Dù không còn phổ biến như trước nhưng thời gian gần đây, dư luận xã hội vẫn nhắc đến một số trường hợp cán bộ, công chức các cơ quan trên địa bàn Hà Nội mắc một số vi phạm trong thi hành công vụ, tại nơi công cộng. Điều này cũng đặt ra vấn đề trong văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, nhất là khi thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố.
"Con sâu làm rầu nồi canh"
Các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm đều bị đơn vị quản lý xử lý, kỉ luật nghiêm, nhưng người dân vẫn không khỏi băn khoăn về văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay. Dù sao, cán bộ, công chức là những người có hiểu biết nhất định, được va chạm với nhiều tình huống trong cuộc sống, nên thường đúc rút được những kinh nghiệm trong văn hóa ứng xử ở nơi làm việc, nơi công cộng. Trước mọi vụ việc xảy ra, họ thường có ý thức nên làm gì và không nên làm gì. Bởi điều này không chỉ liên quan đến hình ảnh bản thân mà còn đến uy tín của đơn vị và của cả ngành công tác. Nhưng thực tế, chỉ do những phút thiếu kiềm chế, một số người có thể đánh mất hình ảnh nhiều năm chính họ và đồng nghiệp cùng xây dựng. Sự thiếu kiềm chế đó có thể do bộc phát hoặc do ý thức của họ chưa tốt.
Trước đây, không ít trường hợp cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố Hà Nội có những hành vi ứng xử không phù hợp với công dân trong làm việc và trong giao tiếp xã hội. Đó là cán bộ phường Văn Miếu (quận Đống Đa) vô cảm với người dân đi làm giấy chứng tử, cán bộ Sở Ngoại vụ Hà Nội đánh người già, cán bộ quận Thanh Xuân hành xử chưa đúng với người dân khi bị nhắc đỗ xe không đúng quy định, cán bộ Thanh tra giao thông Hà Nội gây rối trật tự tại sân bay Nội Bài… Những vụ việc này đều khiến dư luận hết sức quan tâm, các cơ quan chức năng phải xử lý.
Tuy nhiên, khi thành phố Hà Nội ban hành, triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, thì những vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử vẫn diễn ra. Tuy không nhiều so với trước đó, nhưng nó vẫn tạo nỗi băn khoăn cho mọi người về văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức.
Định hướng các chuẩn mực ứng xử
Từ khi thành phố Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, nhiều người tin rằng, đây sẽ là nền tảng tốt để định hướng, điều chỉnh văn hoá ứng xử của cán bộ, công chức vốn đã bị nhắc đến từ lâu. Lãnh đạo thành phố kỳ vọng, người dân phấn khởi và bản thân các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng nhanh chóng triển khai trong cán bộ, công chức.
Tại quận Bắc Từ Liêm, 100% đơn vị niêm yết công khai Quy tắc ứng xử bằng khung treo cỡ lớn, có thiết kế phù hợp dễ nhìn tại đơn vị, trụ sở quận và trụ sở 13 phường. Quận đã chỉ đạo in 450 mẫu Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đặt trên bàn làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quận và các phường. 1.200 quyển và 25.000 tờ rơi tuyên truyền quy tắc ứng xử được in và chuyển xuống các đơn vị. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà, quận cũng tổ chức các hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, bổ sung quy tắc ứng xử vào phong trào thi đua… nhằm triển khai sâu rộng trong thực tiễn.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng ban hành Hướng dẫn tổ chức thực hiện các mô hình Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Cụ thể: Mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp. Việc triển khai các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả quận, huyện, thị xã và các đơn vị. Nhiều đơn vị được chỉ định thực hiện mô hình điểm của thành phố đã tổ chức lễ ra mắt mô hình đảm bảo trang trọng, hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Một số địa phương triển khai tốt như: Quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây…
Mới đây, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng" hưởng ứng phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đối với cơ quan, thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, công sở văn minh, khoa học. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức, lối sống, đạo đức công vụ, thực hiện tốt chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, nâng cao năng lực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo kỉ luật, kỉ cương hành chính.
Trước vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức vừa diễn ra, ông Ngô Văn Nam, Trưởng Phòng xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Sở tiếp tục đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tuyên truyền quy tắc ứng xử tới cán bộ, công chức theo nhiều hình thức khác nhau, nhằm tạo chuyển biến nhận thức và hành động cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tăng cường kiểm tra việc triển khai, thực hiện quy tắc ứng xử, kịp thời điều chỉnh những nơi làm chưa tốt, biểu dương những nơi làm tốt, đồng thời nhân rộng các mô hình thực hiện quy tắc ứng xử hiệu quả. Dù việc chuyển biến nhận thức của cán bộ, công chức là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, song ngành văn hóa Hà Nội sẽ triển khai thường xuyên, liên tục theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" nhằm góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới./.
Đinh Thuận/TTXVN