Thứ Hai, 23/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 21/1/2009 9:7'(GMT+7)

Chính phủ điện tử tại Hàn Quốc

Đ/c Trần Minh Tiến (giữa), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CNTT của cơ quan Đảng, Trưởng đoàn nghiên cứu, khảo sát tại cơ quan thực thi Chính phủ điển tử thành phố Seoul, Hà Quốc

Đ/c Trần Minh Tiến (giữa), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CNTT của cơ quan Đảng, Trưởng đoàn nghiên cứu, khảo sát tại cơ quan thực thi Chính phủ điển tử thành phố Seoul, Hà Quốc

Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) phát triển mạnh, thẩm thấu và trở thành bộ phận hữu cơ trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, thúc đẩy xã hội chuyển sang xã hội thông tin, kinh tế công nghiệp chuyển sang kinh tế tri thức. Để bắt kịp với xu thế phát triển này, tháng 6/2008, Chính phủ Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Li Miêng Pắc đã công bố “Tầm nhìn và những Chiến lược mới về thông tin hóa Quốc gia”. Tầm nhìn tổng quát là “Hoàn thiện xã hội tri thức thông tin tiên tiến bằng sức sáng tạo và niềm tin” với 5 mục tiêu và 4 chiến lược hành động. Từ đó, Chính phủ đã thay đổi hệ thống quản lý nhà nước, hình thành các bộ, ngành theo hướng tập trung đưa đất nước phát triển xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Tham gia chỉ đạo quá trình tin học hóa quốc gia hiện nay chỉ có 8 cơ quan là:

1- Ủy ban Thúc đẩy tin học hóa, là cơ quan cao nhất được thành lập theo Luật thúc đẩy tin học hóa, do Thủ tướng đứng đầu.

2- Bộ Hành chính công và An ninh, là cơ quan thực hiện các chức năng quản lý tổng thể về chính sách tin học hóa quốc gia, xử lý các ý kiến phản ứng, phát triển chính phủ điện tử.

3- Bộ Kinh tế Tri thức, là cơ quan quản lý các chính sách về thông tin viễn thông bao gồm mở rộng thương mại điện tử, tin học hóa ngành công nghiệp, phát hiện và nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới.

4- Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc, là tổ chức quản lý các chính sách phát thanh, truyền thông, Internet và hội tụ khắp mọi nơi.

5- Cục Xã hội Thông tin Quốc gia, là cơ quan đặc biệt giữ nhiều vai trò chủ chốt về tin học hóa quốc gia, hỗ trợ công nghệ và chính sách về CNTT&TT.

6- Cơ quan Cơ hội số và Thúc đẩy của Hàn Quốc, là một tổ chức đặc biệt chuyên hỗ trợ phổ biến CNTT&TT khắp mọi nơi nhằm loại trừ khoảng cách số trong nước và quốc tế cũng như thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn thông tin tri thức trong nước.

7- Cục An ninh Thông tin Hàn Quốc, là tổ chức quản lý các chính sách về an ninh thông tin của Hàn Quốc.

8- Cục Phát triển Internet Quốc gia, là tổ chức bảo đảm an ninh và quản lý hiệu quả nguồn dữ liệu tên miền Internet.

Giai đoạn 2003-2007, mô hình Chính phủ điện tử của Hàn Quốc đã giành được nhiều giải thưởng của các tổ chức quốc tế như : KISS (giải thưởng dịch vụ công của Liên hợp quốc - 2007), INVIL (Giải thưởng diễn đàn Chính phủ điện tửthế giới - 2006), KONEPS (2006); Khối OECD (Dịch vụ thuế tại nhà HTS - 2006),… . Nhờ triển khai Chính phủ điện tử nên Hàn Quốc đã tinh giảm khoảng 9.000 biên chế ở 9 lĩnh vực, tiết kiệm được khoảng 18 tỉ won. Một số điển hình trong giai đoạn này của Chính phủ điện tử Hàn Quốc là :

Dịch vụ phục vụ công dân trực tuyến – Kết quả: Giải đáp trực tuyến 4.400 loại câu hỏi, cung cấp 592 mẫu đơn các loại về đăng ký kinh doanh, sản xuất, nộp thế… Cấp phép trực tuyến 34 loại. Năm 2007 có trên 15 triệu đơn đăng ký các loại nộp qua mạng, cấp trên 7 triệu giấy phép. Trong việc giải quyết các thủ tục hành chính với công dân: thời gian giảm từ 12 ngày (2005) xuống còn 6,5 ngày (2007), các thủ tục có nhiều cơ quan tham gia giải quyết giảm từ 44 cơ quan (2005) xuống còn 22 cơ quan (2007), mức độ hài lòng của công dân năm 2007 là 45,9%.

- Hệ thống chia sẻ thông tin chính phủ. Kết quả: Các cơ quan chính phủ chia sẻ 66 dạng thông tin quản lý hành chính như nơi cư trú, tài sản, xe, loại hình kinh doanh… Tháng 3/2008 đã có 347 tổ chức tham gia (thuộc chính phủ là 281) với trên 27 triệu thông tin.

Dịch vụ mua hàng qua mạng. Kết quả: Có khoảng 35.000 tổ chức công và 170.000 công ty đăng ký sử dụng theo nguyên tắc đăng ký một lần, tiết kiệm được 4,5 tỉ USD mỗi năm, thời gian đấu thầu giảm từ nửa ngày xuống còn 1 phút, độ minh bạch cao.

Dịch vụ hải quan điện tử. Kết quả: Thủ tục xuất khẩu giảm còn 2 phút, nhập khẩu còn 1 giờ 30 phút, nhập cảnh còn 25 phút, tiết kiệm 2,5 tỉ USD mỗi năm.

Đào tạo và học tập trên mạng. Kết quả: 100% các trường từ bậc tiểu học và phổ thông đã được nối mạng tốc độ cao ở mức E1, cứ 5 học sinh có 1 máy tính. Có hơn 8.000 loại hình đào tạo trên mạng. Cung cấp các thủ tục trực tuyến về đào tạo.

Từ năm 2006, các thuật ngữ về Chính phủ điện tử của Hàn Quốc đã chuyển từ tiếp đầu ngữ (e-) sang (u- là chữ viết tắt của ubiquitous), hàm nghĩa là khắp mọi nơi, đâu đâu cũng có, ví dụ u-Government, u-City, u-School, u-Learning, u-Trade Hub… Một số mô hình điển hình về Chính phủ khắp mọi nơi là:

Seoul khắp mọi nơi (u-Seoul): Thủ đô Seoul từ năm 2003 đã có kế hoạch tổng thể phát triển Chính phủ điện tử, đến năm 2005 đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng hệ thống Chính phủ điện tử thủ đô Seoul gồm: dịch vụ một lần nhấp chuột, trung tâm dữ liệu Seoul, hệ thống quảng bá Chính phủ điện tử thủ đô Seoul. Năm 2007 đã được gọi là u-Seoul với sự tham gia khắp mọi nơi của người dân qua các hệ thống như: dịch vụ tương tác và tuỳ biến, hệ thống quản lý đô thị trên cơ sở sử dụng hệ thống thông tin bản đồ GIS và các dịch vụ khắp mọi nơi khác. Mục tiêu đến năm 2010 của u-Seoul là hiện thực hóa Chính phủ điện tử và dân chủ điện tử, hệ thống quản lý đô thị thông minh trên cơ sở sử dụng hệ thống thông tin bản đồ (GIS), siêu xa lộ thông tin Chính phủ điện tử thành phố Seoul (u-Seoul Net).

Trung tâm thương mại khắp mọi nơi (u-Trade Hub) là một hệ thống thương mại điện tử cung cấp cho các công ty thương mại toàn bộ các nghiệp vụ thương mại, giảm bớt các tài liệu điện tử và các thủ tục phân phối, tiết kiệm và giảm nhân sự. Hiện tại hệ thống này của Hàn Quốc đã cung cấp 301 loại dịch vụ, liên kết tới 39 ngân hàng, 9.477 công ty thương mại, 53 tổ chức liên quan khác.

Qua những trải nghiệm thực tế về mô hình Chính phủ điện tử của Hàn Quốc, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cơ bản sau:

1. Kiến trúc công nghệ thông tin (ITA): do nhận thức được những thiếu sót trong chương trình Chính phủ điện tử giai đoạn 1 đều do chưa có kiến trúc CNTT quốc gia thống nhất nên tháng 12/2005 Quốc hội Hàn Quốc mới ban hành luật “Xây dựng và duy trì có hiệu quả hệ thống thông tin quốc gia” để triển khai kiến trúc CNTT quốc gia. Kiến trúc CNTT được xem là trọng tâm của chương trình Chính phủ điện tử giai đoạn 2 của Hàn Quốc, nhằm đánh giá hiệu quả đầu tư về CNTT&TT, giảm đầu tư trùng lắp và tăng khả năng tích hợp. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là triển khai thử nghiệm từng bước: Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Nội vụ (2004), Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư (2005) sau đó mới mở rộng kiến trúc CNTT quốc gia đến tất cả các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đồng thời với việc đào tạo đội ngũ kiến trúc sư về kiến trúc CNTT quốc gia để tăng cường năng lực về kiến trúc CNTT trong các cơ quan nhà nước, Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các diễn đàn về kiến trúc CNTT...

2. Môi trường chính sách

Những chính sách về Chính phủ điện tử của Hàn Quốc tập trung nâng cao khuôn khổ pháp lý để tiến tới số hóa tất cả các hoạt động của chính phủ, phát triển các yếu tố cơ sở cho Chính phủ điện tử, phát triển các ngành nghề mới liên quan đến Chính phủ điện tử (đào tạo trực tuyến, y tế trực tuyến…), số hóa các ngành nghề, củng cố các dịch vụ sử dụng CNTT&TT. Chính phủ Hàn Quốc đã thiết kế nhiều chương trình khác nhau để hỗ trợ phát triển 3 yếu tố cơ bản là công nghệ, nguồn nhân lực và các tiêu chuẩn Chính phủ điện tử như: chương trình hỗ trợ phát triển tích hợp, ứng dụng và công nghệ cơ bản; lập "Bản đồ công nghệ" phản ánh những xu hướng công nghệ trên thế giới và trong nước; "Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực Chính phủ điện tử”, hỗ trợ các trường đại học xây dựng giáo trình điện tử, đào tạo nhân lực cho địa phương, xây học viện ảo cho phụ nữ tham gia, hỗ trợ học chương trình thạc sỹ tại nước ngoài…

3. Hỗ trợ doanh nghiệp

Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình tin học hóa do thiếu tài chính, nhân sự và chiến lược dài hạn. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống Chính phủ vì doanh nghiệp, cổng dịch vụ một cửa dành cho doanh nghiệp: u-Trade Hub, dịch vụ hải quan điện tử, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp một lần…

4. Quan tâm đến lợi ích người dân

Chính phủ điện tử sẽ không thể thành công nếu như người dân không nhìn thấy được lợi ích của họ trong đó. Giai đoạn 1987-1995, Hàn Quốc chú trọng vào xây dựng một hệ thống thông tin quốc gia tạo thành một cơ sở dữ liệu nền tảng và hình thành thói quen tra cứu thông tin liên quan đến Chính phủ qua mạng. Giai đoạn 1995-2001, các dịch vụ hành chính công của Chính phủ Hàn Quốc đã được đưa dần lên mạng Internet, tập cho người dân thói quen làm việc theo các cơ chế “một cửa” và phong cách làm việc không giấy với nền tảng quan trọng là ban hành Luật khuyến khích tin học hóa dịch vụ hành chính (1995). Từ năm 2001, Hàn Quốc phát triển các dịch vụ và thủ tục tương tác với người dân, từ đó hình thành một mối quan hệ mật thiết giữa các mô hình Chính phủ vì người dân, Chính phủ vì doanh nghiệp và Chính phủ vì Chính phủ.

5. Cơ chế tài chính cho các dự án CNTT&TT

Ngân sách cho các dự án tin học hóa và Chính phủ điện tử của Hàn Quốc được cấp chủ yếu từ ba nguồn:

Ngân sách chung cho các dự án tin học hóa: được phân bổ trong ngân sách đầu tư và chi thường xuyên của mỗi bộ, ngành và địa phương theo kế hoạch hàng năm.

Ngân sách cho các dự án thuộc chương trình Chính phủ điện tử: tập trung tại Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ giám sát. Cục Xã hội thông tin Quốc gia (NIA) trực tiếp quản lý và sử dụng vào các dự án tin học hóa mang tính liên bộ, ngành và địa phương.

Quỹ Thúc đẩy tin học hóa: do Bộ trưởng Bộ Hành chính và An ninh công (MOPAS) toàn quyền quyết định. Quỹ này sử dụng vốn cho vay của chính phủ, đóng góp theo tỷ lệ doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp viễn thông và lợi nhuận do hoạt động đầu tư của quỹ mang lại.

6. Nguyên tắc công bằng, minh bạch và công khai trong cải cách hành chính

Công cuộc cải cách chế độ công vụ và công chức của Hàn Quốc được triển khai theo hướng đổi mới cơ chế tuyển dụng, đưa yếu tố cạnh tranh vào chế độ tuyển dụng trên nguyên tắc công bằng, minh bạch và công khai; đồng thời, xây dựng cơ chế đánh giá công chức gắn với điều chỉnh hợp lý hóa chế độ tiền lương. Đến nay, bình quân 1.000 dân chỉ cần 27 công chức nhờ ứng dụng Chính phủ điện tử kết nối mạng trực tuyến từ trung ương đến địa phương và ngược lại, 100% công việc liên quan đến thủ tục hành chính được thực hiện trên máy tính. Người dân không phải đến các cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục.

7. Vai trò lãnh đạo

Ủy ban Thúc đầy tin học hóa (IPC), là cơ quan cao nhất do Thủ tướng đứng đầu, 24 Bộ trưởng là ủy viên, thường trực là Bộ hành chính và an ninh công . Ban Điều hành thuộc IPC là 24 Thứ trưởng, Ban Tư vấn gồm các thành viên là chuyên gia và đại diện doanh nghiệp.

Giai đoạn 1998-2002 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Kim Tê Chung, Hàn Quốc đã xây dựng thành công cơ sở hạ tầng CNTT&TT, nền tảng cơ bản của giai đoạn là “trực tuyến”. Giai đoạn 2003-2007, Tổng thống Rô Mu Hiên đẩy mạnh quá trình tin học hóa, nền tảng cơ bản là “Internet” dần chuyển sang “khắp mọi nơi”. Tổng thống Li Miêng Pắc mới lên nắm quyền tháng 2/2008 đã ban bố chiến lược tin học hóa quốc gia mới với mục tiêu mở rộng nhiều loại hình dịch vụ điện tử, nền tảng cơ bản của giai đoạn 2008-2012 là “tri thức”.

Tại Việt Nam, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử đang thực hiện triển khai ở những bước ban đầu, chúng ta có thể tham khảo ở mô hình của Hàn Quốc một số điểm sau:

- Cần có tầm nhìn và chiến lược bắt kịp với xu thế thời đại, xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức, theo đó đổi mới tổ chức, đổi mới bộ máy quản lý nhà nước cho phù hợp để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đề ra.

- Cơ sở hạ tầng phải hiện đại, đi trước một bước bắt kịp với xu thế hội tụ và phải được đầu tư đúng mức.

- Thông tin hóa, xây dựng xã hội thông tin là nhiệm vụ của quốc gia, người dân và chính phủ phải cộng tác chặt chẽ, tập trung ưu tiên thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài của đất nước .

- Để thực hiện thông tin hóa có hiệu quả cần có kiến trúc CNTT quốc gia, chuẩn thông tin và chuẩn công nghệ, triển khai từng bước vững chắc.

- Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi đôi với việc cải cách đổi mới các hoạt động của chính phủ và phải lấy người dân, hướng tới hiệu quả sử dụng làm trung tâm.

- Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng, tuy mặt bằng trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau song nhiều kinh nghiệm của Hàn Quốc có thể nghiên cứu để điều chỉnh, vận dụng vào nước ta, vào hệ thống ứng dụng CNTT&TT trong các cơ quan Đảng.

(Nguyễn Phương Anh - Uỷ viên chuyên trách Ban Thư ký,
Ban Chỉ đạo CNTT của cơ quan Đảng)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất