Thứ Hai, 11/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 30/9/2016 20:43'(GMT+7)

Tưng bừng Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận, Bình Thuận

Đoàn rước Y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính.

Đoàn rước Y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính.

Đây là dịp để đồng bào Chăm đến viếng và dâng lễ tại các đền, tháp Chăm, nhằm tỏ lòng biết ơn các vị thần, tổ sư đã dạy nghề; độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, giúp đồng bào có cuộc sống ngày càng sung túc.

Đến với lễ hội Katê, du khách sẽ được hòa mình cùng những cô gái Chăm duyên dáng với trang phục áo dài truyền thống của phụ nữ Chăm bằng các điệu múa Ap-sa-ra, múa quạt hòa quyện với âm thanh độc đáo, đặc sắc của tiếng trống Pa-ra-nưng, tiếng kèn Sa-ra-nai réo rắt và thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Chăm mà chỉ có vào dịp Lễ hội Katê.

Sau khi kết thúc phần lễ tại các đền, tháp, đồng bào Chăm mở hội vui chơi ở các thôn, làng. Lễ hội Katê là dịp nhắc nhở đồng bào Chăm luôn tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kể trồng cây”. Cũng như luôn nhớ ơn Bác Hồ kính yêu, Đảng, Nhà nước đã mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân tộc.

Lễ hội kết thúc vào ngày 3-10.

* Trong hai ngày 29 và 30-9, tại Tháp Pô Sha Inư, TP Phan Thiết (Bình Thuận), Lễ hội Katê năm 2016 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn tỉnh Bình Thuận đã được tổ chức theo phong tục truyền thống.

Lễ hội Katê được phục dựng tại Di tích cấp quốc gia Pô Sha Inư với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc vốn có trong lịch sử, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Đồng thời, lễ hội còn mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cho sự hòa hợp lứa đôi, sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.


Nội dung của lễ hội năm nay gồm hai phần. Phần Lễ, được tổ chức theo phong tục truyền thống với các nghi thức như: các chức sắc tôn giáo Bà-la-môn, Bà-ni thực hiện cúng Lễ Cầu an tại Tháp chính; thỉnh và rước Y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính; Lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni… Phần Hội gồm nhiều hoạt động phong phú, mang đậm nét văn hóa dân tộc Chăm như trình diễn nghề truyền thống của dân tộc Chăm; trình diễn nhạc cụ truyền thống, giới thiệu trang phục và điệu múa truyền thống của dân tộc Chăm cùng các trò chơi dân gian...

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn được bắt đầu từ đền, tháp sau đó đến play (làng), từng gia đình và được tổ chức trong suốt tháng bảy lịch Chăm (khoảng từ ngày 25-9 đến 5-10 dương lịch).

Trình diễn dệt thổ cẩm của người Chăm tại Lễ hội Katê 2016.

Bình Thuận là một trong những tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Chăm luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm. Hiện nay, Bình Thuận có sáu di tích văn hóa dân tộc Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã đi thăm, tặng quà chúc đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở các địa phương trong tỉnh đón mùa Lễ hội Ka tê vui tươi, an lành và tiết kiệm.

NGUYỄN TRUNG, ĐÌNH CHÂU (nhandan.com.vn)


















Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất