Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 4/9/2011 14:46'(GMT+7)

Chương trình 30a - thay đổi bộ mặt nông thôn miền Tây Bắc

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, hầu hết các hộ người Môngở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên đã xoá được nhà tạm

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, hầu hết các hộ người Môngở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên đã xoá được nhà tạm

 

Xoá nhà tạm cho người nghèo

Đến với huyện Mường Nhé (Điện Biên) - nơi tận cùng cực Bắc của Tổ quốc, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 30a của Chính phủ, người ta cảm nhận rõ hơn về những đổi thay trên miền đất nhiều gian khó này. Từ trung tâm huyện - xã Mường Nhé, chúng tôi ngược theo con đường biên giới đã được trải nhựa phẳng lỳ lên với xã Sín Thầu. Đây là xã khó khăn nhất của huyện Mường Nhé, cách trung tâm huyện khoảng 50km, có đỉnh cao A Pa Chải gần 2.000m so với mực nước biển và là nơi ngụ cư của nhiều đồng bào thiểu số, chủ yếu là người Hà Nhì, trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều hạn chế. Sín Thầu là vùng đất từng được mang tên "nhất kê tam quốc” tức là một con gà gáy 3 nước Việt – Trung - Lào đều nghe tiếng. Xã có 18 km đường biên giáp với nước Lào và gần 40 km đường biên giáp với Trung Quốc.

Chỉ mấy năm trước, từ trung tâm huyện đến được với A Pa Chải là cả một thách thức bởi con đường vượt suối, băng rừng. Vất vả là thế nhưng đến được A Pa Chải rồi lại thấy buồn hơn bởi cuộc sống nghèo khó của người dân nơi đây trong những nếp nhà tranh, tre, nứa, lá. Nhưng hôm nay, dưới ánh nắng hè chói chang, A Pa Chải như bừng lên sức sống mới từ những nếp nhà mái lợp Fibrô xi măng hay tôn hoa, tôn màu rực rỡ. Chị Sào Sò Nu, Chủ tịch hội nông dân xã, không giấu vẻ tự hào: "Từ khi thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ gần 200 hộ nghèo trong xã đã được xoá nhà tạm. Có chỗ ăn, ở đàng hoàng, bà con phấn khởi nên lao động sản xuất cũng tăng lên, bệnh tật bị đẩy lùi, con trẻ đến lớp ngày một đông. A Pa Chải hôm nay có nhiều chủ trang trại chăn nuôi cả trăm con trâu, bò đấy”

Với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nỗi lo cơm áo thường nhật của người dân A Pa Chải hôm nay cũng đã vợi đi rất nhiều. Mô hình khai hoang ruộng nước, phục hoá đất nương cùng các tiến bộ trong chăm sóc cây trồng - con nuôi, thu hoạch, chế biến nông sản được quan tâm đã tạo thêm nhiều nguồn thu đáng kể cho nông dân trong xã. Sản lượng lương thực đạt gần 500 tấn, bình quân lương thực đạt 436 kg/người/năm. Chỉ tay vào con suối trước bản Tả Kho Khừ, anh Chang Váng Chinh, bảo: Trước đây con cá, con cua dưới suối; cái rau, cái cỏ trên rừng; trời nắng, mưa, gió, bão... là mục tiêu hàng ngày của dân bản. Nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi, đã có cái nhà to vững chắc chẳng sợ gió lay, bão giật; có tiền của Nhà nước hỗ trợ sản xuất, bà con ai cũng lo sản xuất hàng hoá, làm nhiều hạt lúa, con bò, con trâu... Cứ có hàng là ô tô đến tận nhà mua, sướng lắm.
 
 
Nhiều hộ nghèo ở Sơn La bội thu mùa ngô
 từ nguồn giống, vốn, phân bón và kỹ thuật sản xuất
do chương trình 30a hỗ trợ
 

Dạy nghề - tạo việc làm cho lao động nông thôn

Từ Điện Biên, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với tỉnh Lai Châu theo quốc lộ 12. Bên cánh đồng lúa Mường So (huyện Phong Thổ) vừa qua vụ gặt nhưng đã nhộn nhịp vào vụ mới. Những gốc rạ còn tươi nguyên đã bị cày xới, lật úp, ủ mình trong làn nước mát chờ ngày làm đất cho vụ lúa mùa. Anh Lò Xuân Tính, cán bộ xã Mường So, tâm sự: Đây là cánh đồng lớn nhất của xã và đang phấn đấu để đạt mức thu nhập từ 50 triệu đồng/ha trở lên với mô hình 2 lúa + 1rau, màu hoặc rau màu chuyên canh. Từ khi thực hiện chính sách 30a và chương trình hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn, nông dân trong xã được tập huấn, đào tạo nghề nông khá tốt nên kinh nghiệm và tiến bộ sản xuất được nâng cao, tinh thần lao động nhờ thế cũng có tiến bộ vượt bậc. Nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất rau màu hàng hoá với thu nhập cao như gia đình anh Lò Văn Thím, chị Vàng Thị Kiên ở bản Huổi Én, Thùng Văn Thịnh ở bản Huổi Cải... Bên cạnh đó, với những chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, trung hạn, không ít nông dân trong xã đã thoát ly nông nghiệp để hành nghề dịch vụ: Sửa chữa điện dân dụng, điện thoại, sửa xe máy, dệt may, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.v.v.

Lai Châu là một trong những tỉnh có tỷ lệ huyện nghèo cao nhất cả nước với 5 huyện nghèo là Mường Tè, Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ và Sìn Hồ. Trong đó Mường Tè là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, tới 52,4% trong năm 2008. Sau hơn 2 năm vận dụng sáng tạo Nghị quyết 30a của Chính phủ, hơn 5.000 hộ của Lai Châu đã thoát nghèo, trên 4.500 lao động được giải quyết việc làm và gần 10.000 lao động nông thôn được học nghề. Những kết quả đó tuy chưa phải là lớn nhưng nó đã tạo thêm những nền móng quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Lai Châu.
 
 
Nhiều phụ nữ ở Phong Thổ (Lai Châu)
được học nghề dệt thổ cẩm truyền thống
 

Tạo động lực cho dân nghèo phát triển

Chia tay Lai Châu, chúng tôi xuôi về Sơn La-một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn nhất cả nước và cũng là địa phương vừa hoàn thành cuộc đại di dân vì thuỷ điện Sơn La. Trong vô vàn gian khó của một tỉnh nghèo, dấu ấn của chương trình 30a hiện lên rất rõ nét trong từng thôn bản cũng như mỗi người dân. Hơn 2 năm qua, từ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ tại 5 huyện đặc biệt khó khăn, Sơn La đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng với gần 70 công trình giao thông, thuỷ lợi; xoá hơn 8.500 nhà tạm; đưa hàng trăm lao động đi xuất khẩu lao động và đào tạo nghề, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động khác.

Bên lớp học nghề nông với thời hạn 3 tháng tại xã Huy Hạ (huyện Phù Yên, Sơn La), chúng tôi bắt gặp những nông dân đang chăm chú học cái nghề của chính mình. Giáo viên cầm tay hướng dẫn từng nông dân cách làm đất trồng rau, cầm cuốc xới luống, tra hạt giống sao cho đều và đúng quy định, tưới nước bằng bình ô-doa sao cho rau không bị dập... Tuy Phù Yên là vùng đất nông nghiệp với cánh đồng Mường Tấc rộng thứ 4 vùng Tây Bắc nhưng bà con các dân tộc ở đây không phải ai cũng giỏi làm nông nghiệp. Ông Đinh Văn Hưởng, nông dân xã Huy Hạ, bảo: Tôi làm nông dân đã hơn 40 năm nay nhưng bây giờ mới học làm nông dân đấy. Trước đây cũng có những lớp tập huấn nông nghiệp nhưng chỉ với 1-2 ngày và chẳng có kinh phí hỗ trợ gì nên tôi cũng không quan tâm học tập. Nay nguồn vốn 30a của Chính phủ không chỉ đưa giáo viên chuyên nghiệp về dạy với những kiến thức sản xuất thiết thực mà còn cho chúng tôi tiền ăn trong những ngày học nên chẳng ai bỏ lớp. Giờ thì tôi biết chọn cây trồng theo mùa, biết chăm bón đúng cách để lấy năng suất cao, biết cả nhiều thông tin về cây rau màu nào đang được thị trường ưa chuộng... Làm nông dân thời đại mới thì cũng phải khác với ngày xưa chứ !

Trong căn nhà ấm cúng được xây dựng từ nguồn hỗ trợ 15 triệu đồng thuộc chương trình 30a vào cuối năm 2010, anh Bạc Cầm Sơn ở xã Huy Thượng, vui vẻ: "Em cứ nghĩ cái cảnh mình 2 vợ chồng làm nông nghiệp, lại nuôi 2 đứa con nhỏ thì chỉ lo miếng ăn đã khó, làm gì dám mơ đến cái nhà ở vững chắc. Thế mà năm ngoái chúng em được hỗ trợ tiền làm nhà, 2 vợ chồng gồng gánh vay mượn thêm, nhờ anh em giúp đỡ ngày công, vậy là có cái nhà xây hơn 50m2 này đấy. Mà không chỉ được cái nhà thôi đâu nhé, vợ em lại còn được học nghề may, giờ làm công nhân ở Công ty giày da trong huyện, mỗi tháng cũng thu được hơn 2 triệu đồng. 2 năm vừa qua hơn 1.000 thanh niên trong huyện đã đi học nghề may, đóng giày da nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, lúc về có việc làm cả mới sướng chứ. Còn em thì lúc nông nhàn lại tranh thủ làm thêm nghề thợ nề với cánh thanh niên bản. Cứ túc tắc vậy mà cũng dư dôi chút đỉnh rồi đấy bác ạ”!


Điêu Trí/ Đại Đoàn kết
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất