Chủ Nhật, 13/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 21/2/2014 15:59'(GMT+7)

Hà Tĩnh: Can Lộc đi đầu trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Những công trình nghiên cứu của các địa phương, đơn vị đã được xuất bản

Những công trình nghiên cứu của các địa phương, đơn vị đã được xuất bản

Từ khi thực hiện Chỉ thị 15-CT/TƯ ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) và Chỉ thị 22-CT/TU ngày 28-12-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh (khoá XVI) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, các cấp uỷ Đảng từ huyện đến các xã, thị trấn của huyện Can Lộc đã quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng; nhiều công trình, chuyên đề lịch sử có giá trị đã được triển khai nghiên cứu, biên soạn và xuất bản. Can Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành 23/23 công trình lịch sử đảng bộ cơ sở các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện.

Để việc biên soạn lịch sử Đảng đạt mục đích, yêu cầu và thời gian đề ra, các địa phương, đơn vị đã tiến hành xây dựng đề cương, phân kỳ của từng giai đoạn lịch sử, thành lập ban chỉ đạo, ban biên soạn, trên cơ sở đó tiến hành tổ chức các cuộc hội thảo, khai thác tư liệu, gặp gỡ, trao đổi với các nhân chứng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia theo từng lĩnh vực. Đặc biệt, với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa có sự thống nhất, các đơn vị đã trưng cầu ý kiến rộng rãi trong nhân dân, nhất là các cụ cao tuổi, tạo được sự thống nhất cao, đồng thuận, giúp đỡ để việc tái hiện các cứ liệu lịch sử đảm bảo các yêu cầu về độ chính xác, mang đậm nét truyền thống, yếu tố lịch sử của từng địa phương, đơn vị.

Công tác chỉ đạo biên soạn các công trình là khâu hết sức quan trọng, để tránh sai sót, cấp uỷ cơ sở đã tuân thủ đúng quy trình, từ thành lập Ban chỉ đạo, Ban biên soạn; dự trù kinh phí; thu thập tư liệu thông qua các nguồn tài liệu, nhân chứng sống; xây dựng bản thảo; xin ý kiến thẩm định của tập thể Ban Thường vụ, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Huyện uỷ trước khi xuất bản. Chính vì vậy, các công trình lịch sử được xuất bản đều đảm bảo tính Đảng, tính định hướng tư tưởng; phản ánh khách quan, trung thực những sự kiện lịch sử, các bài học kinh nghiệm lịch sử.

Nhờ những cố gắng đó, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương, toàn huyện đã có 28 công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể được biên soạn và xuất bản, trong đó có 23/23 công trình lịch sử đảng bộ của các xã, thị trấn; 5 công trình của các ngành, đoàn thể (lực lượng vũ trang, công an nhân dân, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc), nâng số công trình lịch sử được biên soạn và xuất bản lên 28, phục vụ nhiệm vụ lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, quê hương trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm biên soạn đã gặt hái được nhiều thành công nổi bật. Một số ấn phẩm đã được xuất bản như: Dư địa chí huyện Can Lộc; Tài liệu tuyên truyền 540 năm truyền thống huyện Thiên Lộc - Can Lộc; kỷ yếu các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện khoá 32, 33, 34; Kỷ yếu HĐND - UBND huyện giai đoạn 1945 - 2010… Những ấn phẩm này đã kịp thời phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị  tư tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ LLVT và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện.

Ông Nguyễn Quyết Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy chia sẻ: “Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống là công tác khó khăn, đòi hỏi chứng nhân lịch sử, trong quá trình thực hiện công trình này, một số đơn vị cũng gặp phải những khó khăn nhất định như cứ liệu lịch sử còn hạn chế; một số nhân chứng quan trọng đã mất hoặc còn sống thì tuổi đã cao, trí nhớ giảm nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ biên soạn, xuất bản và tính chính xác của các sự kiện được thu thập, sưu tầm; nguồn kinh phí còn hạn chế; đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy về lịch sử Đảng còn ít nên còn bất cập trong khâu thẩm định bản thảo… Tuy nhiên, các địa phương, ngành, đoàn thể đã cố gắng khắc phục khó khăn và hoàn thành công trình nghiên cứu theo tiến độ đề ra”.

Những công trình nghiên cứu về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng. Qua những tác phẩm này, người con Can Lộc có thêm cơ hội tìm hiểu về truyền thống huyện nhà, đóng góp cho việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá, giá trị lịch sử truyền thống tốt đẹp của quê hương Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung./.

 

Quang Đạt
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất