Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 6/9/2011 21:39'(GMT+7)

Giúp người nghèo có việc làm và thu nhập ổn định

Chị Mai Hoa (ngồi giữa) cùng chị em lớp mây tre đan.

Chị Mai Hoa (ngồi giữa) cùng chị em lớp mây tre đan.

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo tỉnh Hà Tĩnh, tuổi thơ của chị Hoa luôn gắn liền với con trâu, đồng ruộng. Dù chăm chỉ, chịu thương, chịu khó không quản nắng mưa nhưng ngoài vài sào ruộng trên mảnh đất khô cằn, bà con chẳng còn nguồn thu nào khác, nên cái nghèo cứ đeo bám bao thế hệ người dân xã Thạch Văn. Càng lớn, đồng chí Hoa càng thấu hiểu nỗi khổ của những người quanh năm "quăng quật" vì miếng cơm, manh áo. Năm 21 tuổi, đồng chí Hoa được bầu làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ của thôn Tung Văn. Ðồng chí luôn canh cánh một mong ước sau này mình phải làm một việc gì đó có ích để giúp đỡ cho các hội viên cùng cảnh ngộ.

Ðồng chí Hoa kể lại, khi đi vận động hội viên tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, bà con thường nói "cán bộ, đảng viên nói hay thì làm trước đi để chúng tôi làm theo". Nói là làm, cán bộ Hoa vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, lợn, gà trong chuồng nhà đồng chí chi hội trưởng lớn nhanh như thổi, thương lái tìm đến tận nơi mua. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình chị Hoa thu lãi được 60 triệu đồng. Thấy cán bộ Hoa nói được, làm được, chị em rất tin tưởng chị, có gì chưa hiểu lại chạy đến hỏi. Năm 2000, chị Hoa vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng.

Nhưng chỉ làm giàu cho mình là chưa đủ mà phải giúp nhiều người khác cùng thoát nghèo, chị Hoa suy nghĩ "không thể cho họ con cá mà phải cho họ cái cần câu" mới thoát nghèo bền vững. Trong một lần lên thành phố thăm người thân, thấy nhu cầu cần người giúp việc ở thành phố là rất lớn, ý tưởng đào tạo nghề giải quyết việc làm cho các hội viên phụ nữ ở trong xã được hình thành. Năm 2006, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Văn, chị xây dựng đề án đào tạo nghề "Giúp việc gia đình" và được huyện Hội Phụ nữ, Phòng LÐ-TB và XH huyện Thạch Hà đánh giá cao. Hội viên Lê Thị Hà (41 tuổi, xã Thạch Văn) từng là học viên lớp "giúp việc" cho biết, ngoài việc đồng áng theo mùa vụ, thời gian rảnh rỗi chị chẳng có việc gì làm. Tham gia lớp học nghề, chị được hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện hiện đại như bếp ga, tủ lạnh, máy giặt... được học kỹ năng ứng xử trong mọi tình huống như tiếp khách khi chủ vắng nhà, kỹ năng chăm sóc người già, trẻ nhỏ... và hỗ trợ tìm nơi làm việc trên TP Hà Tĩnh.

Chị Hoa cho biết, chuyện lau nhà, dọn cửa đối với phụ nữ phần đông ai cũng làm được, nhưng không đơn giản vì ngoài yếu tố cần cù, sạch sẽ thì cái khó nhất của nghề này là đức tính trung thực. Những gia đình cần người giúp việc là những gia đình có điều kiện sử dụng các phương tiện hiện đại, nhưng người giúp việc lại không biết sử dụng nên chủ nhà không muốn thuê. Do đó mình phải đào tạo kỹ năng cũng như cách xử lý các tình huống, khi đã thành thạo ai cũng muốn thuê. Chị  Hoa đã mạnh dạn mở thêm các lớp học nghề  khác như mây, tre đan,... theo hình thức đào tạo tới đâu lao động có việc làm tới đó. Sau đào tạo, những học viên tham gia hầu hết đều có việc làm phù hợp với năng lực và sức khỏe, trong đó đã có nhiều gia đình thoát nghèo.

Khi mới bắt tay vào thực hiện đề án, chị Hoa gặp muôn vàn khó khăn. Thấy vợ sớm đi tối về, trong khi bố mẹ chồng già yếu, nên chồng chị không muốn chị tham gia. Khi vận động chị em, nhiều người lo học mất nhiều thời gian, học xong lại không có việc làm nên không nhiệt tình. Khó không nản, chị Hoa đã sắp xếp thời gian chăm sóc gia đình chu đáo trước khi đi làm. Sau lớp học đầu tiên, nhiều người đã có việc làm và thu nhập ổn định nên các chị em khác tin và tham gia ngày càng nhiều.

 Như Ngọc/ Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất