Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 5/9/2011 23:4'(GMT+7)

Thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

* Ngày 5/9, kết thúc phiên thứ 8 sàn giao dịch việc làm năm 2011 tại TP. Hồ Chí Minh, trong tổng số 2.961 người tham gia tìm việc đã có 822 người tìm được việc làm. Các nhóm ngành nghề : Bán hàng – nhân viên kinh doanh; dệt may – da giày; tiếp thị; ngoại ngữ - phiên dịch; quản trị kinh doanh; công nghệ thông tin; tài chính - kế toán; điện - điện tử; cơ khí; thợ hàn; lao động phổ thông… đạt hiệu suất chấp nối việc làm cao.

Phiên giao dịch việc làm lần này có sự tham gia tuyển dụng của 48 doanh nghiệp, trong đó có 14 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp tại sàn cùng 34 doanh nghiệp đăng tuyển lao động trên Cổng thông tin việc làm Quốc gia www.vieclamvietnam.gov.vn và website www.vieclamhcm.net của Trung tâm Giới thiệu việc làm TP. Hồ Chí Minh. Tổng cộng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 2.736 lao động, tập trung vào các ngành nghề như: Bán hàng – nhân viên kinh doanh; dệt may – da giày; tiếp thị; ngoại ngữ - phiên dịch; quản trị kinh doanh; công nghệ thông tin; tài chính - kế toán; Điện - điện tử; cơ khí; thợ hàn; lao động phổ thông ...

Phiên giao dịch còn thu hút 2.094 người lao động đang hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp đến đăng ký thông báo về tình trạng việc làm tại Trung tâm và các Văn phòngbảo hiểm thất nghiệp.

* Chiều ngày 5/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Dự án tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo (2011-2015) và vệ sinh môi trường tổng thể, do tổ chức Plan Việt Nam tài trợ cho các xã, thị trấn huyện Sơn Hà ( Quảng Ngãi) với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là thiết lập và nhân rộng quy trình lập kế hoạch có sự tham gia đơn giản, hiệu quả tại các xã dự án; xác định được các hệ thống và mô hình đổi mới, sáng tạo đặc biệt hỗ trợ được người nghèo và nhóm yếu thế để cải thiện quy trình lập kế hoạch có sự tham gia; tuyên truyền vận động ở các cấp nhằm tạo cơ hội cho nhóm yếu thế tiếp cận được các dịch vụ có chất lượng; tạo ảnh hưởng tới việc ban hành chính sách của nhà nước về việc áp dụng quy trình lập kế hoạch, sự tham gia và phân phối dịch vụ; chấm dứt tình trạng tiểu tiện tự do ở địa bàn các thôn thực hiện dự án.

Việc thực hiện dự án trên sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương và nâng cao nhận thức cộng đồng.

* Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nghệ An đang tập trung đầu tư năng lực, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo công nhân kỹ thuật để xây dựng tỉnh trở thành trung tâm đào tạo khu vực Bắc Trung bộ giai đoạn 2011 – 2015. Trước mắt, tỉnh đầu tư nâng cấp trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại thành trường Đại học nghề; nâng cấp trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật miền Tây; trường Trung cấp nghề kinh tế Công nghiệp - Thủ công nghiệp thành các trường Cao đẳng nghề; nâng cấp các Trung tâm dạy nghề ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu thành các trường Trung cấp nghề. Trong đó, trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư giai đoạn ba thành trường chuẩn Châu Á; xây dựng nghề trọng điểm quốc gia, khu vực tại trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại, đồng thời bổ sung mã nghề chế biến lâm sản, lâm sinh cho trường phân hiệu mới tại huyện Thanh Chương; đầu tư, khôi phục nghề truyền thống kỹ thuật xây dựng, nâng cao năng lực đào tạo nghề vận hành và sữa chữa máy thủy tại trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt - Đức thành nghề trọng điểm khu vực.

Mặt khác, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp thành lập cơ sở dạy nghề, thu hút đầu tư một số cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài để đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật chất lượng cao với các nghề thuộc lĩnh vực dầu khí, công nghệ ô tô, cơ khí, sản xuất vật liệu mới…trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 23 cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật, trong đó có 3 trường đại học, 7 trường cao đẳng nghề (một phân hiệu cao đẳng dầu khí), 9 trường trung cấp nghề và 4 trường trung học chuyên nghiệp có dạy nghề để đào tạo nghề cho 450.000 người. Trong đó, đào tạo công nhân kỹ thuật trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề là 85.000 người, tập trung vào các lĩnh vực ngành như: nông, lâm nghiệp và thủy sản 8.000 người; công nghiệp - xây dựng 53.000 người và lĩnh vực thương mại - dịch vụ 24.000 người, đảm bảo cung cấp đủ lao động kỹ thuật cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm sắp đến theo hướng tăng dần về số, nâng cao về chất lượng và đa dạng hóa chủng loại ngành nghề kỹ thuật phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.

Để thúc đẩy phát triển đào tạo công nhân kỹ thuật phát triển bền vững, Nghệ An tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách như: trợ cấp học phí, học bổng cho học sinh thuộc đối tượng chính sách, người nghèo…không phân biệt ở trường dạy nghề công lập hay ngoài công lập. Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện về vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển dạy nghề đối với các cơ sở đào tạo có hiệu quả, giao đất xây dựng cơ sở dạy nghề, miễn giảm thuế và hỗ trợ một phần kinh phí từ các chương trình dự án…Đối với giáo viên dạy nghề, ngoài chính sách chung của Nhà nước, Nghệ An áp dụng chính sách thu hút giáo viên dạy nghề giỏi, các nghệ nhân, công nhân lành nghề, thợ bậc cao tham gia dạy nghề nhằm trang bị cho học sinh, học viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết, tạo cho người học có điều kiện tiếp cận với các nghề để có dịp chọn nghề khi có điều kiện học lên hoặc có thể vào đời lao động khi cần thiết./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất