Thứ Hai, 23/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 6/1/2010 23:12'(GMT+7)

Hậu thanh tra và công tác tư tưởng trong việc giải quyết các điểm ”nóng”

Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định vừa tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn. Ảnh Báo NĐ

Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định vừa tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn. Ảnh Báo NĐ

Bởi vì ngoài những lý do trên thì chỉ có hoàn tất hậu thanh tra mới có khả năng giải quyết được điểm nóng và ổn định được an ninh nông thôn. Ngược lại nếu bỏ qua hậu thanh tra cũng có nghĩa là việc giải quyết điểm nóng, giải quyết an ninh nông thôn mới nửa vời, thậm chí thất bại và đương nhiên, an ninh nông thôn và điểm nóng đó dễ tái phát.

Qua khảo sát thực tế, những địa phương giải quyết tốt vấn đề điểm nóng hay vấn đề an ninh nông thôn đều là những địa phương đã rất quan tâm, tích cực thực hiện công tác hậu thanh tra và thực hiện khá tốt quy trình, bước đi trong thực hiện công tác hậu thanh tra. Thực tế ở nhiều tỉnh trong cả nước như Thái Bình, Hải Dương, Đồng Nai, Nam Định... đã minh chứng điều đó. Tuy nhiên, cũng có không ít nơi khi đi vào thanh tra giải quyết điểm nóng, giải quyết vấn đề an ninh nông thôn thì tích cực, hăng hái, nhưng sau khi kết luận thanh tra xong thì hoặc là không quan tâm, hoặc là thả nổi công tác hậu thanh tra, do đó dẫn đến kết cục là cuộc thanh tra đó kết quả rất thấp, vấn đề điểm nóng không được giải quyết mà tiếp tục âm ỉ rồi bùng phát trở lại với quy mô, tính chất mức độ phức tạp hơn nhiều. Những địa phương sau khi công bố kết luận thanh tra mà tình hình lại “nóng” quá lên; an ninh nông thôn phức tạp quyết liệt lên, không ngoài hai nguyên nhân: hoặc là việc thanh tra có vấn đề không chính xác, thiếu kịp thời, hoặc là quá xem nhẹ công tác hậu thanh tra nên có thể nội dung kết luận thanh tra đúng nhưng quần chúng nhân dân không hiểu, không chấp nhận vẫn cho là sai, nên tiếp tục phản ứng quyết liệt, làm cho điểm nóng đã nóng càng nóng hơn. Trong những năm 1997-2005, ở tỉnh Nam Định có tới 12/21 xã có vấn đề điểm nóng phải thanh tra kết luận tới lần thứ 3; 5/12 xã có vấn đề điểm nóng phải thanh tra kết luận lại tới lần thứ 2 là không ngoài 2 nguyên nhân nói trên.

Vậy hiểu thế nào là hậu thanh tra và tiến hành hậu thanh tra như thế nào? Qua thực tế ở địa phương chúng tôi mạnh dạn nêu một số suy nghĩ ban đầu để bạn đọc cùng tham khảo.

Hậu thanh tra thực chất là những công việc của giai đoạn sau khi thanh tra được kết luận. Hệ thống thanh tra Nhà nước thường dùng thuật ngữ “công tác sau thanh tra”. Ở Nam Định, nhiều năm qua đã dùng cụm từ “hậu thanh tra” khá phổ biến, coi đó là những công tác thuộc khâu cuối của cuộc thanh tra, sau khi có kết luận thanh tra; nhằm khẳng định và hoàn tất cuộc thanh tra. Từ quan niệm và cách phân tích như trên “hậu thanh tra” gồm những công tác chủ yếu sau:

1- Chủ động thành lập lực lượng hậu thanh tra. Thực hiện hậu thanh tra không hề đơn giản, bởi vì hiện tại công tác này vừa chưa được thể chế hoá về mặt luật pháp, vừa thiếu lực lượng chuyên trách như thi hành án. Do đó rất nhiều địa phương phó mặc việc thực hiện hậu thanh tra đó cho cơ quan thanh tra. Đối với giải quyết điểm nóng, việc thực hiện hậu thanh tra rất phức tạp và giữ vị trí quan trọng trong ổn định điểm nóng. Vì vậy phải tuỳ theo tính chất mức độ ở điểm nóng mà tổ chức lực lượng hậu thanh tra gồm: thanh tra, kiểm tra, tổ chức, dân vận, công an và một số ngành có liên quan, nhưng phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ chính quyền địa phương mà thông thường là BCH thống nhất.

2- Làm tốt việc tuyên truyền, đối thoại, quán triệt, thuyết phục để tạo sự đồng thuận với kết luận thanh tra. Đây là khâu mở đầu cho công tác “hậu thanh tra” nhưng hết sức quan trọng, chỉ khi nào mọi người có liên quan đồng thuận với kết luận thanh tra thì “hậu thanh tra” mới có khả năng vào cuộc sống và lúc đó mới có thể giải quyết được điểm nóng, ổn định chính trị xã hội ở nông thôn. Đúng là “tư tưởng không thông, đeo bình tông cũng nặng”. Nhưng thực tế thì rất ít nơi chú trọng làm tốt việc này, bởi các kết luận thanh tra thường rất dài, số liệu nhiều, nếu không tóm tắt lại thì đọc rất khó hiểu. Mặt khác ở điểm “nóng” thì thông tin thường rất nhiễu, nhiều khi bị thổi phồng, bóp méo của số đầu đơn, vì vậy phải kịp thời đối thoại, thuyết phục và chặt chẽ từ nguyên đơn, đến bị đơn, từ cán bộ cốt cán (như Đảng uỷ, UBND xã, các đồng chí nguyên chủ chốt xã, các cán bộ quân dân chính) đến từng chi bộ, toàn Đảng bộ và từng xóm đội nhằm làm cho mọi người hiểu và nhất quán với kết luận thanh tra. Muốn làm được việc đó, phải tóm tắt bản kết luận thanh tra thành từng vấn đề rồi tập huấn cho các tổ công tác hậu thanh tra nắm vững để xuống tiếp xúc, tuyên truyền, đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có rất nhiều người cho rằng việc tuyên truyền, vận động, quán triệt một bản kết luận thanh tra thì có gì là khó? Nhưng thực tế chọn được số cán bộ có điều kiện khả năng làm được việc này không nhiều, kể cả trong đội ngũ cán bộ công tác Tuyên giáo. Một phần vì không nắm vững tình hình, nội dung kết luận thanh tra, phần khác thì thiếu năng lực đối thoại, thuyết phục trước đám đông, nhất là khi đám đông đó đang trong tâm trạng bức xúc như “nước sôi, lửa bỏng”. Do đó khi lựa chọn cán bộ tập huấn phải là những người có điều kiện, khả năng nắm bắt được vấn đề, có năng lực diễn đạt và thuyết phục trước đám đông; đối với Hội nghị cấp Đảng bộ cơ sở, cán bộ cốt cán các xã, phải cử các đồng chí lãnh đạo cấp huyện có năng lực, có uy tín, kinh nghiệm đối thoại, am hiểu tình hình địa phương xuống chủ trì cùng tổ công tác để tuyên truyền đối thoại, thuyết phục.

3- Kịp thời khắc phục sửa chữa thiếu sót, đặc biệt là việc thu hồi tài sản thất thoát và bồi hoàn, trả lại những tài sản vật chất, tinh thần bị xâm hại cho nhân dân do hành vi sai phạm gây ra. Thu hồi tài sản bị thất thoát là cần thiết, nhưng thu vào thời điểm nào cho có hiệu quả. Theo chúng tôi thu ngay khi chúng ta đã kết luận được sai phạm và trước khi xử lý cán bộ. Thời điểm đó người sai phạm còn đương nhiệm ở vị trí công tác, hơn nữa hành vi chủ động khắc phục thiệt hại được xem là biểu hiện của sự hối lỗi của người sai phạm khi xem xét xử lý kỷ luật sau này, do vậy việc thu hồi sẽ hiệu quả hơn. Mặt khác phải khẩn trương bồi hoàn thiệt hại vật chất tinh thần bị xâm hại cho nhân dân, xin lỗi người bị hại là những khâu cần thiết ngăn ngừa việc xuyên tạc kích động của phần tử xấu, củng cố niềm tin cho nhân dân vào sự giải quyết của chính quyền, tạo điều kiện tốt cho việc ổn định điểm nóng.

4- Tiến hành xử lý cán bộ sai phạm và phần tử quá khích (nếu có). Người có sai phạm bị xử lý là lẽ đương nhiên, nhưng phải xử lý khẩn trương, kịp thời và quá trình xử lý phải tạo được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thì việc xử lý đó mới góp phần ổn định điểm nóng. Đã có không ít nơi vì xử lý kỷ luật cán bộ sau thanh tra mà điểm nóng lại tái bùng phát quyết liệt ở cả hai chiều. Chiều thứ nhất là sự bất bình cao độ của nguyên đơn, chiều thứ hai là sự quay lại phản ứng của bị đơn. Trong trường hợp này rất dễ dẫn đến hành động quá khích, gây rối... Ngoài nguyên nhân việc xử lý thiếu khách quan, nghiêm túc là việc áp dụng hình thức và tiến hành xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm ở điểm nóng làm rất hành chính, không giúp cho cán bộ, đảng viên đó thấy việc xử lý đó là đúng, không làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy sự áp dụng hình thức đó là phù hợp. Muốn giúp cho cán bộ, đảng viên có sai phạm nhận thức đúng sai phạm của mình, một mặt phải phân tích rõ tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả sai phạm do họ gây nên, sự bất bình của cán bộ, đảng viên quần chúng nhân dân đối với hành vi sai phạm của họ. Mặt khác phải xác định trách nhiệm của họ đối với phong trào nói chung, tác hại của sự việc do họ gây ra nói riêng, đồng thời chủ động tiếp xúc với đội ngũ cốt cán và quần chúng vừa nắm vững mức độ phản ứng của quần chúng vừa chủ động tham khảo, giải thích mức độ kỷ luật sẽ áp dụng để tạo ra sự thống nhất và ủng hộ.

5- Phải kịp thời củng cố hệ thống chính trị, khôi phục lại quyền lãnh đạo điều hành quản lý của hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, để thông qua đó các tổ chức chính trị ở cơ sở tổ chức quán triệt, thực hiện kết luận thanh tra theo chức năng nhiệm vụ của mình.

6- Kịp thời đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, tích cực chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân và kiến nghị bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách, pháp luật có sơ hở thiếu sót.

Từ tình hình trên, để làm tốt việc giải quyết điểm nóng nói chung, công tác hậu thanh tra nói riêng, chúng tôi đề xuất một số điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, điểm “nóng” là vấn đề phức tạp, có nhiều hoạt động vượt ra ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành, vì vậy khi đã tiến hành giải quyết điểm “nóng” thì phải đồng thời coi trọng đúng mức cả công tác thanh tra và hậu thanh tra, trong đó khi tiến hành thanh tra đã phải có kế hoạch thực hiện hậu thanh tra, thậm chí kết hợp thực hiện hậu thanh tra ngay trong quá trình thanh tra như: thu hồi tài sản thất thoát, từng bước bồi hoàn thiệt hại, tạo sự thống nhất trách nhiệm về quá trình thanh tra, kết luận thanh tra và hậu thanh tra.

Thứ hai, từng bước thể chế hoá về mặt luật pháp các thiết chế thực hiện hậu thanh tra, đặc biệt là trách nhiệm dân sự về những thiệt hại vật chất, tinh thần do các hành vi sai phạm gây ra.

Thanh tra và hậu thanh tra, giải quyết vấn đề an ninh nông thôn nhằm đem lại sự đúng đắn, công bằng trong xã hội. Nhưng giải quyết điểm “nóng” ở nông thôn cần quan tâm tới tính đặc thù của vùng, nhất là về mặt dân trí. Vì vậy, khi thanh tra và hậu thanh tra cần hết sức quan tâm giải quyết vấn đề tư tưởng giúp cán bộ, nhân dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua tuyên truyền, vận động, đối thoại với cả nguyên đơn và bị đơn, khi người dân hiểu đúng vấn đề cần giải quyết thì công việc sẽ suôn sẻ, tránh được khiếu kiện vượt cấp kéo dài gây phức tạp thêm tình hình an ninh nông thôn. Từ ý nghĩa và tính chất thiết thực của công tác tư tưởng, không chỉ với việc thanh tra và hậu thanh tra mà công tác tư tưởng còn cần được đặt ra trong các chương trình kinh tế-xã hội nói chung như: các dự án kinh tế-xã hội lớn cần phải giải toả mặt bằng, di dời dân; các công trình liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở... Công tác tư tưởng đi trước một bước và có hiệu quả sẽ góp phần tích cực giải quyết tốt các vấn đề kinh tế-xã hội ở địa phương, đơn vị./.

Nguyễn Công Chuyên

UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nam Định

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất