Phát biểu tại buổi Hội nghị giao ban quận, huyện về công tác phòng chống tham nhũng sáng nay (25/12), Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, nhận thức của một số cấp ủy, một bộ phận cán bộ về công tác này chưa đầy đủ, sâu sắc, không thấy hết tính nghiêm trọng của vấn đề.
Bí thư Hà Nội cũng chỉ rõ việc phát hiện tham nhũng hầu như không phải do tổ chức cơ sở Đảng, do nội bộ tự phát hiện mà do quần chúng và báo chí tố giác.
"Chúng ta chưa thấy được sự mất còn của chế độ, uy tín của Đảng, cũng như chưa nhận thức hết được khó khăn, phức tạp, lâu dài đối với cuộc đấu tranh này", ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, "đáng tiếc nhiều vụ việc là do có mâu thuẫn nội bộ mới xảy ra việc tố cáo nhau chứ nếu không thì vẫn thường bao che nhau, không phải chúng ta làm thường xuyên, hàng ngày và có tính xây dựng".
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên nhân đầu tiên chính là "sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ đảng viên".
Nguyên nhân thứ hai là cơ chế nhiều sơ hở, lỏng lẻo mà như ông Nghị nói, "cơ chế của chúng ta làm cho nhiều người giàu lên một cách bất thường, thậm chí nhiều người không định làm cái đó nhưng cứ ngồi vào vị trí đó là có người khác đưa tiền đến hối lộ".
Cũng theo ông Nghị, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị hiện nay chưa thể hiện rõ: "Nhiều người than phiền, phê bình nhưng toàn nói chuyện nơi khác còn của bản thân hay của đơn vị mình thì không thật nghiêm túc".
Trước đó, báo cáo do Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh trình bày cho hay, năm 2009, Hà Nội đã triển khai khá đồng bộ nghiêm túc về công tác phòng chống tham nhũng, đã có chuyển biến tốt hơn về nhận thức và hành động trong công tác này.
Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng còn nể nang, thiếu kiên quyết, việc xử lý chỉ mới được thực hiện ở một số đơn vị.
Nhiều sở, ngành chưa xây dựng được kế hoạch công tác PCTN hoặc chưa xác định rõ lĩnh vực nào, khâu nào dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí để có biện pháp phòng ngừa cụ thể, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng...
Nhiều đơn vị chưa tham mưu đề xuất được với thành phố các biện pháp cụ thể, hữu hiệu phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo thực hiện trên địa bàn
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều cơ quan, đơn vị còn thiếu cụ thể, lãng phí trong tổ chức hội họp, tổ chức ngày lễ, đi tham quan, học tập trong nước và nước ngoài.
Tình trạng để đất hoang hóa trong các dự án treo, sử dụng đất và nhà sai mục đích, cho thuê trái phép gây lãng phí lớn chưa được khắc phục triệt để.
Đến nay toàn thành phố có 23 đơn vị để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 24 cán bộ, công chức vi phạm.
Đã đưa ra xét xử sơ thẩm 20 vụ, qua điều tra xét xử đã thu hồi trên 22 tỷ đồng
Các cấp, các ngành của TP đã tiếp hơn 32 nghìn lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo, trong đó có 89 lượt đoàn đông người.
Nội dung công dân đến khiếu nại tố cáo chủ yếu liên quan đến quy hoạch, triển khai dự án, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư...
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hơn 322 tỷ đồng. |
- Theo Cao Nhật (VietNamNet)