Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 3/1/2010 21:1'(GMT+7)

Báo chí thế giới 2009: “Dấu lặng buồn” thập kỷ

Báo Mỹ: “thê thảm”

Tiếng “chuông nguyện” của lĩnh vực báo chí toàn cầu đã chính thức được gióng lên trong ngày 8/12/2008 khi tập đoàn truyền thông lớn thứ hai của nước Mỹ là Tribune đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Dù đang sở hữu tới 23 đài truyền hình cùng những tờ báo lớn như Los Angeles Times, Chicago… Tribune vẫn không thể gượng dậy sau những cú đấm trời giáng của cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ. Tập đoàn này đã phải bán tháo tờ Newsday, cắt giảm chi phí tại một loạt các ấn phẩm như Chicago Tribune, The Los Angeles Times và The Baltimore Sun... nhưng các khoản nợ vẫn không ngừng phình to.

Không chỉ có một mình Tribune, doanh số của các tập đoàn báo khác cũng giảm mạnh từ 50 đến 70%. Kể từ tháng 4/2009, nhật báo hàng đầu phát hành toàn quốc đầu tiên tại Mỹ Christian Science Monitor (CSM) đình bản in hằng ngày.

Ngành truyền thông được mệnh danh là “quyền lực thứ tư” chính thức rơi vào cơn “sốt lạnh”. Trong khi đó, lượng quảng cáo giảm đến 35% đẩy The New York Times – tờ báo danh tiếng nhất nước Mỹ giảm lợi nhuận đến 82% hay The Washington Post lần đầu tiên bị lỗ sau 37 năm. Giống như Tribune, The Washington Post đã phải buộc cho thôi việc 231 nhân viên còn The New York Times sa thải hơn 100 phóng viên và biên tập viên.

Ngày 31/3/ 2009, thêm một tập đoàn truyền thông nữa là Sun Times Media Group nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Chưa hết, Philadelphia Newspapers, Tập đoàn truyền thông Philadelphia Media Holdings, đồng thời là công ty xuất bản của các tờ báo như Philadelphia Inquirer, The Philadelphia Daily News, và The Inquirer cũng đã tuyên bố phá sản kể từ cuối tháng 2/2009.

Tính đến hết năm 2009, trong số 25 tờ báo lớn nhất nước Mỹ chỉ có duy nhất Wall Street Journal có lượng phát hành tăng (0,61%) so với năm 2008. Tất cả các tờ còn lại đều sụt giảm một cách thê thảm, như The New York Times giảm 7,28%, Los Angeles Times 11,05%, Washington Post 6,4% hay San Franciso Chronicle giật ngôi “quán quân” với mức 25,82%...

Báo châu Âu: Liêu xiêu

Không quá bi đát như báo chí Mỹ, nhưng các hãng tin của châu Âu cũng gặp nhiều khó khăn. AP, một tổ hợp phi lợi nhận do 1.400 tờ báo thành viên thành lập và đồng sở hữu, cho biết doanh thu của hãng từ khoản phí của các tờ nhật báo Mỹ dự kiến giảm 1/3 trong vòng 3 năm từ 2008 đến 2010.

Tập đoàn báo chí lớn thứ hai của Đức, Westdeutsche Allgemeine Zeitung (WAZ), mới đây cũng phải tuyên bố ngừng quan hệ hợp tác với Cơ quan báo chí Đức, hướng tới sản xuất các ấn phẩm báo chí có chi phí thấp hơn.

Tại Pháp, dù được đỡ đầu bởi vị tổng thống được mệnh danh là “tổng thống truyền hình”, ngành báo chí vẫn liên tiếp đi hết từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác. Tổng lượng phát hành các tờ báo quốc gia hiện ở mức gần 7 triệu bản, con số này chỉ bằng 1/2 so với Anh và 1/3 so với Đức. Doanh thu của các tờ báo hàng đầu như Le Monde, Libération hay Le Figaro chỉ còn bằng hơn một nửa so với thời kỳ trước khi khủng hoảng kinh tế nổ ra.

Lĩnh vực báo chí của Đức - một trong những quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu cũng không thoát khỏi “lưỡi hái” của khủng hoảng. Tập đoàn truyền thông WAZ cho thôi việc 300 biên tập viên, tờ “Sddeutsche Zeitung“ đẩy hơn 20 nhà báo ra đường và tờ “Berliner Zeitung” treo tiền thưởng cho những ai tình nguyện ra đi. Tờ “Klnische Rundschau” tuyên bố sẽ ngưng biên tập mục chính trị và kinh tế bắt đầu từ năm tới còn “Berliner Zeitung” và “Frankfurter Rundschau” được dự đoán là sẽ sáp nhập thành tờ nhật báo đồng nhất. Bắt đầu từ năm 2010, hàng loạt nhật báo tại Đức sẽ đồng loạt tăng giá mong bù đắp phần nào chi phí phát hành và tiếp tục tồn tại.

Lối thoát nào?

Trước tình này, chính phủ nhiều nước đã phải “ra tay nghĩa hiệp”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố gói viện trợ trị giá 845 triệu USD, đưa tổng mức viện trợ cho báo chí lên 2 tỷ USD, bao gồm việc đặt báo dài hạn miễn phí cho tầng lớp thanh niên.

Ở nhiều quốc gia như Anh, Canada và Australia, hàng nghìn phóng viên đã trở thành công chức Nhà nước, làm việc trong các hãng báo chí do Chính phủ sở hữu. Ngoài ra, Chính phủ cũng hỗ trợ ngành báo chí dưới các hình thức như giảm bưu phí ở Mỹ hay không đánh thuế giá trị gia tăng ở Anh.

Không thể mãi trông chờ vào sự ban ơn của chính phủ, báo chí đã phải tìm hướng đi mới cho mình và điện tử hóa là cách mà nhiều tờ báo đang làm. VG Nett là một câu chuyện thành công đáng để nhiều tờ báo khác học tập. Trong khủng hoảng, tờ báo này vẫn có lợi nhuận khoảng 30% và tại Nauy họ đứng ngang hàng với Google như là hai website phổ biến nhất ở đất nước này. VG Nett thu lợi nhuận từ quảng cáo và bắt đầu thu được tiền từ người đọc trực tuyến. Đây chính là điều mà nhiều tờ báo Mỹ đang cố gắng thực hiện bởi họ nhận ra rằng, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến là không đủ để chi trả mọi chi phí.

Nhưng thu phí cũng là một sự “đau đầu” và là bài toán không kém phần hóc búa với lĩnh vực báo chí toàn cầu. Bấy lâu nay, dù không thu phí nhưng sự tăng trưởng trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến của các báo điện tử khiến báo giấy vô cùng thèm khát. Thu phí nội dung có thể khiến độc giả quay lưng lại với báo mạng và kéo doanh thu quảng cáo trực tuyến đi xuống. Để có thể thành công trong bài toán thu phí đọc tin trực tuyến, báo giấy sẽ phải chú trọng đến việc cung cấp những nội dung “độc”. Không chỉ có nội dung “độc” mà các tờ báo còn cần phải đào sâu thông tin, đưa ra những chủ đề độc đáo cũng như tích hợp nhiều nội dung đa phương tiện lên trang tin điện tử. Đây không phải là chuyện đơn giản, bởi hầu hết tờ báo giấy đều bị giới hạn về mặt nhân sự và đã phải liên tục cắt giảm nhân viên hai năm gần đây.

Theo ICTNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất