Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 31/8/2011 16:28'(GMT+7)

Bác Hồ trong lòng dân Tây Đô

Treo ảnh Bác để học tập Bác

Hòa thượng Lý Sân, Ủy viên Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội trưởng hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ, trụ trì chùa Săn- vor- Pô-thi, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn tâm sự: tôi coi Bác như đức Phật. Việc tôi và các phật tử rước ảnh Bác, thờ Bác là niềm vui, niềm tự hào của chúng tôi. Một con người cả đời hy sinh, cống hiến thân mình vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam, một Danh nhân Văn hóa thế giới như Người chẳng khác nào Phật vậy. Hòa thượng Lý Sân kể: “Tôi có may mắn được ra thăm Hà Nội, được viếng lăng Bác 4 lần. Lần nào tôi cũng rất xúc động. Tôi nhớ nhất lần đầu tiên được tận mắt nhìn căn nhà sàn của Bác đơn sơ, giản dị khiến tôi rất bất ngờ. Vị lãnh tụ của đất nước của dân tộc mà sống giản dị như thế trên thế giới có lẽ chỉ có một- Bác Hồ. Tôi vẫn thường khuyên các phật tử sống tiết kiệm, siêng năng lao động đó cũng là cách học tập Bác thiết thực nhất, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho mỗi gia đình, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh. Đến nay, có 250 hộ đồng bào Khơ-me phường Châu Văn Liêm, Ô Môn treo ảnh Bác. Hòa thượng Lý Sân kể: “Hôm tổ chức rước ảnh Bác vui và trang trọng lắm, có tổ chức biểu diễn văn nghệ để phục vụ đồng bào nhưng chỉ tiếc hôm đó thiếu ảnh để trao cho đồng bào…”.

Anh Lý Phiên (người Khơ- me, phường Châu Văn Liêm, Ô Môn, Cần Thơ) bên ảnh Bác

Ông Bùi Xuân Mỹ, Chủ tịch hội Cựu chiến binh quận Ô Môn cho biết thêm: Việc rước ảnh Bác, treo ảnh Bác là hoàn toàn tự nguyện, thể hiện lòng kính yêu đối với Bác Hồ.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng ban trị sự phật giáo Hòa Hảo, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt đã xúc động phát biểu trong buổi lễ trao ảnh Bác Hồ nhân kỷ niệm 121 năm sinh nhật Bác: Mọi người dân Việt Nam đều hiểu và ghi nhớ công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi rất mừng khi có ảnh Bác treo trang trọng trong nhà mình.

Bà Võ Thị Út, 65 tuổi ở ấp Mỹ Phụng, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền phấn khởi: “Tôi đã sửa sang lại nhà cửa, chuẩn bị một chỗ trang trọng nhất trong nhà để hôm nay rước ảnh Bác Hồ về treo. Bác là vị cha già kính yêu đã hy sinh cả cuộc đời vì dân tộc. Ngày nay, đất nước thanh bình, người dân có cơm no áo ấm, đưa ảnh Bác về treo trong nhà là cách bà con ghi nhớ công ơn trời biển của Bác”.

Treo ảnh Bác-nét đẹp văn hoá

Ông Trần Thành Nghiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ xúc động: Người đã đi vào cõi vinh hằng hơn 40 năm nhưng hình ảnh của người vẫn rất gần gũi, thân thương đối với người dân Cần Thơ. Vì thế, từ năm 2008, chúng tôi đã quyết định phát động phong trào vận động các hội viên cựu chiến binh rước ảnh Bác về thờ ở vị trí trang trọng nhất trong mỗi gia đình. Đến nay, tại các gia đình các hội viên cựu chiến binh thành phố Cần Thơ đều treo ảnh Bác. Năm 2010, phong trào rước ảnh Bác về gia đình được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng. Đây là cách thể hiện tình cảm của người dân đất Tây Đô với Bác kính yêu!

Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, TP Cần Thơ đã có hơn 60.000 hộ gia đình rước ảnh Bác về thờ tại gia đình. Toàn thành phố hiện có 160.000 ảnh Bác được thờ tại các gia đình. Các buổi lễ trao ảnh Bác đều được lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, UBND, Uỷ ban MTTQ các xã tổ chức trang trọng.

Phong trào rước ảnh Bác ở Cần Thơ đã được đông đảo người dân hưởng ứng nhiệt tình. Đăc biệt, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ có đông đồng bào dân tộc Khơ me, lễ rước ảnh Bác Hồ ngay trong chùa Kinh Số 5 và mời sãi cả thay mặt lãnh đạo trao ảnh Bác Hồ cho nhân dân. Ở Nhà thờ ấp Bờ Bao thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh có gần 100% hộ treo ảnh Bác Hồ. Hình ảnh người dân xứ đạo nhận ảnh Bác do chính vị Linh mục trao cho khiến những người chứng kiến không khỏi xúc động.

Cựu chiến binh Lê Quang Tuấn, xã Trường Long, huyện Phong Điền cho biết: có ảnh Bác thờ trong gia đình là dịp để chúng tôi chiêm nghiệm lại mình, học tập Bác để sống tốt hơn. Chúng tôi xin hứa với Bác quyết tâm thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của Bác cho đất nước cho dân tộc Việt Nam.

Phong trào rước ảnh, treo ảnh Bác tại mỗi gia đình không chỉ thể hiện tình cảm của người dân đất Tây Đô với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mà còn là nét đẹp văn hóa mới của người dân nơi đây.

 NGUYỄN KIỂM/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất