Thứ Hai, 23/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Bảy, 2/6/2012 15:17'(GMT+7)

Nếp sống mới... liệu chỉ "sống" trên giấy?

Đám cưới tập thể theo nếp sống mới tại Hiệp Hòa (Bắc Giang). (Ảnh minh hoạ)

Đám cưới tập thể theo nếp sống mới tại Hiệp Hòa (Bắc Giang). (Ảnh minh hoạ)

Vào những tháng cao điểm mùa cưới, không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp lại lo nơm nớp vì sợ lương không đủ để đi mừng đám cưới. Xem ra, chuyện cưới xin vẫn khó để mà “nếp sống mới”. Người không có điều kiện thì giết lợn, mổ gà tổ chức ở nhà; người có điều kiện hơn thì ra nhà hàng, còn có những nhà thích phô trương thì phải tổ chức tại những nơi thật sang trọng, đặt cỗ tại khách sạn bốn, năm sao! Như vậy, tùy vào mức độ thân thiết với gia chủ, tùy vào địa điểm tổ chức mà thực khách căn cứ vào đó để có phong bì “mừng” sao cho hợp lý.

Dư luận xã hội cũng như báo chí đã tốn không ít giấy mực để phê phán chuyện lãng phí, tiêu cực, khoe mẽ, phô trương khi chứng kiến cả dàn siêu xe trong lễ đón dâu của các đại gia. Nhiều gia đình, trong đó có cả những cán bộ có chức quyền, vì động cơ háo danh, vụ lợi, tổ chức đám cưới, đám tang linh đình, có những trường hợp thực chất là "bán cỗ thu tiền", mang chủ ý thiệt hơn, kinh doanh là chính.

Để góp phần thực hiện nếp sống văn minh đô thị, mới đây, UNBD Thành phố Hà Nội đã ban hành quy định về tổ chức và quản lý trong việc cưới, việc tang và lễ hội… áp dụng cho các tổ chức, cá nhân người Việt Nam; tổ chức, cá nhân người nước ngoài trên địa bàn thành phố và bắt đầu được triển khai từ tháng 6. Trong số 11 nguyên tắc thực hiện nếp sống văn minh được UBND Hà Nội quy định, việc cưới, việc tang, lễ hội phải được thực hiện trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội-giao thông...

Quy định về việc tổ chức ma chay, cưới hỏi, văn hóa lễ hội không phải bây giờ mới có, mới được ban hành. Trước đây, năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị số: 27-CT/TW liên quan đến tổ chức đám cưới, đám ma và lễ hội của người dân. Thành ủy Hà Nội cũng có Công văn (số 127-CV/TU ngày 17-4-2009) yêu cầu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên đây mới chỉ là các quy định chứ chưa được duy trì thực hiện. Có chỉ thị, có công văn nhưng dường như vẫn mang nặng tính hình thức, giống như nhiều chương trình chỉ “phát” mà không có “động” vì khi đưa vào thực hiện thì kết quả thường không “khả thi”. Ai cũng thấy, cưới xin, lễ lạt… bây giờ bị biến tướng, thương mại hóa đi nhiều nhưng cái tâm lí làm theo thì thật khó bỏ.

Quy định này ra đời có thể coi là một định hướng đúng đắn để người dân đưa nếp sống về đúng “quỹ đạo”, tuân thủ theo quy định về nếp sống văn minh của Nhà nước, phù hợp với thuần phong mĩ tục, truyền thống, đạo lý của dân tộc và khi được thực hiện tốt sẽ góp phần hạn chế sự lãng phí, tiêu cực trong đời sống xã hội.

Những quy định do UBND TP Hà Nội ban hành về việc cưới, việc tang và lễ hội lần này là phù hợp với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tập trung quán triệt, triển khai. Mọi cán bộ, đảng viên cần phải tích cực phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nếp sống mới. Hy vọng, cán bộ, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ có chức, có quyền hãy nêu gương trong tổ chức thực hiện. Hy vọng, tổ chức Đảng, cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên có biện pháp, định hướng để những quy định đó thực sự đi vào cuộc sống. Bằng không, quy định trên sẽ chỉ có ý nghĩa… trên giấy mà thôi./.

(Theo: Phúc Thắng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất