Đó là nội dung của cuộc hội thảo quan trọng do Ban TKBT – Đài THVN chủ trì, trong khuôn khổ liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 29. Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến đóng góp quý báu.
Thực hiện nhiệm vụ “Hướng dẫn các đài truyền hình, đài Phát thanh - Truyền hình địa phương về tên viết tắt bằng tiếng Việt, tên bằng tiếng Anh, tên viết tắt bằng tiếng Anh của các các đài truyền hình, đài Phát thanh - Truyền hình địa phương” được Thủ tướng giao trong Nghị định số Số 18/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04/02/2008, Đài Truyền hình Việt Nam lần thứ 2 tổ chức hội thảo “Bàn về tên gọi, tên viết tắt, logo của các Đài TH, PT-TH tại Việt Nam”. Cuộc hội thảo quan trọng do Ban TKBT – Đài THVN chủ trì, trong khuôn khổ liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 29.
Lộn xộn tên gọi, tên viết tắt, logo
Có một thực tế, tên gọi, tên viết tắt của các Đài Truyền hình, Đài PT-TH tại Việt Nam đang được gọi mà không tuân theo một quy chuẩn nào cả. Bài tham luận của Báo cáo viên Minh Châm đến từ Đài Truyền hình Việt Nam đã chỉ ra rằng hiện tượng này làm nảy sinh những vấn đề rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thành Lưu, Phó trưởng Ban TKBT chủ trì Hội thảo (Ảnh Đỗ Đức)
Trước hết, về tên gọi tiếng Việt, có Đài sử dụng cụm từ “Phát thanh Truyền hình” viết liền, có Đài viết “Phát thanh - Truyền hình”, có Đài dùng “Phát thanh và Truyền hình”. Về tên gọi tiếng Anh, có Đài dùng “Radio and Television”, có Đài dùng Broadcasting... và thậm chí, nhiều Đài không sử dụng tên gọi bằng tiếng Anh... Lại có trường hợp gọi tên không đầy đủ hết chức năng như: Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, chỉ gọi là Quảng Ninh Television (QTV), Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng, chỉ gọi là Truyền hình Hải Phòng (THP)...
Về tên viết tắt, hiện tượng “mạnh ai người ấy làm” cũng diễn ra tương tự. Có trường hợp tên viết tắt của Đài vừa thể hiện bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, như Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai là một ví dụ (ĐNRTV, RTV là tiếng Anh trong khi đó “ĐN” lại là tiếng Việt), có trường hợp tên viết tắt khó hiểu như PTQ (Đài Phát thanh- Truyền hình Quảng Ngãi)...
Đặc biệt, do xu thế các Đài đều sử dụng chữ cái đầu tiên trong tên tỉnh/TP của mình để làm ký tự đầu tiên trong tên viết tắt nên làm nảy sinh các trường hợp trùng lắp tên viết tắt. Có thể kể đến các trường hợp tiêu biểu như: HTV (Cả Đài TH TP.HCM, Đài PT – TH Hà Nội, Đài PT – TH Hà Tĩnh đều dùng), TTV (Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang đều dùng), BTV (Đài phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh, Bình Thuận, Bình Dương), KTV (Đài phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon tum).
Báo cáo viên Minh Châm và hoạ sỹ Bùi Thanh Hà (ngoài cùng bên trái) trình bày tham luận (Ảnh Đỗ Đức)
Về logo đang thể hiện trên sóng của các Đài PT-TH trong cả nước, cũng có nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Tham luận của Báo cáo viên, hoạ sỹ Bùi Thanh Hà đến từ Đài THVN nhấn mạnh “logo của các Đài thiết kế không theo một quy chuẩn chung, bị trùng lắp về hình khối, màu sắc” nên dẫn đến tình trạng khó nhận diện hoặc nhận diện nhầm thương hiệu. Thương hiệu của các Đài đang bị lẫn vào nhau, không thể hiện được nét riêng của từng Đài.
Những hệ luỵ
“Sự trùng lặp, thiếu thống nhất trong việc xác định logo của các Đài truyền hình, Đài phát thanh - Truyền hình tại Việt Nam, đã gây nên những hiểu nhầm từ phía người xem và các đối tượng liên quan đến phát thanh - truyền hình. Nhiều khán giả nhìn vào logo, tên viết tắt đã nhầm lẫn giữa Đài này với Đài kia. Sự nhầm lẫn này có thể mang đến những hiệu ứng không tốt về thương hiệu của đối tượng bị nhầm lẫn nói riêng, và đối với hệ thống phát thanh – truyền hình Việt Nam nói chung. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố về truyền thông” - Đại diện Bùi Thanh Hà đến từ Đài Truyền hình Vi ệt Nam chia sẻ.
Thực tế trên đã cho thấy rằng, hầu hết các Đài Truyền hình, các Đài PT – TH trong cả nước còn chưa chú trọng nhiều đến vấn đề xây dựng cho mình một thương hiệu riêng. Việc nhiều Đài không coi trọng tên gọi, tên viết tắt bằng tiếng Anh thực sự đáng báo động trong bối cảnh hội nhập với thế giới như hiện nay.
Luật sư Vũ Thị Thanh Tâm, Phó trưởng Ban Kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu tại hội thảo (Ảnh Đỗ Đức)
Đứng ở góc độ Sở hữu trí tuệ, việc các Đài sử dụng tên viết tắt trùng nhau, logo trùng nhau (về hình khối, màu sắc) cũng có nghĩa là các Đài đang vi phạm sở hữu trí tuệ của nhau. Tham dự hội thảo, đại biểu Vũ Thị Thanh Tâm, Luật sư, Phó trưởng Ban Kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam đưa ra lời khuyến nghị “Sau khi đã thống nhất được vấn đề tên gọi, tên viết tắt, logo các Đài nên đăng ký ngay với Cục sở hữu trí tuệ để được bảo vệ về thương quyền, khi đó các Đài khác trùng tên mà chưa tiến hành đăng ký bảo hộ sẽ bắt buộc phải đổi tên”. Bà Vũ Thị Thanh Tâm cho hay, “Đài Truyền hình Việt Nam đã tiến hành đăng ký bảo hộ thương quyền trên thế giới từ năm 2003 và đến nay đã nhận được chứng nhận bảo hộ ở 36 nước trên thế giới.”
Việc lộn xộn tên gọi, tên viết tắt cũng gây nên những khó khăn cho các nhà quản lý.
Nhiều đóng góp quý báu
Tham dự hội thảo có đại diện của nhiều Đài địa phương trong cả nước. Hầu hết, các đại biểu đều thống nhất rằng việc tổ chức một hội thảo như thế này là đặc biệt cần thiết, “Lẽ ra chúng ta phải làm việc này cách đây 20 năm, giờ muộn, nhưng vẫn phải làm và phải làm quyết liệt” - Đại diện Đài Hậu Giang nêu ý kiến. Đại diện Đài Trà Vinh đánh giá cao sự chuẩn bị của BTC đồng thời cũng đưa là nhiều giải pháp cụ thể cho vấn đề này như “Phải tách bạch giữa phạm trù Logo và tên gọi, tên viết tắt. Logo phải vừa thể hiện được hình, vừa thể hiện được chữ. Đối với tên tiếng Anh, nên dùng cụm từ Radio and Television thay vì Broadcasting vì yếu tố quen thuộc của nó.”
Đến từ Đài THVN, Đại biểu Thái Nguyệt Quế - Ban Hợp tác Quốc tế lại nghĩ khác. Bà Quế cho rằng: “Sử dụng Broadcasting hợp lý hơn vì Broadcasting vừa thể hiện được phát thanh, vừa thể hiện là truyền hình.”
Đại biểu Thái Nguyệt Quế - Ban Hợp tác Quốc tế Đài THVN
Tại Hội thảo, báo cáo đóng góp ý kiến của Tiến sỹ ngôn ngữ Vũ Thế Thạch, Trưởng ban Biên tập sách Ngoại ngữ của NXB Giáo dục, hiện đang giảng dạy tại Mỹ được BTC đánh giá cao bởi những gợi mở hợp lý. Ông kiến nghị viết tên các Đài địa phương như sau: “Tên đầy đủ tiếng Việt: Đài phát thanh và truyền hình + (tên tỉnh); Viết tắt tiếng Việt: Đài PT&TH + (tên tỉnh); Tên đầy đủ tiếng Anh: (tên tỉnh không dấu) + Television and Broadcasting Station). Viết tắt tiếng Anh: (viết tắt tên tỉnh ) +TV (Viết tắt tên tỉnh theo cách: Lấy 2 chữ cái đầu của hai âm tiết tên tỉnh. Nếu hai tỉnh trùng nhau lấy thêm chữ cái thứ hai của âm tiết thứ hai.) Sau khi thống nhất tên viết tắt tiếng Việt, tiếng Anh của các Đài phát thanh và truyền hình địa phương cần có thông báo qui định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Nhận được thông tin từ Hội thảo, mặc dù không kịp cử đại diện tham dự trực tiếp nhưng các Đài TP.HCM, Bắc Kạn, Nghệ An, Cà Mau đã kịp thời có đóng góp ý kiến bằng văn bản cho BTC. Những ý kiến từ 4 Đài này đa phần đều là những ý kiến đóng góp hợp lý, thể hiện sự quan tâm, đánh giá đúng mức và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc phải thống nhất tên gọi, tên viết tắt, logo của các Đài địa phương. Đây thực sự là những điểm sáng đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trong cuộc hội thảo bên cạnh những ý kiến đóng góp hết sức xây dựng và quý báu vẫn còn những ý kiến dấy nên nhiều sự lo ngại. Có đại diện một Đài cho rằng tên gọi bằng tiếng Anh của các Đài có gì mà phải bàn cãi, chỉ cần đưa vào máy dịch tự động là sẽ có kết quả chuẩn (?), đại diện này còn nhấn mạnh: “tên gọi không thể ép, chính phủ cũng không thể ép, đó là toàn quyền của địa phương” và ví von “con ai đẻ thì người ấy đặt tên.”
Có thể nói rằng, nhận thức không giống nhau, quan điểm không giống nhau sẽ là một thách thức lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “Thống nhất tên gọi, tên viết tắt tiếng Việt, tên viết tắt tiếng Anh, logo của đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình địa phương”.
(Theo VTV)