Năm 2009, ngành thông tin truyền thông sẽ tham gia xây dựng văn minh đô thị thông qua ý tưởng xây dựng thí điểm “thành phố không có dây” giống như một số thành phố lớn của các nước trong khu vực.
Từ “đường phố không dây” đến “thành phố không dây”
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết ý tưởng này đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương. Sắp tới, Bộ sẽ làm việc với lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM. “Chủ trương là xây dựng hai thành phố văn minh, lịch sự, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Một trong những công việc cụ thể là phải đưa các loại dây trên mặt đất xuống lòng đất, thành phố phải dần chia tay với các loại dây mạng nhện chằng chịt hiện nay”.
Nguyên tắc xây dựng thành phố văn minh - không dây là những khu quy hoạch mới, những tuyến đường mới thì xây dựng cơ sở hạ tầng trước (cáp ngầm, hệ thống cấp thoát nước, dây điện, viễn thông... trong lòng đất), rồi xây dựng các công trình xây dựng, nhà ở sau. Còn những thành phố, khu vực cũ đã xây dựng từ trước thì sẽ cải thiện theo từng tuyến đường theo nguyên tắc hình thành những đường phố không dây, tiến tới những thành phố không dây.
Doanh nghiệp trả phí “ngầm hóa”
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ động lập đề án về hạ tầng, khi thành phố đưa ra chủ trương đưa dây xuống lòng đất, doanh nghiệp nào, ngành nào muốn đưa dây xuống thì phải trả phí. Nhà nước sẽ làm sẵn đường ống ngầm, các lĩnh vực dây khác sẽ chỉ gửi đường ống ngầm của mình giống như một hình thức thuê đường ống. Điều này sẽ làm cho chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc mỗi ngành đều mạnh ai nấy đào đường. Chi phí theo cách này chỉ mất khoảng 15%-20% so với chi phí đào đường hiện nay.
Về kinh phí của dự án, ông Hợp cho biết sẽ lập đề án để triển khai. Vì số tiền đầu tư ban đầu rất lớn nên phải tính đến việc đề xuất kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng trong gói kích cầu, kết hợp với xã hội hóa, doanh nghiệp bỏ ra rồi trừ khấu hao, kinh doanh có lời thì được hưởng phần lợi nhuận tương ứng. Cách làm này vừa đỡ tốn kém mà lại đẹp đường phố, xóa hẳn tình trạng “mạng nhện” trên các đường phố.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết hiện nay trừ điện, còn lại các loại dây cáp viễn thông, điện thoại, Internet... đều thuộc ngành thông tin, truyền thông. Vì vậy, Bộ sẽ phải chủ trương giải quyết tình trạng “mạng nhện” tại Hà Nội và TP.HCM. Ngay trong quý I-2009, Bộ sẽ làm việc với ngành điện để thống nhất cách làm sao cho hiệu quả nhất, kịp thời gian kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Cần xây hệ thống cống đủ chuẩn
Theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, các nước khác thường xây dựng hạ tầng ngầm trong lòng đất trước rồi mới xây dựng nhà ở, khu dân cư và các công trình kiến trúc trên mặt đất. Còn tại nước ta, cả hai thành phố thí điểm đều làm ngược lại, hạ tầng chưa có nhưng đã xây xong nhà rồi. Do đó, việc đưa “mạng nhện” xuống lòng đất sẽ rất khó khăn.
Về nguyên tắc, xây dựng thành phố mới phải làm làn đường có hệ thống cống lớn trong lòng đất để có thể đi kiểm tra, sửa chữa và nối dây mới khi khách hàng có nhu cầu sử dụng. Lòng cống phải có hai hệ thống: hệ thống thoát thải (xử lý nước thải), hệ thống nước mưa và nước mặt đổ thẳng ra sông. Cả hai hệ thống này làm chung trong lòng cống. Bên trên hai đường cống này cần làm những hệ thống gen: điện, cấp nước sạch, cáp, âm gas, viễn thông... Mọi thao tác sửa chữa khi đó sẽ rất thuận tiện, không phải đào lên lấp xuống hoài như hiện nay.
Đối với đô thị cần có một “nhạc trưởng” có thể phối hợp các ngành liên quan để đầu tư cả cụm chứ không phải “ông điện đầu tư trước, ông nước đầu tư sau, ông viễn thông đầu tư ở giữa”. Giống như xây ngôi nhà, kiến trúc sư sẽ thiết kế cả hệ thống điện nước, điện thoại, viễn thông, cáp gen... bên cạnh việc thiết kế kiến trúc ngôi nhà. Kinh phí thì có nhiều cách làm: từ ngân sách và xã hội hóa. Đối với đô thị mới nên đầu tư đồng bộ ngay từ đầu, nhà nước hoặc tư nhân làm chủ đầu tư. Sau khi nhà nước nghiệm thu hệ thống ngầm xong mới cho xây dưng công trình trên mặt đất.
(Theo VnMedia)