Chủ Nhật, 6/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 12/12/2009 21:22'(GMT+7)

Hà Giang: Thêm nhiều “mái ấm biên cương”

Cắt băng khánh thành Nhà bán trú dân nuôi.

Cắt băng khánh thành Nhà bán trú dân nuôi.

Hưởng ứng Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo nhất trong cả nước, Công đoàn Công ty Điện lực 1 đã phát động trong toàn thể hơn 2 vạn công đoàn viên đóng góp 314 triệu đồng, trong đó Điện lực Hà Giang góp 64 triệu đồng, để xây dựng “Nhà bán trú dân nuôi” tặng Trường Tiểu học xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Ngày 11/12/2009, công trình hết sức có ý nghĩa đối với đồng bào các dân tộc xã Ma Lé đã được chính thức đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của các em học sinh vùng cao nguyên đá từ nay có điều kiện ăn ở và học tập tốt hơn.

Ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, bày tỏ sự biết ơn về sự ủng hộ, hỗ trợ mà các cấp, các ngành trong cả nước đã và đang dành cho huyện Đồng Văn, trong đó có việc xây dựng những ngôi nhà bán trú dân nuôi - những" mái ấm biên cương" dành cho học sinh con em các dân tộc thiểu số ở những địa bàn xa xôi, hiểm trở gặp nhiều khó khăn trong việc đến trường.

Ông Vừ Sáu Pó, Bí thư Đảng ủy xã Ma Lé, cho biết mô hình “bán trú dân nuôi” đã và đang phát huy hiệu quả khi nhiều con em đồng bào không còn bị rơi vào cảnh thất học. Sự nghiệp "trồng người" đang được đẩy mạnh song song với quá trình phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng của địa phương.

Ông Vừ Sáu Pó tin tưởng việc ủng hộ những ngôi nhà bán trú dân nuôi- những “mái ấm biên cương” sẽ tiếp tục được nhân rộng trong các ngành, các cấp để con em đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc có được những nơi ăn ở, học hành ngày càng tốt hơn.

Đại diện lãnh đạo huyện Đồng Văn, Công ty điện lực 1 và các em học sinh tại lễ khánh thành Nhà bán trú dân nuôi.

Những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục của huyện Đồng Văn đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Trong hệ thống trường học, mô hình "bán trú dân nuôi" đã được áp dụng khá nhiều năm tại huyện, tạo điều kiện cho các em học sinh ở những xóm bản xa xôi, hẻo lánh cách xa trung tâm có điều kiện học tập, nâng cao trình độ văn hóa và phát triển nhân cách toàn diện.

Xuất phát từ đặc thù vùng cao núi đá, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi những dãy núi cao, dân cư sống không tập trung… trong điều kiện đó, để phát triển giáo dục, năm 1988, xã Lũng Thầu thành lập mô hình học bán trú dân nuôi đầu tiên của huyện Đồng Văn. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tự nguyện đóng góp lương thực nuôi con em mình ăn học; là nơi cung cấp nguồn học sinh cho trường Nội trú huyện, các trường THCS, PTCS…

Từ mô hình trường bán trú dân nuôi ở Lũng Thầu, đến nay, năm học 2008 – 2009 toàn huyện đã có 24 trường nội trú dân nuôi.

Qua thực tế, chất lượng giáo dục đối với các trường phổ thông có bán trú dân nuôi luôn cao hơn so với các trường phổ thông khác, tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp hằng năm luôn đạt từ 80 – 90%. Điều đó cho thấy, những “mái ấm biên cương” này đã thực sự phát huy hiệu quả trong công tác đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục ở Đồng Văn./.

(chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất