“Các website của các công ty truyền thông, các trang tin điện tử phát triển ồ ạt thường xuyên lấy lại các bài của các tờ báo chính thống đăng lại mà không trích nguồn, không ghi tác giả... Tình hình đó kéo dài sẽ “giết chết” báo in”.
Sáng 8/1/2009, tại TP Cần Thơ, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức gặp mặt báo chí khu vực Nam bộ. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn chủ trì buổi giao ban.
Theo báo cáo, cả nước hiện có 706 cơ quan báo chí in, có 5 báo chí điện tử, 1 hãng thông tấn quốc gia và 67 đài phát thanh truyền hình. Trong đó Khu vực Nam bộ có 132 cơ quan báo chí, riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh có 35 cơ quan báo chí.
Năm 2009, báo chí khu vực Nam bộ đã bám sát các sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày để thông tin nhanh, đầy đủ và kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện dân chủ hóa xã hội, phản ánh một số vấn đề bất cập trong hoạt động kinh tế ở địa phương.
Báo cáo năm 2009 của Bộ TT&TT chỉ ra những khuyết điểm của một số tờ báo. Trong năm 2009 có 9 cơ quan báo chí tại khu vực Nam bộ bị xử lý với 12 lượt vi phạm với tổng số tiền bị xử phạt vi phạm hành chính là 101 triệu đồng.
Đại diện của các cơ quan báo chí cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị về hợp tác, tháo gỡ những khó khăn đối với các cơ quan báo chí như tìm giải pháp tăng nguồn thu hỗ trợ hoạt động cho các cơ quan báo chí, đầu tư phương tiện tác nghiệp, học tập trao đổi nghiệp vụ,… Xây dựng các nội dung, chương trình mang dấu ấn và được độc giả đón nhận tích cực hơn.
Theo nhà báo Phạm Đức Hải, Tổng biên tập báo Tuổi trẻ TPHCM, “đọc báo bây giờ nhanh quá, chỉ cần lướt qua đã hết trang, vì các bài báo thiếu chiều sâu, thiếu định hướng. Điều kiện tác nghiệp của phóng viên cũng gặp nhiều khó khăn, các đơn vị, doanh nghiệp nhiều khi ngại cung cấp thông tin, thậm chí bưng bít thông tin...”
Nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập báo SGGP, thì cho rằng: Các website của các công ty truyền thông, các trang tin điện tử phát triển ồ ạt thường xuyên lấy lại các bài của các tờ báo chính thống đăng lại mà không trích nguồn, không ghi tác giả... Tình hình đó kéo dài sẽ “giết chết” báo in.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn ghi nhận những đóng góp của các nhà báo về những điều bất hợp lý trong công tác quản lý báo chí. Tuy nhiên trong thực tế có những việc cần có thời gian để nghiên cứu, thể nghiệm để khi điều chỉnh đảm bảo được tính đúng đắn, lâu dài.
Ông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh về tính chuyên nghiệp và chuyên sâu trong việc xây dựng các nội dung chương trình truyền hình, các chuyên mục trên báo, đài. Đồng thời cũng chỉ rõ việc quảng cáo trên báo và đài có những quy định không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Chẳng hạn quy định số trang quảng cáo trên báo không được vượt qua số trang nội dung, quy định về thời gian liên tục cho các trang quảng cáo như hiện nay cần được điều chỉnh.