Dự án tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nhu cầu ưu tiên của đất nước trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp trong 5 năm từ nay tới năm 2014. Đây là bước tiếp nối của quá trình hỗ trợ thực hiện Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Dự án cũng sẽ hỗ trợ Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thực hiện nghiên cứu một số nội dung mang tính chất liên ngành nhằm thực thi Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020. Một phần hoạt động của dự án sẽ hướng tới việc tăng cường quan hệ đối tác và điều phối viện trợ giữa Chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức xã hội khác. Dự án được các nhà tài trợ song phương hỗ trợ thông qua Quỹ chung Một Liên hợp quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” sẽ góp phần tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới, mở ra một thời kỳ mới trong sự hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Việc triển khai dự án này cùng với những dự án đã được ký kết với các đối tác truyền thống khác sẽ là một trong những hoạt động thực hiện các mục tiêu đã và sẽ đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm của Việt Nam, kế hoạch chung thực hiện Sáng kiến Một Liên hợp quốc và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia UNDP nói: Phấn đấu để đạt mức thu nhập của người dân trung bình sẽ là một thử thách đối với công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam, điều này đòi hỏi cần phải có một nhà nước pháp quyền và khả năng tiếp cận công lý sâu rộng hơn và người nghèo cần được trao quyền pháp lý mạnh mẽ hơn. Dự án này thể hiện việc UNDP sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ những nỗ lực cải cách quan trọng này.
Dự án gồm 5 hợp phần là hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật; điều phối quan hệ đối tác giữa Chính phủ, các nhà tài trợ và các chủ thể khác để thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp; tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền; đẩy mạnh cải cách tư pháp thông qua việc hỗ trợ nghiên cứu các nội dung và sáng kiến mang tính liên ngành./.
TG- TTXVN