Chủ Nhật, 13/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 4/2/2014 16:42'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại trong tình hình hiện nay



1. Trong năm 2013, các cơ quan chỉ đạo, điều hành tiếp tục chú trọng đổi mới và hoàn thiện cơ chế thống nhất chỉ đạo đối với công tác thông tin đối ngoại từ Trung ương tới địa phương, giữa trong nước với ngoài nước, giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức ba hội nghị tập huấn về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020", "Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020" và Nghị quyết 22 - NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, kết hợp với tập huấn về công tác phát ngôn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức về thông tin đối ngoại cho các lực lượng cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý và phóng viên báo chí trong cả nước.
Thông qua cuộc gặp làm việc hằng năm với các đồng chí đại sứ, tổng lãnh sự các cơ quan đại diện Việt Nam mới được bổ nhiệm, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại lắng nghe ý kiến trao đổi, đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác thông tin đối ngoại tại địa bàn nước ngoài nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Mới đây, nhân dịp Hội nghị ngoại giao lần thứ 28, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã có buổi gặp và trực tiếp trao nhiệm vụ về thông tin, tuyên truyền đối ngoại cho hơn 100 đại sứ, tổng lãnh sự, trưởng đại diện các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, thống nhất chỉ đạo định hướng thông tin cho báo chí, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, mới nảy sinh, được dư luận quan tâm, các cuộc giao ban báo chí trong nước và giao ban thông tin đối ngoại hằng tuần đã có một số đổi mới trong cách thức tổ chức, trao đổi thông tin theo hướng nâng cao tính dự báo, phân tích tình hình và chất lượng tham mưu. Chính vì vậy, việc gắn kết giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội trong thời gian gần đây đã được chú ý và giải quyết có bài bản và hiệu quả hơn.
Điểm nhấn năm 2013 là thông tin đối ngoại đã từng bước đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền thông tin đối ngoại
Năm 2013, các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị, các cơ quan báo chí, truyền thông, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực triển khai tuyên truyền một số nội dung thông tin đối ngoại quan trọng, như: Hoạt động kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris; kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với một số nước; Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và nâng tầm quan hệ với một số nước lớn trên thế giới; lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và việc Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi; tuyên truyền chủ quyền biên giới lãnh thổ; Việt Nam ứng cử và được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016; tình cảm của các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp; những kết quả bước đầu của sau một  năm tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự xã hội; một số vấn đề nóng trong đời sống chính trị quốc tế, khu vực…
Các cơ quan báo chí đã phản ánh sinh động về các hoạt động giao lưu hữu nghị nổi bật trong năm 2013 như: Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Nhật Bản; liên hoan thanh niên hai nước Việt - Trung; diễn đàn nhân dân Việt - Trung; cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung; liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ... góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với các nước.
Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục được chú trọng đổi mới về hình thức và phương thức. Việc phối hợp biên soạn tài liệu tuyên truyền đã được cải tiến, tổ chức tốt hơn các năm trước.
Hoạt động thông tin đối ngoại tại các tỉnh, thành phố ngày càng bài bản, có kế hoạch và đi vào chiều sâu. Một số tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại trực thuộc tỉnh uỷ, thành ủy; khai trương cổng thông tin đối ngoại, trang thông tin đối ngoại của địa phương; tăng cường biên dịch, cung cấp tài liệu cho các đoàn đi nước ngoài góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng của địa phương; ký thỏa thuận hợp tác với địa phương xây cụm thông tin đối ngoại tại các cửa khẩu trên đất liền; tăng số lượng các trang tin điện tử, tài liệu bằng tiếng nước ngoài...
Nhằm đa dạng hóa nội dung và đổi mới phương thức tuyên truyền đối ngoại, nhiều cơ quan báo chí đã mở chuyên trang, chuyên mục mới như: "Việt Nam với bạn bè quốc tế" và "Việt Nam với thế giới" của Truyền hình Thông tấn; "Chân dung cuộc sống", tuyên truyền về thành tựu nhân quyền Việt Nam của kênh VTV4; "Sắc màu 54 dân tộc Việt Nam", "Khám phá Việt Nam", “40 năm quan hệ Việt Nam- Nhật Bản" của Đài Tiếng nói Việt Nam... Các cơ quan báo chí chủ lực và nhiều báo, đài đều có chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Các cơ quan báo chí đã chủ động và kịp thời cung cấp những thông tin trung thực, khách quan về những vấn đề, vụ việc mà các thế lực cơ hội, thù địch thường xuyên tìm cách xuyên tạc như: Chính sách tôn giáo của Việt Nam, tình hình nhân quyền trong nước, tình hình người Việt Nam ở nước ngoài, tình hình Biển Đông, quan hệ Việt - Trung, qua đó góp phần sớm định hướng dư luận, giảm thiểu tác hại của những thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội. Các cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực của ta, nhất là báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân... thường xuyên có các chuyên mục, bài viết có chất lượng, phản bác kịp thời thông tin bịa đặt, vu khống, xuyên tạc về việc bảo đảm quyền con người, quyền dân sự và chính trị, tự do tôn giáo, tự do báo chí ở Việt Nam, đăng tải nhiều thông tin về thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền. Việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu cao nhất trong 14 nước được bầu lần này là một sự kiện có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, một thắng lợi quan trọng của công tác đối ngoại của Việt Nam. Trong thành công này, có phần đóng góp xứng đáng của công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.
Đặc biệt, nhằm chú trọng thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài, nhiều cơ quan báo chí chủ lực đã khai trương một số tạp chí, trang mạng điện tử bằng các thứ tiếng khác nhau như: Tạp chí Cộng sản khai trương trang tiếng Trung; Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng ra phiên bản tiếng Anh; Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt trang thông tin điện tử phiên bản tiếng Anh; Báo ảnh Việt Nam ra ấn phẩm Thời báo Việt - Hàn. Theo thống kê, trong 11 tháng năm 2013, chỉ riêng Ban Tin Đối ngoại Thông tấn xã Việt Nam đã thực hiện 39.987 tin, bài bằng 4 ngôn ngữ (tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha), tăng 79% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong năm 2013, chúng ta đã đón và trao đổi một số lượng khá lớn đoàn báo chí nước ngoài vào Việt Nam và các đoàn ra nước ngoài tìm hiểu tình hình, đưa tin, viết bài, quảng bá về Việt Nam, về các sự kiện và vấn đề quan tâm. Công tác phối hợp với các hãng thông tấn, báo chí quốc tế có tên tuổi đưa tin, viết bài về các sự kiện đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Việt Nam, về chính sách đối ngoại của ta tiếp tục được cải tiến, nâng cao chất lượng, góp phần tạo dấu ấn đậm nét về hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo đồng thuận về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.  Đặc biệt, Bộ Ngoại giao đã áp dụng nhiều điểm mới giải quyết nhanh các thủ tục về quản lý, được báo chí nước ngoài và các địa phương đánh giá cao.
Việc tranh thủ vai trò phóng viên nước ngoài, các tờ báo, tạp chí có uy tín quốc tế trong việc gián tiếp đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, dư luận không có lợi cho Việt Nam được đổi mới và thực hiện hiệu quả hơn trước. Tạo điều kiện cho một số đoàn báo chí, phóng viên nước ngoài vào Việt Nam để tìm hiểu thực tế tình hình kinh tế, xã hội, góp phần hạn chế những thông tin thiếu khách quan về Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyểën biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động thông tin đối ngoại trên phạm vi toàn quốc, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại ở một số mặt còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, địa phương, các lực lượng và của cả hệ thống chính trị. Vẫn còn có những lúc để xảy ra tình trạng bị động  trong công tác chỉ đạo định hướng thông tin, tuyên truyền đối ngoại, nhất là trong một số trường hợp mới nảy sinh. Một số thông tin về những vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt chưa được báo chí trong nước đăng tải kịp thời, hoặc không chính xác, gây hiểu lầm trong dư luận, bị các thế lực xấu khai thác, sử dụng kích động dư luận. Thông tin về các hiện tượng, vụ việc tiêu cực vẫn được đăng tải quá nhiều trên các báo trong nước, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Một số báo khai thác thông tin từ thế giới vào Việt Nam còn có lúc sai  quan điểm của Đảng, Nhà nước, thông tin thiếu kiểm chứng, "làm nóng" dư luận, ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của ta. Vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, báo chí quốc tế, mạng internet chưa được khai thác và phát huy tốt hiệu quả. Thông tin bằng tiếng nước ngoài mặc dù đã được chú trọng tăng cường, nhưng vẫn còn ít về số lượng, chưa thực sự hấp dẫn, chưa có sự thuyết phục và chưa đến được với nhiều đối tượng quan trọng của công tác thông tin đối ngoại.
2. Năm 2014, dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến tình hình trong nước. Chính vì vậy, để góp phần thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ và giải pháp về thông tin, tuyên truyền đối ngoại nêu trong Kết luận số 16 - KL/TW ngày 14-2-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”, cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, hoàn thiện cơ chế thống nhất chỉ đạo đối với công tác thông tin đối ngoại từ Trung ương tới địa phương, tăng cường sự gắn kết giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội. Khắc phục tình trạng bị động trong công tác chỉ đạo định hướng thông tin, tuyên truyền đối ngoại, nhất là trong một số trường hợp nhạy cảm, mới nảy sinh được dư luận quan tâm.
Hai là, hoàn thành việc rà soát các lực lượng, nguồn kinh phí hoạt động, kế hoạch, đề án của các đơn vị làm công tác thông tin đối ngoại trên phạm vi cả nước. Xác định các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực, những lĩnh vực, địa bàn quan trọng, ấn phẩm tuyên truyền cần tập trung đầu tư trọng điểm. Triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng một số cơ quan báo chí ngang tầm khu vực. Triển khai Giải báo chí toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ nhất trong năm 2014.
Ba là, tiếp tục tăng cường, kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ chuyên trách về thông tin đối ngoại ở các địa phương, tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác phát ngôn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức về thông tin đối ngoại cho các lực lượng cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý và phóng viên báo chí trong cả nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá hoạt động thông tin đối ngoại trên phạm vi cả nước.
Bốn là, tăng cường nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, hiệu quả phối hợp các lực lượng tham gia hoạt động thông tin đối ngoại trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, nhất là xung quanh vấn đề Biển Đông, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và đối với những vấn đề, vụ việc nhạy cảm, mới nảy sinh, thu hút sự chú ý của dư luận. Đa dạng hoá nội dung, phương thức thông tin tuyên truyền đối ngoại. Nâng cao hơn nữa tính thuyết phục của thông tin, các bài viết mang tính đấu tranh chống quan điểm sai trái.
Năm là, duy trì thường xuyên các cuộc trao đổi, tiếp xúc với các cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm trao đổi, cập nhật thông tin, dự báo diễn biến tình hình thế giới và trong nước, tình hình thực hiện các nhiệm vụ thông tin đối ngoại ở các địa bàn. Giao nhiệm vụ cụ thể về công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại cho các đoàn cán bộ Việt Nam đi công tác nước ngoài. Phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, báo chí quốc tế, các chuyên gia, nhân vật trong các cơ quan, tổ chức quốc tế có uy tín. Tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài; phát triển mảng sách song ngữ, sách tiếng nước ngoài về Việt Nam theo yêu cầu cụ thể của các nhóm đối tượng ở trong nước và ngoài nước.
Sáu là, tiếp tục các hình thức trao đổi, giao lưu, mời các đoàn báo chí nước ngoài, các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc và quốc tế về tôn giáo, dân tộc, dân chủ vào Việt Nam trực tiếp tìm hiểu tình hình, đưa tin, viết bài tuyên truyền về quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam.
Bảy là, có biện pháp kiên quyết khắc phục tình trạng đăng tải quá mức các thông tin tiêu cực trên báo chí trong nước, nhất là báo mạng. Hạn chế việc khai thác thông tin không chính thống, từ báo chí nước ngoài vào Việt Nam, có những vấn đề trái với chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin thiếu kiểm chứng, kích động dư luận làm ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của Việt Nam./.


PGS. TS. Phạm Văn Linh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất