Mặc
dù các sản phẩm này có thể góp phần thúc đẩy nhu cầu du lịch trong ngắn
hạn nhưng về lâu dài một nền du lịch muốn phát triển bền vững chỉ có
thể được xây dựng trên cơ sở bản sắc văn hóa của dân tộc.
Hình
ảnh về những chiếc cổng thiên đường của vùng đất Bali (Indonesia) đã mê
hoặc nhiều người. Nhưng bây giờ, không cần đến Bali, ngay tại Việt Nam,
mọi người cũng có thể check-in tại "cổng thiên đường" ở các khu du lịch
tại Sa Pa (Lào Cai) hay Tam Ðảo (Vĩnh Phúc), Ðà Lạt (Lâm Ðồng)...
Câu chuyện tương tự ngày càng phổ biến tại nhiều khu du lịch và có thể
thấy hầu như các sản phẩm du lịch nào thu hút công chúng lập tức sẽ sớm
có bản sao. Riêng ở Ðà Lạt (Lâm Ðồng) hiện có hẳn hai "Cầu Vàng" mô
phỏng chiếc Cầu Vàng nổi tiếng ở Ðà Nẵng với quy mô nhỏ hơn. Nhật Bản
nổi tiếng với hình ảnh những chiếc cổng Torii, thì bây giờ, các khu du
lịch lớn ở khắp Việt Nam đều thi nhau mời gọi khách chụp hình đẹp "không
góc chết" ở chính chiếc cổng Torii "phiên bản Việt". Tại thị trấn Sa Pa
bên cạnh "cổng thiên đường" cũng hăng hái bê nguyên "cổng Torii" của
Nhật Bản về để làm du lịch.
Những
biểu tượng văn hóa của các quốc gia luôn có lịch sử ra đời, gắn với
những lớp lang văn hóa. Nhưng việc copy các biểu tượng này hiện ở một số
điểm du lịch không còn đơn giản là giới thiệu sự mới lạ hoặc dừng ở
những kiến trúc hay những biểu tượng văn hóa nhỏ lẻ phục vụ cho nhu
cầu... chụp ảnh của khách du lịch mà đang nguy cơ trở nên quá đà khi
được thực hiện ở quy mô lớn bằng việc mô phỏng, sao chép, hay thu nhỏ cả
một không gian kiến trúc.
Trên
thực tế, khi mới ra đời, không ít sản phẩm sao chép đã thu hút khá đông
khách du lịch. Nhiều người cho rằng khi chưa có điều kiện đi Ðà Nẵng để
"check-in" Cầu Vàng, thì chụp "tạm" vài tấm hình "Cầu Vàng" phiên bản
nhái để khoe với bạn bè cũng không sao. Hoặc ghé thăm "cổng thiên
đường", "cổng Torii" hay "làng Pháp", "Venice thu nhỏ"… phiên bản nhái
để chụp vài tấm hình. Nhu cầu này khiến các khu du lịch đua nhau xây
dựng sản phẩm, quảng bá việc sao chép để hút khách.
Tuy
nhiên, về lâu dài nhiều ý kiến cho rằng, việc làm du lịch kiểu "đạo",
"nhái" văn hóa rất dễ nguy cơ đem đến hậu quả khôn lường.
Việc
copy các biểu tượng này hiện ở một số điểm du lịch không còn đơn giản
là giới thiệu sự mới lạ hoặc dừng ở những kiến trúc hay những biểu tượng
văn hóa nhỏ lẻ phục vụ cho nhu cầu... chụp ảnh của khách du lịch mà
đang nguy cơ trở nên quá đà khi được thực hiện ở quy mô lớn bằng việc mô
phỏng, sao chép, hay thu nhỏ cả một không gian kiến trúc.
Trước
hết, trong bất kỳ hoạt động du lịch nào, phần đông khách du lịch luôn
muốn có những trải nghiệm mới mẻ và được khám phá về vùng đất, quốc gia
mà họ ghé thăm ở các khía cạnh: phong tục tập quán, tín ngưỡng, các lễ
hội truyền thống, di tích lịch sử, những kiến trúc, nghệ thuật trình
diễn, ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm văn hóa khác...
Những trải nghiệm mà khách du lịch hướng đến là sự khác biệt về văn
hóa. Bản sắc văn hóa của các vùng miền, các dân tộc, các quốc gia chính
là điều tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch đến từ vùng miền, hay quốc
gia khác.
Ở Việt Nam, không ít địa
phương đã thành công với việc khai thác chất liệu văn hóa, nhất là văn
hóa truyền thống làm nền tảng thu hút khách du lịch. Chẳng hạn, tại Hà
Nội, lực hút đối với khách du lịch là hệ thống di tích, di sản dày đặc,
nổi bật như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám... hay phố cổ,
làng cổ, làng nghề.
Từ nền tảng
ấy, các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị quản lý điểm đến đã xây dựng,
sáng tạo ra những chương trình, sản phẩm hấp dẫn. Tại khu vực Tây Bắc,
bên cạnh yếu tố cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều địa phương đã khai
thác nét đặc sắc trong văn hóa các dân tộc Hmông, Dao, Thái... để tạo ra
các chương trình du lịch từ thưởng thức nghệ thuật, ẩm thực của các dân
tộc thiểu số đến các dịch vụ homestay. Tại đồng bằng sông Cửu Long,
"đặc sản" của một số tỉnh, thành là tour miệt vườn, tour sông nước với
đờn ca tài tử. Do nhu cầu trải nghiệm văn hóa, ngày càng nhiều quốc gia,
địa phương thúc đẩy du lịch cộng đồng, thông qua việc tăng cường tương
tác trực tiếp giữa khách du lịch với cộng đồng cư dân bản địa.
Bản
sắc văn hóa của các vùng miền, các dân tộc, các quốc gia chính là điều
tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch đến từ vùng miền, hay quốc gia
khác.
Trong khi đó, trên thực
tế việc sao chép, mô phỏng các di tích lịch sử, công trình kiến trúc,
quần thể kiến trúc, biểu tượng văn hóa... chỉ tạo ra sự mới mẻ ban đầu
hoặc có tác dụng với nhóm khách du lịch "dễ tính". Bởi bản sắc văn hóa
không đơn giản chỉ là câu chuyện bắt chước cho giống hình hài. Ðằng sau
những công trình kiến trúc, biểu tượng văn hóa của một địa phương, một
vùng miền, hay rộng hơn là một dân tộc là truyền thống, phong tục, tập
quán cho đến cả lịch sử hình thành, phát triển, là những câu chuyện văn
hóa đi kèm từ tâm thức, ký ức cộng đồng, lối sống, cách ứng xử của những
lớp cư dân sinh sống qua các thế hệ gắn bó với những yếu tố văn hóa,
kiến trúc ấy. Một chiếc "cổng thiên đường", một "làng Pháp" sao chép
thậm chí có thể đẹp hơn phiên bản gốc, nhưng rõ ràng không thể chứa đựng
trong đó bề dày của những câu chuyện văn hóa, rất khó có lý do để người
ta quay lại với mục đích trải nghiệm và tìm hiểu. Những khảo sát quốc
tế cho thấy, những yếu tố khiến khách du lịch quay lại, bên cạnh cảnh
quan, chất lượng dịch vụ..., thì sự độc đáo của bản sắc văn hóa là một
yếu tố then chốt.
Việc
đề cao yếu tố ngoại trong sản phẩm du lịch nội còn khiến văn hóa bản
địa trở nên yếu thế, có nguy cơ phai nhạt. Bảo tồn, phát huy các giá trị
văn hóa dân tộc là quan điểm xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo của
Ðảng. Trong bối cảnh "thế giới phẳng", nguy cơ văn hóa bản địa bị lấn át
bởi văn hóa ngoại lai ngày càng cao, nếu chúng ta không có ý thức bảo
tồn, phát huy thì thậm chí văn hóa Việt có thể phải đối mặt với nguy cơ
phai nhạt, mất bản sắc trên đất nước chúng ta. Chú trọng phát triển du
lịch văn hóa bằng các đặc trưng văn hóa bản địa không chỉ góp phần giúp
quảng bá văn hóa truyền thống của đất nước, tăng cường sức mạnh mềm văn
hóa, mà du lịch văn hóa còn quay trở lại phục vụ cho công tác bảo tồn.
Thí
dụ điển hình là nghệ thuật xòe Thái ở các tỉnh Tây Bắc như Ðiện Biên,
Sơn La hiện nay rất phát triển. Hiện có những đội xòe Thái làm du lịch
cộng đồng, biểu diễn phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Không chỉ tạo ra
sản phẩm du lịch giàu bản sắc, thu hút du khách mà thu nhập từ du lịch
văn hóa còn tạo động lực giúp người dân địa phương có ý thức hơn về bảo
tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nhìn rộng ra, mỗi vùng miền,
mỗi địa phương đều có những nét văn hóa đặc trưng, đây là nguồn tài
nguyên to lớn để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn khách thập
phương.
Tình trạng sao chép các yếu
tố văn hóa của địa phương, quốc gia khác ở một số điểm tham quan hiện
nay còn nguy cơ làm mất tính sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch.
Chính những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, hay cảnh quan thiên
nhiên mới là tài nguyên để thu hút khách du lịch, do đó phải được quan
tâm chú trọng và xây dựng thành những sản phẩm du lịch.
Ngoài
ra, để xây dựng được sản phẩm độc đáo, hấp dẫn khách du lịch còn cần cả
một quá trình, từ nắm bắt nhu cầu thị trường, cho đến công tác tổ chức,
khả năng "khai thác" các tài nguyên, mức độ can thiệp của bàn tay con
người vào các tài nguyên, nội dung hướng dẫn khách du lịch tìm hiểu,
trải nghiệm...
Việc sao chép hoặc
phụ thuộc vào các yếu tố sẵn có của các địa phương, quốc gia khác ngoài
nguy cơ khiến văn hóa bản địa bị "bỏ quên", còn đồng thời làm mất đi
tính sáng tạo, sự phát triển bền vững..., vốn là những yếu tố rất cần
thiết đối với các doanh nghiệp du lịch.
Tại
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng tổ chức tháng 11/2021, Báo cáo của
Ban tổ chức Hội nghị có nội dung "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa
dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc
đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn
hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng"
đã chỉ ra những hạn chế trong phát triển văn hóa thời gian qua. Trong
đó, có một số vấn đề nổi bật như: Nhiều loại hình di sản văn hóa truyền
thống có dấu hiệu xuống cấp, mai một, biến dạng; "nhập siêu văn hóa" kéo
dài; ngành công nghiệp văn hóa còn quy mô nhỏ, hoạt động yếu...
Ðáng
chú ý, trong 10 giải pháp trọng tâm được đưa ra nhằm xây dựng và phát
huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, có nội
dung quan trọng là: "Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa
bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn,
tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền
thống và phát triển kinh tế, xã hội; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản
văn hóa với phát triển du lịch".
Báo
cáo cũng nhấn mạnh việc chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước,
thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc
tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có
chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc;
Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn,
hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng
tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa.
Như
vậy, đường hướng khai thác các giá trị văn hóa vào phát triển du lịch
đã rõ ràng. Căn cứ vào thực tiễn, soi chiếu quan điểm chỉ đạo của Ðảng
đối với gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc, đối với phát triển du lịch,
các cấp, các ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các bước đi,
cách làm cụ thể, thiết thực, trong đó có việc khắc phục vấn đề sao chép
trong sản phẩm du lịch đang có chiều hướng lan rộng hiện nay.
Ðồng
thời, cần có những giải pháp để hạn chế tình trạng đầu tư những khu du
lịch lớn, nhưng chủ đầu tư lại "nhập khẩu" các văn hóa ngoại lai. Ngăn
chặn việc sao chép, quá đề cao yếu tố ngoại, "bỏ quên" bản sắc... chính
là biện pháp giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc./.
GIANG NAM (nhandan.vn)