp là điều tất yếu, nhất là lao động nữ. 

Để đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, ông Khang cho rằng, Vĩnh Phúc cần có các cơ chế, chính sách đặc thù riêng và sớm đầu tư triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp và thông báo rộng rãi đến các địa các tỉnh có nguồn cung dồi dào. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, mở thêm và điều chỉnh các tuyến, điểm xe bus phù hợp với giờ làm việc, tan ca của công nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch cụ thể để địa phương, các ngành chức năng nắm được và chỉ đạo, định hướng đào tạo, tư vấn phù hợp; tăng tỷ lệ sử dụng lao động nam, kéo dài thời gian sử dụng lao động và có những cơ chế chính sách đãi ngộ tốt để giữ chân lao động, nhất là chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo theo yêu cầu, để lao động khi được tuyển dụng sẽ bắt nhịp ngay được với công việc và hạn chế tình trạng phải đào tạo lại lao động. 

Thanh Nga/ Cổng thông tin- giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất