ĐƯA VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀO GIẢNG DẠY
Hà Giang là một trong những điểm sáng, là tỉnh đầu tiên triển khai mô hình “Đưa văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vào giảng dạy”.
Nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện với các nội dung và hình thức đa đạng, như: Giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và các phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian của địa phương; truyền dạy một số làn điệu dân ca của địa phương như hát cọi, hát sli, hát lượn, dân ca Lô Lô, dân ca Mông... Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp, nhiều trường học đã tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian tại địa phương, như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Nhảy lửa, lễ hội Mừng lúa mới; tổ chức các trò chơi dân gian như đánh yến, tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê… Sưu tầm, trưng bày các nhạc cụ dân tộc, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất của các dân tộc trong phòng truyền thống, thư viện, góc lớp; tổ chức các cuộc thi hát các làn điệu dân ca truyền thống, hát then, hát cọi, múa khèn, múa gậy đồng xu, làm các đồ dùng, trang phục, nhạc cụ truyền thống và giới thiệu đồ dùng, ngành nghề truyền thống như: dệt lanh, thêu trang phục; kết hợp với cách làm khác như quy định học sinh mặc trang phục dân tộc mình vào các ngày đầu tuần và các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn... Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh con người Hà Giang thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo.
XÂY DỰNG “TRƯỜNG HỌC TIÊU BIỂU, TOÀN DIỆN”
Triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, tỉnh Hà Giang xây dựng mô hình “Trường học tiêu biểu toàn diện” với nhiều nội dung như: Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, cảnh quan sư phạm nhà trường sáng, xanh, sạch đẹp; hình thành thư viện xanh ngoài trời, thư viện di động, thư viện góc lớp, thư viện khu bán trú, vườn cổ tích đối với trường mầm non, lò đốt rác, góc văn hóa truyền thống. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên, học sinh; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người học; huy động được các nguồn xã hội hóa để đầu tư cho nhà trường. Việc xây dựng mô hình “Trường học tiêu biểu toàn diện” đã được triển khai hiệu quả tại các huyện Quản Bạ, Xín Mần...
Việc triển khai mô hình này góp phần làm thay đổi diện mạo các nhà trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và lan tỏa sâu rộng tính tích cực của phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CỦA HỌC SINH QUA LỒNG GHÉP, TÍCH HỢP CÁC MÔN HỌC, HOẠT ĐỘNG CÓ ƯU THẾ
Ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng cách tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số tiết học, môn học, hoạt động có ưu thế. Cụ thể, môn Giáo dục công dân/Đạo đức, Ngữ văn, Địa lý có hoạt động trải nghiệm… Một số địa phương như huyện Quản Bạ, Xín Mần, Thành phố Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang… phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện trong việc “giáo dục, rèn luyện công tác nội vụ” cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú hướng dẫn học sinh về tác phong quân sự (gấp chăn, màn, quần áo, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp, gọn gàng,…). Qua đó, rèn kỹ năng sống, giáo dục cho học sinh ý thức vệ sinh sạch sẽ, tác phong nhanh nhẹn, rèn luyện tính ngăn nắp, gọn gàng. Ngoài ra, việc thực hiện mô hình các câu lạc bộ sở thích đã được triển khai và nhân rộng ở hầu hết các trường học, thu hút được đông đảo học sinh tham gia với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như các câu lạc bộ tiếng Anh; dân ca, dân vũ; Võ dân tộc; Khèn Mông...
DẠY TIẾNG ANH CẤP TIỂU HỌC BẰNG HÌNH THỨC TRỰC TUYẾN KẾT HỢP TRỰC TIẾP
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giáo viên dạy môn tiếng Anh cấp tiểu học hiện đang thiếu trầm trọng. Đơn cử, cả địa bàn huyện Mèo Vạc chỉ có 1 giáo viên bộ môn Tiếng Anh cấp tiểu học.
Huyện Mèo Vạc đã nghiên cứu, chỉ đạo ngành Giáo dục huyện liên hệ với một số cơ sở giáo dục có môi trường giáo dục tiên tiến ở khu vực Hà Nội để hỗ trợ, giúp đỡ. Chỉ sau một thời gian ngắn, huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án dạy học môn Tiếng Anh cho các trường tiểu học trên địa bàn bằng hình thức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Các giáo viên Tiếng Anh ở khu vực Hà Nội sẽ dạy trực tuyến qua hệ thống phần mềm Zoom; VnEdu Connect; Google meet; Microsoft teams; Viettel K12;… hoặc có hình thức phù hợp với tình hình thực tế các trường học trên địa bàn. Các trường học của huyện Mèo Vạc cử giáo viên làm nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên dạy trực tuyến, quản lý lớp học, đôn đốc, kiểm tra, giúp các em học sinh học tiếp thu kiến thức từ các giờ học trực tuyến.
Kết quả đạt được bước đầu đáng khích lệ. 100% học sinh lớp 3 trường tiểu học được học Tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong điều kiện không có giáo viên giảng dạy trực tiếp. Học sinh cơ bản lĩnh hội được kiến thức môn học, hoàn thành chương trình bài học, môn học theo quy định. Hiện tại, mô hình này mới chỉ áp dụng trên địa bàn huyện Mèo Vạc, mang lại hiệu quả nhất định mà người được hưởng lợi (được học Tiếng Anh) chính là học sinh cấp tiểu học trên địa bàn huyện Mèo Vạc.
ĐẢM BẢO CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG CHO GIÁO VIÊN MẦM NON HỢP ĐỒNG BẰNG HÌNH THỨC XÃ HỘI HÓA
Để đảm bảo chế độ chính sách tiền lương cho giáo viên mầm non hợp đồng, chính quyền huyện Xín Mần chỉ đạo ngành Giáo dục huyện trong nhiều năm qua đã làm tốt công tác vận động phụ huynh học sinh, các cá nhân, tổ chức, các mạnh thường quân và nhân dân trên địa bàn huyện đóng góp bằng hình thức tự nguyện với mô hình “Dân nuôi cô giáo”. Mỗi gia đình có con em đi học mầm non, hằng tháng góp gạo, góp tiền hỗ trợ trực tiếp cho giáo viên giảng dạy con em mình bằng tinh thần tự nguyện, tùy tâm. Mô hình này đã được gia đình, nhà trường, xã hội cùng chung sức, đồng lòng thực hiện, tạo nên kết quả, hiệu quả có tính nhân văn to lớn: Học sinh được đến lớp, đến trường, giáo viên được đảm bảo chế độ tiền lương (tiền, gạo) khi làm việc. Từ đó, hệ thống giáo dục được duy trì, đảm bảo không có điểm trắng về giáo dục...
Hiện nay, giáo viên hợp đồng đã được hưởng các chính sách tiền lương theo quy định và mô hình này tạm thời không còn thực hiện trên địa bàn huyện nhưng mô hình vẫn có tính lịch sử và đóng góp vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Hà Giang.
NHỮNG CÁCH LÀM HIỆU QUẢ
Song song với đó, ở Hà Giang, xuất hiện rất nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Huyện Đồng Văn xây dựng mô hình thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điển hình là cô giáo Dương Thị Tú Lệ, trường PTDTBT TH&THCS Thài Phìn Tủng, tự trích một phần lương của cá nhân nấu cơn cho học sinh ăn trưa để tiếp tục học vào buổi thứ 2 trong ngày. Cô giáo Trần Thị Khánh Hòa, giáo viên trường TH&THCS Sảng Tủng luôn nỗ lực cố gắng trong công tác vận động duy trì sĩ số, tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp... Các trường học đều đẩy mạnh phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chủ động, tích cực trong việc đưa văn hóa truyền thống vào nhà trường. Trường PTDTBT THCS Sủng Trái là một trường vùng khó khăn, nhưng số lượng giáo viên dạy giỏi, học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện tỉnh ngày càng tăng. Xuất hiện nhiều mô hình “Gia đình học tập”, mô hình “Cộng đồng học tập”, mô hình “Chuyển học sinh về học trường chính và sáp nhập các điểm trường”...
Huyện Yên Minh xây dựng mô hình “Câu lạc bộ học tập, câu lạc bộ tuyên truyền” của Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Yên Minh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Bên cạnh đó là các mô hình: “Tăng gia cải thiện bữa ăn bán trú cho học sinh”; “Giáo dục kỹ năng sống, văn hóa truyền thống cho học sinh”; “Xã hội hóa giáo dục” tại các trường học; “Dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, nhất là trẻ em 5 tuổi trước khi vào học lớp 1”; “Giáo dục hướng nghiệp - Định hướng tương lai tại các trường THCS trên địa bàn”.
Huyện Vị Xuyên xây dựng mô hình trong công tác tham mưu xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong công tác xã hội hóa giáo dục, giáo dục học sinh mũi nhọn, mô hình điểm trong giáo dục kỹ năng sống (Mô hình “Tập thể kết nghĩa”, “Cặp chị - em, anh - em kết nghĩa”, “Phòng ở văn minh”, “Đội cắt tóc tình nguyện”...). Xây dựng mô hình tổ chức giáo dục gắn với thực hành trong lao động sản xuất như: “Chăn nuôi, trồng rau sạch”…
Huyện Xín Mần xây dựng các mô hình: “Nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú của trường TH&THCS Tả Nhìu”; “Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”; “Vườn rau dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm”; “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh vùng khó khăn”; “Duy trì sĩ số và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”; “Xây dựng cảnh quan trường lớp xanh, sạch, đẹp”; “Thư viện thân thiện”…
Có thể khẳng định, các mô hình và cách làm hay trên đây là minh chứng sống động cho những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Hà Giang đã đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Từ đó, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang. Trong thời gian tới, Hà Giang cần bám sát chủ trương, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, căn cứ vào kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW để đề ra các giải pháp trong giáo dục và đào tạo của địa phương, trong phát triển nguồn nhân lực, hướng đến hiện thực hóa quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
TS. Nguyễn Ngọc Linh
TS. Lê Ánh Dương
Ban Tuyên giáo Trung ương