Vừa qua, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) ĐH Quốc gia TP.HCM công bố sản xuất thử nghiệm thành công 1 loại chip vi xử lý cho phép tăng tốc độ xử lý và dung lượng bộ nhớ lên 4 lần. Con chip “Designed by Việt Nam” hứa hẹn là viên gạch đầu vững chắc để các kỹ sư tại đây xây dựng tiếp ngành công nghiệp vi mạch còn non trẻ của Việt Nam.
Lần đầu tiên Việt Nam thiết kế hoàn chỉnh được Chip thương mại
Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) nằm khiêm nhường trong khuôn viên Đại học QG TPHCM… Với lĩnh vực chính là thiết kế vi mạch, ICDREC chính là trung tâm đầu tiên của cả nước chuyên nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vi xử lý 8/16/32 bit và phát triển ứng dụng của nó.
Tại đây, tập thể các thầy giáo đã vừa được đón nhận niềm vui sau hơn một năm miệt mài nghiên cứu. Con chip SG – V81, “Designed by Việt Nam” đầu tiên đã được chế tạo thử nghiệm thành công và đang có kế hoạch thương mại hóa ở thị trường trong nước.
GS.TSKH Đặng Lương Mô, Cố vấn của Giám đốc Đại học QGTPHCM đánh giá sự kiện này cho thấy một tín hiện rất đáng mừng của ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam. “Còn đối với ICDREC, họ đã cho thấy các kỹ sư Việt đã có thể ngang tầm với những nơi khác, ít nhất là về mặt thiết kế hoàn chỉnh một con Chip thương mại.” – GS Mô nói.
Theo Thạc sỹ Ngô Đức Hoàng, chủ nhiệm dự án sản xuất chip thương mại, so với một số chip nhập ngoại thì SG-8V1có những ưu thế vượt trội hơn hẳn về mặt kỹ thuật.
Con Chip của Việt Nam có thể tăng tốc độ xử lý lên 4 lần, có dung lượng bộ nhớ tăng gấp 4 lần bởi kiến trúc Pipeline 5 tầng, trong khi đó một số Chip do hãng Atmel hay Microchip của Mỹ sản xuất mới chỉ có kiến trúc 2 tầng. Những cuộc thử nghiệm đã cho thấy được khả năng vượt trội của SG – 8V1, tuy nhiên để dòng Chip này nhanh chóng đến được với các đối tượng sử dụng lại là chuyện khác.
Khó khăn lớn nhất là việc Việt Nam vẫn chưa có nhà máy sản xuất Chip, chính vì thế con Chip này được hoàn thiện thiết kế tại Việt Nam sau đó gửi ra nước ngoài sản xuất hàng loạt cũng như đóng gói. Đầu tư cho một nhà máy sản xuất Chip tiêu tốn một khoản tiền từ 1 – 3 tỷ USD, điều này thực sự ngoài tầm với của Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh.
Triển vọng khả năng thương mại hóa…
Không ít người đã cho rằng thị trường dành cho Chip vi xử lý 8 bit là không có nhiều khi mà trong thời điểm hiện tại chúng ta không còn đặt ra vấn đề sản xuất máy vi tính 8 bit, 16 bit. Các chip 8 bit, 16 không còn được sử dụng trong các máy tính – điều đó đúng, tuy nhiên, thị trường còn lại dành cho loại Chip VXL này thì vẫn còn rộng mở. Các lĩnh vực như: gia công sản phẩm nhúng, thiết bị dân dụng, thiết bị cầm tay là những nơi mà Chip VXL 8 bit có thể phát huy cao nhất hiệu quả của nó. Thực tế, trên thế giới vẫn còn nhiều công ty đầu tư mạnh vào Chip VXL 8 bit như: Microchip, ST Microelectonics, Toshiba, NEC, Renesas…
Chip SG-8V1 có khả năng ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, dùng cho các thiết bị điện tử dân dụng như máy giặt, điều hòa, tủ lạnh; phục vụ cho đào tạo, cho mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đặc biệt SG – 8V1 có thể phục vụ trong các ứng dụng quốc phòng, khai thác thăm dò… Trong thời gian dài vừa qua, thị trường này chủ yếu sử dụng các thiết bị nhập linh kiện từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Khi được đưa ra thị trường, bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, việc khai thác thị trường có tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng thực sự của SG – 8V1 cũng như các kế hoạch kinh doanh hợp lý của ICDREC. Muốn cạnh tranh với các dòng Chip nhập ngoại, con chip Việt Nam phải đảm bảo được những ưu thế vượt trội mà giá thành lại phải mềm hơn.
GS.TSKH Đặng Lương Mô phân tích rằng “Đã có những con chíp có sẵn trên thị trường rồi, mình phải làm sao cho nó công phu, nó tốt hơn. Giá cả phải rẻ hơn mà những tính năng nó không được thua kém, hoặc có thể là phải chất lượng phải tốt hơn các con chip khác thì mới có thể bán được”.
Trung tâm ICDREC cho biết Chip vi xử lý thương mại SG-8V1 có giá thành rẻ hơn 30% so với các Chip nhập ngoại hiện đang có trên thị trường Việt Nam.
Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, Dự án sản xuất thử nghiệm SG-8V1 sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm (2009-2011) có nhiệm vụ sản xuất 150.000 chip SG-8V1 và các công cụ hỗ trợ cho người dùng trong việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng chip SG-8V1.
Hiện tại, ICDREC đã gửi bản thiết kế SG-8V1 sang Mỹ, lô hàng đầu tiên sẽ hoàn thành vào tháng 3/2010 và gửi về Việt Nam. Về kế hoạch đưa ra thị trường lô hàng đầu tiên Chip VXL thương mại của Việt Nam, Thạc sỹ Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC - chủ nhiệm dự án sản xuất Chip thương mại SG – 8V1 cho biết “ICDREC sẽ dành 10 % số lượng cho việc quảng bá Chip - điều này rất quan trọng vì đây là Chip đầu tiên của Việt Nam. Chúng ta phải làm sao để mọi người tin tưởng vào chất lượng Chip Việt Nam… ICDREC cũng dự định dành 20% dành cho phân khúc thị trường cho các trung tâm dạy nghề, các trường đại học và cuối cùng là tập trung cho lĩnh vực công nghiệp, dành cho các nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử, dân dụng”.
Việc ICDREC tự thiết kế được hoàn thiện một con chip thương mại là một tín hiệu mừng cho ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam. Quá trình sản phẩm này chinh phục được thị trường vẫn còn là bài toán đòi hỏi nhiều lời giải, tuy nhiên, chúng ta hy vọng, SG-8V1 sẽ thành công để tạo đà cho sự ra đời của các thế hệ chip “made in Việt Nam” cao cấp hơn với những khả năng ứng dụng rộng rãi hơn. Không thể phủ nhận rằng, ngành công nghiệp vi mạch đang chịu trách nhiệm quyết định trong “cán cân” giá thành và chất lượng của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa… Hy vọng, với việc SG – 8V1 ra đời, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm điện tử tốt mà giá lại rất phải chăng.
(Theo cuocsongso)