|
"Người lãnh đạo là người phải luôn chấp hành tốt các quy định của Nhà nước". Ảnh: AH |
Sinh ra và lớn lên tại xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương trong một gia đình thuần nông nghèo, cuộc sống lam lũ quanh năm, chính điều này đã hun đúc anh ý chí phải tự giải thoát mình khỏi cuộc sống cơ cực và vươn lên bằng con đường học vấn. Với quyết tâm cao, đến năm 18 tuổi (1978) anh đã thi đậu vào Trường Đại học Nông nghiệp II (giờ là trường Đại học Nông Lâm Huế). Cuộc sống đầy khó khăn, vất vả nhưng anh không nản lòng, sau bốn năm nỗ lực học tập anh đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành nông nghiệp với kết quả loại ưu.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 1982 anh vào Gia Lai và công tác tại Sở Nông Nghiệp, với vai trò là một kỹ sư nông nghiệp phụ trách sản xuất. Lúc bấy giờ, hoạt động của cơ quan chưa đi vào nề nếp, pháp lệnh Bảo vệ thực vật chưa có, tình hình sản xuất cũng như ý thức phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng của người dân chưa cao…anh đều tự thân vận động, tự tìm tòi, nghiên cứu cách làm qua sách báo và áp dụng sát với thực tế cuộc sống của bà con nhân dân. Do có kiến thức chuyên môn, được đào tạo bài bản nên trong hai năm 1984 và 1985 anh được cử làm chuyên gia nông nghiệp sang giúp đỡ nước bạn Lào anh em. Sau đó anh về Việt nam và công tác tại Sở Nông nghiệp, bằng kiến thức đã học, trải nghiệm thực tế và sự tận tụy với công việc, đến năm 1994 anh đã mạnh dạn đi đầu thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu qui luật phát triển Châu chấu Đèn ở Gia Lai và cách phòng trừ có hiệu quả”, đây là đề tài cấp tỉnh đạt loại khá của anh. Với những hiệu quả công việc đã làm, anh được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai từ năm 2004 đến nay.
Anh tâm sự, có được kết qủa như ngày hôm nay là nhờ học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cái gì cũng phải học tập, học tập trên mọi lĩnh vực, học từ lâu lắm rồi chứ không phải từ khi có cuộc vận động mới học”, anh đã vận dụng cụ thể hóa từng phẩm chất sáng ngời của Bác vào từng lĩnh vực công tác, từng nhiệm vụ và tích cực tuyên truyền, vận động mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị học tập Bác và phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Với chủ đề cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” bản thân anh với cương vị là Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và là bí thư chi bộ anh luôn nhận thức sâu sắc: để trở thành người lãnh đạo tốt phải thật sự là người đi đầu trong việc chấp hành nghiêm túc chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không vi phạm qui chế của Ngành, thực hiện nghiêm nội qui, qui chế của cơ quan; thường xuyên gần gũi, chia sẻ và dìu dắt đồng chí, đồng nghiệp cùng tiến bộ cả trong công việc cũng như trong cuộc sống; phát huy nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” nên đã tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ viên chức trong cơ quan. Anh đã vận dụng nội dung chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tế của đơn vị, mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, Chi bộ Đảng xây dựng và thực hiện chủ đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức, tận tụy với công việc chỉ đạo và bảo vệ an toàn, hiệu quả cho sản xuất”. Ngay từ đầu năm, anh đã lên kế hoạch xây dựng lề lối, tác phong làm việc theo một qui trình bài bản từ chi bộ, cơ quan nên mọi việc đều được giải quyết một cách thông suốt. Thực hiện chức năng của đơn vị là điều tra, dự tính, dự báo sinh vật gây hại trên các loại cây trồng, chính anh là người đã đề xuất nhiều sáng kiến như thành lập và duy trì hoạt động 19 câu lạc bộ, tổ Bảo vệ thực vật tại các huyện, đây sẽ là nơi để bà con nhân dân trao đổi cũng như học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất. Đồng thời kịp thời tham mưu, đề xuất với các cấp chính quyền địa phương về các biện pháp phòng trừ để giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra; xây dựng các kế hoạch dài và ngắn hạn để chỉ đạo nhân dân sản xuất có hiệu quả. Thông qua các trạm Bảo vệ thực vật huyện, các tổ đội thực vật ở cơ sở, Hội Nông dân và các buổi họp dân, anh đã kịp thời chuyển tải những kiến thức, kinh nghiệm mà anh đã được học trong suốt một thời gian dài về cách phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng cũng như các tiến bộ khoa học kỷ thuật trong sản xuất đến với bà con nông dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, để có một qui trình đúng và đạt kết quả như ngày hôm nay, anh cũng đã xây dựng nhiều đề tài nghiên cứu sát với thực tế từng địa phương được cấp trên đánh giá cao. Nhờ tính kiên trì, dẫn giải dễ hiểu nên những kiến thức anh truyền đạt đều được bà con nông dân tiếp thu và áp dụng vào trong thực tế sản xuất, góp phần thay đổi tập quán canh tác, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Ngoài việc chỉ đạo làm tốt công tác chuyên môn, anh còn là một người lãnh đạo có trách nhiệm trong công tác quản lý, nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Những bài học về tấm gương đạo đức của Bác đã thấm sâu trong suy nghĩ và trở thành hành động thiết thực tại đơn vị bằng những việc làm rất nhỏ như ra qui chế chi tiêu nội bộ, khoán kinh phí cho từng bộ phận, tiết kiệm điện, nước, trang thiết bị, xăng xe…đều được cán bộ viên chức trong đơn vị thực hiện.
Đối với cơ quan anh là một cán bộ lãnh đạo đầy nhiệt huyết, đối với gia đình anh là một người chồng hết lòng thương yêu vợ con, cũng các thành viên trong gia đình phấn đấu đạt gia đình văn hóa trong cộng đồng dân cư. Đối với bà con làng xóm, anh Uyển không bao giờ suy nghĩ mình là một người lãnh đạo mà luôn coi mình là người bạn thân thiết của bà con làng xóm, sẵng sàng giúp đỡ, hỗ trợ trong sản xuất cho bà con nông dân. Anh sống chan hòa, gần gũi với mọi người và được mọi người thương yêu, quí mến, đức tính quí đó anh được học từ Bác Hồ kính yêu.
Chính vì thái độ làm việc tận tình, có trách nhiệm của anh nên liên tục 15 năm liền (1996-2010) anh đều đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 04 lần liên tục đạt chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc.
Anh tâm niệm rằng, mỗi người làm theo lời Bác đều có những việc làm cụ thể thiết thực gắn với từng nhiệm vụ, vai trò của mình. Nhưng điều quan trọng hơn cái chính là sau mỗi ngày làm theo lời Bác từ những việc dù rất nhỏ, anh đều thấy cuộc sống thật ý nghĩa, vừa để làm gương con cháu noi theo, vừa phục vụ tốt hơn cho công việc và chức trách nhiệm vụ được giao./.
Ánh Hồng (BTG Tỉnh ủy Gia Lai)